Dựa vào đâu nói tăng giờ làm thêm là nhân văn, tự nguyện?

23/10/2019 14:01
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đặt câu hỏi như vậy trong phần tranh luận với Đại biểu Vũ Tiến Lộc.

Theo chương trình làm việc, Quốc hội dành cả ngày 23/10 thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi.

Các đại biểu Quốc hội vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về việc mở rộng khung giờ làm tối đa lên 400 giờ/năm.

Trong phần thảo luận Đại biểu Vũ Tiến Lộc – đoàn Thái Bình cho rằng việc duy trì giờ làm bình thường 48 giờ/tuần và tăng giờ làm thêm 400 giờ/năm là hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm và Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm và Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Vũ Tiến Lộc phát biểu nhấn mạnh, cơ bản nhất trí nhiều nội dung trong dự án bộ luật. Nếu dự luật được thông qua sẽ tạo nên bước đột phá trên hai hướng bao trùm hơn và hội nhập hơn.

Góp ý vào những nội dung cụ thể, về thời giờ làm việc bình thường, Đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành vì phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn.

Chúng ta quy định linh hoạt rằng thời gian làm việc tối đa là 48 giờ/tuần, Nhà nước khuyến khích giờ làm việc ít hơn là 40-44 giờ/tuần tùy thuộc điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và thỏa thuận giữa chủ sử dụng lao động và người lao động.

Ông Lộc cho rằng, quy định này hợp lý, hợp tình bởi nhiều lí do khác nhau. Kết quả cuối cùng giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay sẽ không mang lại lợi ích cho người lao động, mặt khác chi phí lao động của doanh nghiệp tăng lên, khả năng cạnh tranh giảm sút, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất và người lao động sẽ mất việc làm...

Không đồng tình với ý kiến của Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhân văn ở đây là bảo vệ quyền con người đã được quy định, nhân văn là tình người trong sử dụng lao động.

“Tôi chưa hiểu đại biểu Vũ Tiến Lộc căn cứ vào đâu để nói quy định này, chính sách này trong Bộ luật lao động nếu Quốc hội thông qua sẽ hợp lý, sẽ nhân văn và tự nguyện”, Đại biểu Tâm nói.

Ở đây, Đại biểu quan tâm đến hai vấn đề là nhân văn và tự nguyện. Bà nói, nhân văn và tự nguyện xét ở khía cạnh nào, nói đến tự nguyện thì nghe từ đâu. Nếu nói tự nguyện nghe từ người lao động thì đó là một điều rất lạ.

“Tôi khá bất ngờ với ý kiến của Đại biểu Vũ Tiến Lộc. Tôi đã nghe rất nhiều công nhân phát biểu và những người làm công tác công đoàn. Họ nói rằng không muốn làm thêm giờ.

Mặc dù trên thực tế họ cần làm thêm giờ, và chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao họ làm thêm. Vì tiền lương không đủ trang trải cuộc sống”, Đại biểu Tâm nói và chia sẻ là nhìn vào thực tế, tâm thế của người công nhân thì mới thấu hiểu họ.

Thậm chí, nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê. Có người cha, mẹ nào muốn gửi con về quê không. Hay có những công nhân phải 2 đến 3 năm mới về quê.

Nhấn mạnh thêm, Đại biểu cho rằng, những người công nhân không muốn trở thành gánh nặng của xã hội, họ phải đi làm. Nếu nói tự nguyện thì cần phải tranh luận, làm rõ. Từ đó, vị đại biểu này đặt ra câu hỏi vậy vai trò của Quốc hội ở đây là gì?.

Bà cũng chủ động tự trả lời rằng ở đây vai trò của Quốc hội là làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải trong cuộc sống, có thời gian để nâng cao tay nghề, nâng cao giải trí, chăm sóc gia đình. Đó là quyền con người mà Hiến pháp quy định.

Đại biểu Quốc hội đau lòng vì công nhân gầy gò, ốm yếu vẫn xin làm thêm
Đại biểu Quốc hội đau lòng vì công nhân gầy gò, ốm yếu vẫn xin làm thêm

“Đại biểu khi phát biểu có nghĩ đến những quy định trong Hiến pháp về quyền con người phải được bảo vệ như thế nào không?

Nhân văn ở đây là bảo vệ quyền con người đã được quy định, nhân văn là tình người trong sử dụng lao động.

Sức cạnh tranh của kinh tế không phải dựa vào sức lao động của người lao động mà dựa vào năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc. Đó là tiến bộ của xã hội”, bà Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Kim Yến – đoàn Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình với ý kiến của Đại biểu Quyết Tâm.

Theo Đại biểu Yến: “Nếu cha mẹ chỉ chăm chăm đi kiếm tiền rồi gửi tiền về cho ông bà, ô sin chăm các con. Tương lai chúng ta sẽ có một thế hệ kỹ sư lành nghề nhưng thiếu hơi ấm, sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ.

Lúc đó, tương lai chúng ta có thể sẽ có một thế hệ người lao động giống như các con rô bốt. Vì thế, mong các Đại biểu cân nhắc”.

Đỗ Thơm