GS Nguyễn Lân Dũng: Giải pháp chống ùn tắc trước mắt là phân luồng

02/04/2012 10:48
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - GS Nguyễn Lân Dũng: Giải pháp chống ùn tắc trước mắt là phân luồng. Phí hạn chế phương tiện: Chưa thuyết phục... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông
GS. Lân Dũng: Giải pháp trước mắt là phân luồng

“Theo tôi để giải quyết vấn đề ùn tắc, nếu là tôi, tôi làm cách khác. Một là: phát triển hạ tầng. Việc này không thể làm ngay được. Bằng chứng như ở Thái Lan, tôi chứng kiến sự thay đổi rõ rệt”, GS Nguyễn Lân Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII trao đổi với phóng viên VnMedia.

GS Dũng cho biết thêm, trước đây Thái Lan tắc đường kinh khủng nhưng khi đã xây dựng được đường trên cao thì vấn đề ùn tắc giải quyết được ngay nên chúng ta phải nghĩ tới giải pháp này. Trong thời điểm hiện nay, giải pháp trước mắt là phải phân luồng. Phân luồng không phải là treo cái biển ở trên cao, kẻ cái vạch dưới đất mà là có hàng rào hẳn hoi như đường Chùa Bộc vậy.

GS Nguyễn Lân Dũng
GS Nguyễn Lân Dũng

Tuyến đường này nhỏ vậy nhưng nhờ có hàng rào ở giữa mà giao thông đi lại cũng khác hẳn và phải có xử phạt nghiêm minh. Phải phạt nghiêm người ta mới sợ và công an phải đứng chỗ đó thì mới được. 
Phí hạn chế phương tiện giao thông: Chưa thuyết phục

Doanh nhân Sài Gòn thông tin, nếu thật sự việc thực hiện phí hạn chế phương tiện giao thông đường bộ chưa hợp lý thì cần nghiên cứu thêm để biện pháp đưa ra có được tính thuyết phục.

Bộ GTVT đề xuất các loại phí mới nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và có thêm nguồn thu cho việc đầu tư xây dựng, duy tu cơ sở hạ tầng, nhưng cả hai mục tiêu này không đủ luận chứng để thuyết phục.

Lâu nay, ngân sách nhà nước phân bổ kinh phí cho ngành GTVT để đầu tư xây mới và duy tu cầu đường, thực ra đó cũng là tiền từ người dân đóng thuế.

Một đường phố đông đúc ở Thành phố Hồ Chí Minh
Một đường phố đông đúc ở Thành phố Hồ Chí Minh

Tình trạng ùn tắc giao thông một phần lớn do đường sá không phát triển kịp với tốc độ tăng phương tiện xe cộ. Do vậy điều Nhà nước cần làm là đầu tư xây dựng đường sá thật tốt để thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó góp phần làm tăng thêm nguồn thu cho ngân sách để tái đầu tư hạ tầng.
Đưa ra nhiều loại phí áp dụng đối với các phương tiện giao thông đường bộ sẽ tạo thêm khó khăn cho người dân.
Thu phí xe - Chưa nhân văn, thiếu sự công bằng

Báo Phụ nữ thủ đô thông tin, hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông chưa đồng tình với đề án thu phí lưu hành phương tiện cá nhân theo kiểu “đổ đầu” như đề xuất, nhất là đối với xe máy.

Với đa phần người lao động có thu nhập trung bình thấp, xe máy chính là phương tiện đi lại và kiếm sống không thể thay thế. Việc phải gánh thêm phí bảo trì đường bộ (BTĐB), có thể sắp tới sẽ có thêm phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí lưu thông trong giờ cao điểm, dường như là quá sức.

Xe máy - phương tiện đi lại phổ biến nhất của đại đa số người dân hiện nay. Ảnh minh họa
Xe máy - phương tiện đi lại phổ biến nhất của đại đa số người dân hiện nay. Ảnh minh họa

TS.Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB Giao thông vận tải cho rằng, với điều kiện giao thông của Hà Nội hiện nay, đồng ý là phải nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông nhưng phải tính đến điều kiện đặc thù, sức chịu đựng của người dân chứ không thể lấy giải pháp thu phí tình thế để giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược, dài hạn của giao thông đô thị.

Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn; quy hoạch hạ tầng phải đi trước thay vì cách làm hiện nay. “Thu phí lưu hành đối với phương tiện cá nhân, đặc biệt là với xe máy là rất vô lý. Việc thu phí lưu hành là đánh vào gánh nặng đời sống người dân, đặc biệt là dân nghèo, chưa nhân văn và thiếu công bằng, trước đó cũng với mục tiêu chống ùn tắc, chúng ta tăng thu phí trước bạ và lên bao lần rồi, giờ lại thu thêm phí lưu hành là làm khó dân. Hạn chế phương tiện cá nhân có nhiều cách, không nhất thiết phải dồn gánh nặng chịu phí lên vai người dân”.
Thu phí phương tiện giao thông cá nhân: Nếu nóng vội áp dụng dễ dẫn đến sai lầm

Công an nhân dân đăng tải ý kiến của nguyên đại biểu HĐND TP Hà Nội Trần Trọng Hanh: Cần phải sáng tỏ khi thực hiện việc thu phí phương tiện sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm ùn tắc giao thông, tác động của đề xuất này tới thị trường ôtô, nguồn thu ngân sách như thế nào.

Quy hoạch tốt các tuyến đường, đồng thời tổ chức tốt giao thông sẽ hạn chế các điểm ùn tắc cục bộ trong nội đô.
Quy hoạch tốt các tuyến đường, đồng thời tổ chức tốt giao thông sẽ hạn chế các điểm ùn tắc cục bộ trong nội đô.

Ông Hanh cho rằng, tìm hiểu cách làm của các nước xung quanh là cần thiết. Nhưng đặc điểm giao thông, địa hình, tập quán đi lại mỗi nước, mỗi thành phố một khác. Nếu nóng vội áp dụng dễ dẫn đến sai lầm. Còn nói rằng lẽ ra phải thu phí phương tiện cách đây hơn chục năm mới phải, thì cũng đừng quên người dân luôn mong được đi phương tiện giao thông công cộng thuận tiện, an toàn, đúng giờ, giá hợp lý, mà lẽ ra phải được chủ trương xây dựng từ lâu để định hướng giao thông cho người dân ở các đô thị lớn.

Còn xét về nguồn thu ngân sách, nếu giải phóng sức sản xuất của dân, của doanh nghiệp qua phương tiện, cộng với nguồn thu từ phát triển công nghiệp ôtô đúng hướng, chưa chắc đã bị giảm so với khoản thu phí phương tiện đang định áp dụng. Đây là bài toán chưa có lời giải, nên phải bàn thấu đáo sao cho lợi việc công nhưng cũng thuận cho dân.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Chưa thu phí trong năm nay”

Chiều nay, hàng loạt các cơ quan báo chí như: Vietnamnet, Thanh niên, Người lao động, Dân trí... đều đưa tin, trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định, trong năm nay chưa thu phí lưu hành vào nội đô và hạn chế phương tiện cá nhân. Ông Thăng cho biết, hai loại phí này phải chờ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua.

Nguồn tin trên Thanh niên Online cho hay, hiện tại, đề án thu phí mới chỉ dừng ở Bộ GTVT đề xuất và đến thời điểm này Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan chưa có báo cáo cuối cùng lên Chính phủ.

Cũng theo Bộ trưởng Thăng, thời điểm thu hai loại phí này ngay từ đầu Bộ chưa đề xuất vì tình hình kinh tế hiện đang khó khăn.

“Cho nên không có chuyện năm nay thu phí, vì để ban hành được một văn bản quy phạm pháp luật còn mất rất nhiều thời gian theo quy trình. Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ năm 2009 mà để thu phí bảo trì đường bộ cũng mất vài năm mới thực hiện”, Bộ trưởng Thăng lý giải.
Hải Phong (Tổng hợp)