Lo bị gạt ra ngoài lề bán đảo, Ngoại trưởng Trung Quốc vội vã đi Triều Tiên?

30/04/2018 16:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Ngày ông Tập Cận Bình thăm đáp lễ Bình Nhưỡng còn xa, thượng đỉnh Mỹ - Triều thì đã rất gần, mà không bên nào thông báo cho Trung Quốc biết kết quả, dự định.

Đa Chiều ngày 30/4 đưa tin, cùng ngày người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, nhận lời mời của Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ thăm Bình Nhưỡng từ 2/5 đến 3/5.

Đi tiền trạm hay đến thăm dò?

Tờ báo này cho rằng, theo thông lệ của nền chính trị Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị thăm quốc gia nào thì Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ đi tiền trạm quốc gia đó.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm không chính thức tới Trung Quốc từ 25/3 đến 28/3.

Khi đó hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết, ông Tập Cận Bình đã nhận lời mời thăm Triều Tiên của ông Kim Jong-un.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: The Japan Times.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: The Japan Times.

Tuy nhiên truyền thông Trung Quốc không nhắc gì đến nội dung này. Nguồn tin riêng từ ngành ngoại giao Hàn Quốc xác nhận với Đa Chiều, ông Tập Cận Bình sẽ đi thăm Triều Tiên vào đầu tháng Sáu.

Hoạt động thăm viếng của lãnh đạo cấp cao 2 nước Trung - Triều lâu nay đều diễn ra theo quy luật, lãnh đạo Triều Tiên sang Bắc Kinh trước, lãnh đạo Trung Quốc đi Bình Nhưỡng đáp lễ sau.

Từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền năm 2011 đến tháng Ba 2018, lãnh đạo cao nhất 2 quốc gia chưa từng thăm viếng nhau;

Chuyến đi Bắc Kinh đầy bất ngờ của ông Kim Jong-un sau 7 năm lạnh nhạt đã làm quan hệ Trung - Triều ấm trở lại với tốc độ khá nhanh và mạnh. [1]

Chỉ 3 tháng sau khi ông Kim Jong-un đến Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình có thể thăm đáp lễ Bình Nhưỡng cho thấy ông Kim Jong-un đang rất thành công trong chính sách đối ngoại của mình.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 30/4 cho biết, ở Bình Nhưỡng ông Vương Nghị có thể sẽ được thông báo về kết quả của hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều, cũng như thảo luận các vấn đề chiến lược cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. [2]

Từ thành viên ký hiệp định đình chiến, đến kẻ ngoài lề của thỏa thuận hòa bình

Tờ The Guardian, Anh quốc ngày 30/4 nhận định, Trung Quốc đang muốn tìm cách duy trì ảnh hưởng sau khi quan hệ Mỹ - Triều được cải thiện.

Lo bị gạt ra ngoài lề bán đảo, Ngoại trưởng Trung Quốc vội vã đi Triều Tiên? ảnh 2

"Cả Hàn Quốc, Triều Tiên đều không muốn Trung Quốc can dự vào bán đảo"

Quan hệ giữa hai cựu thù này có thể làm thay đổi đáng kể cấu trúc quyền lực trong khu vực khiến Bắc Kinh bị gạt ra ngoài lề bán đảo Triều Tiên.

Trong khi truyền thông thế giới tập trung về Bàn Môn Điếm ngày 27/4, truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như chỉ tập trung vào sự kiện ông Tập Cận Bình gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc đến đập Tam Hiệp.

Sau hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều, Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới ra một tuyên bố ngắn gọn nói rằng, Bắc Kinh hoan nghênh các kết quả tích cực của các cuộc đàm phán.

"Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò tích cực của mình với kết quả này", Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.

Nhưng ai cho Trung Quốc "tiếp tục vai trò" trên bán đảo Triều Tiên?

Lúc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, Trung Quốc nói rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là vấn đề giữa Mỹ với Triều Tiên. Đó không phải là chuyện của Trung Quốc.

Bây giờ quan hệ Mỹ - Triều ấm lên có thể thay đổi đáng kể cấu trúc an ninh khu vực, khiến Bắc Kinh bị gạt ra ngoài.

Phó giáo sư Weiqi Zhang từ Đại học Suffolk ở Boston chuyên nghiên cứu Bắc Triều Tiên bình luận:

"Có thể lập luận rằng, Trung Quốc đã lựa chọn ngồi ngoài.

Tuy nhiên, quan hệ Bình Nhưỡng - Seoul có thể thay đổi nhanh chóng, làm thay đổi cấu trúc quyền lực khu vực và ảnh hưởng lâu dài đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc."

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ảnh: KCNA.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ảnh: KCNA.

Michael Kovrig, cố vấn cấp cao về Đông Bắc Á tại Nhóm Khủng hoảng quốc tế nhận định:

"Bắc Kinh không muốn Washington và Bình Nhưỡng đến với nhau quá gần, không muốn thống nhất hoàn toàn (bán đảo) theo các điều khoản của Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Về chính trị, tôi nghĩ Trung Quốc đang thận trọng cung cấp cho Triều Tiên và Hàn Quốc không gian để thúc đẩy tiến trình ngoại giao, bởi vì đó là lợi ích của Bắc Kinh.

Tuy nhiên cần theo dõi chặt chẽ những diễn biến sau hậu trường, để định vị chính sách của họ." [3]

Có một điều rất đáng chú ý về vai trò của Trung Quốc với cục diện bán đảo Triều Tiên;

Đó là khi ông Kim Jong-un mới ngỏ ý sẵn sàng gặp Donald Trump, Hàn Quốc đã lập tức phái người sang tận nơi trao đổi với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc về diễn biến mới này.

Triều Tiên thì án binh bất động.

Tuy nhiên sau một loạt động thái ngoại giao con thoi thành công và dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều diễn ra suôn sẻ, thì không thấy bên nào, kể cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng, chính thức thông báo cho Bắc Kinh.

Lo bị gạt ra ngoài lề bán đảo, Ngoại trưởng Trung Quốc vội vã đi Triều Tiên? ảnh 4

Triều Tiên trước ngưỡng cửa cải cách toàn diện

Sau thượng đỉnh Hàn - Triều, cả ông Kim Jong-un và ông Donald Trump đều dành cho nhau những thông điệp cực kỳ tích cực và thiện chí, có lẽ càng khiến Bắc Kinh nóng ruột.

Chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Vương Nghị từ 2/5 đến 3/5 diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều và còn cách thời điểm chuyến thăm dự kiến của ông Tập Cận Bình khá xa;

Điều này cho thấy mối quan tâm thực sự của Trung Quốc là những gì diễn ra trước mắt, chứ không hẳn chỉ dừng lại chuyến thăm đáp lễ.

Không có ai sang Bắc Kinh trao đổi kết quả, cũng không có cuộc điện đàm thông báo tình hình nào được công bố, ngoài lời cảm ơn của "người thứ 3" là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim Jong-un cho thấy ông đã chuẩn bị trước về thị trường, về nguồn vốn đầu tư và viện trợ cho chiến lược "tập trung toàn lực phát triển kinh tế Triều Tiên";

Chứ có lẽ chuyến thăm này không phải để lấy Trung Quốc làm "đòn bẩy" đàm phán với Donald Trump, càng không phải để "tập dượt" cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. 

Những gì đã diễn ra đều cho thấy hình ảnh một nhà lãnh đạo Triều Tiên bản lĩnh, trí tuệ và phong cách ngoại giao chuyên nghiệp, khác hoàn toàn những gì truyền thông Mỹ - Hàn - Trung mô tả về ông lâu nay.

Quan hệ Trung - Triều đã dịch chuyển quay ngoắt 180 độ sau khi ông Kim Jong-un đi Bắc Kinh;

Nhưng Bình Nhưỡng không thông báo gì cho Trung Nam Hải về kết quả cũng như dự định, ít nhất là ở góc độ công khai, mà phải để ông Vương Nghị sang thăm dò, cho thấy ông Kim Jong-un đang rất chủ động và nắm chắc các tình huống.

Trung Quốc đã trót định vị mình ngồi ngoài, để Mỹ - Triều trực tiếp giải quyết với nhau, thì giờ có muốn quay lại cũng là điều không dễ.

Nguồn: 

[1]http://news.dwnews.com/china/news/2018-04-29/60055108.html

[2]http://english.yonhapnews.co.kr/news/2018/04/30/0200000000AEN20180430005500315.html

[3]https://www.theguardian.com/world/2018/apr/30/sidelined-china-seeks-to-maintain-influence-as-ties-between-north-korea-and-us-improve

Hồng Thủy