Loạn xét nghiệm, bệnh nhân "khóc ròng"

11/06/2012 11:14
“Kết quả xét nghiệm từ bệnh viện này mang sang bệnh viện kia chỉ cách nhau có mấy ngày mà họ bắt làm lại hết. Chỉ khổ cho người dân tốn không biết bao nhiêu tiền bạc và thời gian.” Đó là những lời than vãn của một bệnh nhân từng điều trị tại bệnh viện.

Phút “89” vẫn không biết sinh con ở đâu

Chị Trần Thị Mai, ngụ tại quận 7, TP.HCM đang mang thai tuần thứ 38 là một trong số “nạn nhân” của việc đi làm xét nghiệm.

“Tôi mua gói khám thai trọn gói tại Bệnh viện Pháp – Việt (FV) hết mười mấy triệu đồng. Khi mua gói khám thai này, thai phụ được khám thai mỗi tháng/lần từ tuần mang thai thứ 12 cho tới lúc sinh.

Ngoài ra, vào các tuần thai cụ thể thai phụ cũng được làm đầy đủ các xét nghiệm tương ứng như: HIV, đường trong máu, nước tiểu, viêm gan siêu vi B, C, làm xét nghiệm tầm soát bệnh Down ở thai nhi, siêu âm 4 chiều để phát hiện dị tật…” - chị Mai kể.

Ngoài ra, có những xét nghiệm ngoài gói khám nhưng do bác sĩ chỉ định làm thêm, buộc chị Mai phải trả thêm tiền. Mỗi một lần xét nghiệm tốn từ 500-700 ngàn đồng. Chị Mai dự tính làm trọn gói để tới khi chuyển dạ vào Bệnh viện FV sinh luôn cho tiện nhưng phút chót chị thay đổi quyết định.

Nhà mẹ đẻ chị Mai ở quận Phú Nhuận (TPHCM), theo lời khuyên của gia đình, trong thời gian chuẩn bị lâm bồn, chị về nhà ngoại ở, đợi tới lúc chuyển dạ vào một bệnh viện tư gần đấy sinh con, ông bà ngoại ở gần cũng tiện chăm sóc.

Loạn xét nghiệm, bệnh nhân "khóc ròng", Tin tức trong ngày, xet nghiem, kham benh, dich vu y te, chua benh, chup x quang, chup cat lop, chup ct, chup cong huong tu, bac si, benh nhan, chi phi kham chua benh, bao, tin hay, tin hot, tin tuc

Mỗi lần xếp hàng làm xét nghiệm người dân khổ vì tốn tiền và mất thời gian. Ảnh: Thanh Huyền

“Nghĩ việc chuyển viện cũng hợp lý, tôi ung dung đem nguyên bộ hồ sơ của mình từ Bệnh viện FV qua bệnh viện mới. Ai dè, tại đây, khi cầm bộ hồ sơ, cô điều dưỡng tỏ vẻ thờ ơ, lật qua loa và nói rằng các xét nghiệm tôi làm bên Bệnh viện FV không có giá trị. Nếu tôi muốn sinh tại đây thì phải làm lại hết.

Gần tới ngày lâm bồn rồi mà tôi vẫn chưa biết mình sẽ sinh cháu ở bệnh viện nào. Nguyên một đống xét nghiệm ở Bệnh viện FV tốn không biết bao nhiêu tiền, bây giờ muốn sinh ở viện khác phải xếp hàng đi làm xét nghiệm lại.

Tôi lo tới lúc mình làm đủ các xét nghiệm một lần nữa không khéo… đẻ xong rồi. Đó là chưa kể tốn kém về tiền bạc, thời gian”, chị Mai buồn bã chia sẻ.

Dân nghèo cắn răng bỏ tiền triệu làm lại xét nghiệm, CT

Giống như chị Mai, anh Phạm Văn Khang, ngụ tại quận Tân Bình cũng bị “hành” vì phải làm đi làm lại các xét nghiệm. Trước đó, anh Khang thấy ù tai, nhức đầu. Lo sợ cho sức khỏe, anh đi khám ở Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM và được yêu cầu chụp CT.

Các bác sĩ kết luận anh có một cục u nhỏ trong khoang mũi. Do bạch cầu cao, có dấu hiệu viêm nhiễm nên anh chưa làm sinh thiết được mà phải uống kháng sinh điều trị. Sợ bị ung thư, anh Khang sang Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám.

“Tôi cầm theo phim vừa chụp tại Bệnh viện Tai - Mũi - Họng cách đó vài ngày. Tuy nhiên, sang Bệnh viện Ung Bướu tôi được bác sĩ đề nghị đi chụp phim lại với lý do phim cũ chụp chưa tới phần mà ông ấy muốn kiểm tra.

Thế là tôi phải xếp hàng mấy tiếng đồng hồ để chụp lại phim, tốn thêm gần 1 triệu đồng. Chưa kể mấy ngày sau tôi mới nhận được kết quả”, anh Khang thở dài.

Chị Nga kể: "Tôi đưa bố đến khám và nằm điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, làm các xét nghiệm hết hơn 800 ngàn. 3 ngày sau tôi chuyển ông cụ sang Bệnh viện Nguyễn Trãi ở gần nhà người thân cho tiện việc chăm sóc.

Tại đây bố tôi nhận “tráp” từ bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Trãi yêu cầu làm lại xét nghiệm (tương tự cái vừa làm xong ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định).

Tất nhiên, khi yêu cầu mình làm lại xét nghiệm, bệnh viện họ có lý do như làm thêm lần nữa cho chắc hay phim chụp này chưa được rõ…"

"Mỗi lần làm xét nghiệm, chụp phim là một lần người dân tốn kém, khổ sở. Gia đình chúng tôi là nông dân, ăn còn chẳng đủ nên có được 800 ngàn đi xét nghiệm không dễ dàng gì.

Tôi mong ngành y tế có giải pháp cho vấn đề này và các bệnh viện chỉ nên cho làm lại xét nghiệm nào thật cần thiết…", chị Nga trăn trở đề xuất.

Còn rất nhiều ý kiến của người dân phản ánh về việc kết quả xét nghiệm của bệnh viện này nhưng qua viện khác phải làm lại. Một khi các bệnh viện còn không tin nhau thì người dân biết trông cậy vào đâu?

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

(Còn nữa)

Theo Thanh Huyền (Vietnamnet)

Điểm nóng

Hà Nội: Ông lão 76 tuổi rơi từ tầng 8 tòa nhà Licogi 13

Người Trung Quốc trên Vịnh Cam Ranh: “Đúng là lo ngại lắm!”

Đại gia và mỹ nữ: Việt Trinh và 2 đại gia bị kết án tử hình

Chiêm ngưỡng hình ảnh Sao Kim đi qua mặt trời

"Quốc hội đang bàn việc công khai danh tính người mua dâm"

Bé 3 tuổi bị cha dượng đánh vỡ gan, dập tinh hoàn

Bộ trưởng Thăng: 'Rút kinh nghiệm từ việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng'