Luật sư kể chuyện đằng sau vụ án Dương Chí Dũng

29/01/2014 08:31
Theo ĐSPL
(GDVN) - Tham gia bào chữa nhiều vụ án "đình đám" như vu Dương Chí Dũng, Cù Huy Hà Vũ, Đoàn Văn Vươn..., luật sư Trần Đình Triển có những chia sẻ tâm huyết.

Trong những ngày Tết đến xuân về, những điều trăn trở trong nghề luật một năm qua cùng với những kỳ vọng trong năm mới vẫn là đề tài tâm huyết của vị luật sư Phó Chủ nhiệm Hội Luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Trần Đình Triển: Không phải “cãi” cho dân mới là vì dân
Luật sư Trần Đình Triển: Không phải “cãi” cho dân mới là vì dân

Từ vụ Dương Chí Dũng: Còn vấn đề gì đằng sau vụ án?

- Thưa luật sư, từng tham gia bảo vệ cho nhiều thân chủ là bị cáo trong những vụ án gây chấn động dư luận, tiêu biểu đó là vụ án Cù Huy Hà Vũ, gần đây là vụ Đoàn Văn Vươn, hai đại án liên quan đến Vinalines. Ông thấy đâu là ấn tượng mạnh mẽ nhất đọng lại sau những vụ án này?

Tôi thấy có một điểm chung trong những vụ án này là luật sư tham gia bảo vệ bị cáo luôn phải chịu những sức ép rất lớn từ dư luận. Tôi có một trang Facebook và nhiều người quen biết đã “bình luận” trên trang này, gọi tôi là “luật sư phản động” khi tôi bảo vệ cho Cù Huy Hà Vũ, “luật sư tham nhũng” khi tôi bảo vệ cho Dương Chí Dũng…

Nhiều người còn nhắn tin cho tôi: “Ông mở văn phòng luật sư Vì Dân mà lại đi bảo vệ cho các quan tham nhũng?”. Thậm chí tôi biết có khá nhiều bị cáo liên quan đến những nhóm tội như tội vi phạm an ninh quốc gia thì không luật sư nào dám nhận bào chữa. Tôi cho rằng dư luận như thế là một điều rất nguy hiểm.

Hiến pháp nước ta đã quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Tất cả mọi luật sư cần phải coi việc bào chữa cho các bị cáo đang bị dư luận lên án là bình thường, đó là trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Bản thân tôi luôn mong muốn những bị cáo này tội đến đâu tòa xử đến đấy, không xử oan sai dù đó là ai. Những vấn đề đằng sau vụ án cũng phải phanh phui ra…

- Khi xét xử vụ nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng tổ chức cho anh trai trốn đi nước ngoài, Dương Chí Dũng đã khai ra “vấn đề đằng sau” liên quan đến một "ông anh ở Bộ Công an". Hội đồng xét xử đã quyết định khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật nhà nước theo Điều 263 Bộ luật Hình sự. Là một luật sư theo sát vụ án này, ông có thể chia sẻ quá trình tranh tụng để làm “lộ ra” những tình tiết của một vụ án mới?

Vụ Dương Tự Trọng, tôi là luật sư bảo vệ quyền lợi bị cáo từ giai đoạn điều tra. Gia đình ông Trọng thấy tôi làm việc có trách nhiệm nên đã đề nghị tôi bảo vệ quyền lợi cho ông Dũng. Vì nhận thấy vụ án liên quan đến ông Dũng phức tạp hơn, cần phải tập trung nghiên cứu, nên tôi đã để luật sư khác bảo vệ cho ông Trọng, còn mình theo vụ ông Dũng.

Có một điểm đặc biệt mà nhiều người theo dõi các phiên tòa liên quan đến ông Dũng đều có thể nhận ra: phiên tòa đầu tiên xử tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Dũng không khai ra người đã mật báo cho mình trốn ra nước ngoài. Phải đến phiên tòa xử tội em mình, ông Dũng mới khai chuyện này ra. Điều này đã nằm trong dự liệu của luật sư. Vì nếu khai chuyện có người “mật báo” từ phiên tòa trước thì sẽ không hút được sự chú ý của Hội đồng xét xử, vì nó không liên quan trực tiếp đến vụ án. Phải khai ở phiên tòa sau thì mới tạo ra được tác động mạnh mẽ đến các cơ quan tư pháp cũng như dư luận, để có một vụ án mới về “làm lộ bí mật nhà nước” được khởi tố ngay tại tòa.

Một vụ án oan, không chỉ một người, một gia đình mất niềm tin

- Về những vụ án nổi bật trong năm 2013, nhiều luật gia nhắc đến vụ người tù oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn. Là một luật sư, đồng thời là Tiến sĩ Luật học, quan điểm của ông như thế nào về vụ việc này?

Vụ ông Chấn là một trường hợp điển hình để chúng ta nhìn nhận về thực tế của tiến trình cải cách tư pháp. Từ vụ việc này, các cơ quan chức năng sẽ phải đặt ra vấn đềlà các trại tạm giam, tạm giữ do ai quản lý. Nếu các trại do Bộ Công an quản lý thì liệu có đảm bảo khách quan, đảm bảo vai trò của cơ quan VKS không?

Thứ hai nữa, tôi cho rằng phải sửa đổi luật, quy định rõ ràng rằng trong các vụ hình sự, luật sư phải có mặt ngay khi cơ quan điều tra lấy lời khai đầu tiên của bị can. Phải như vậy mới chấm dứt được tình trạng hiện nay dân kêu rất nhiều về bức cung, mớm cung, dụ cung…

Phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm
Phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm

Trong bốn bức tường của nhà tạm giam tạm giữ chỉ có điều tra viên, bị can bị cáo. Nhiều vụ ra tòa bị cáo nói rằng bản khai này không phải do họ viết mà do điều tra viên viết và bắt ký vào. Nhưng bao giờ tòa cũng hỏi họ: “Bằng chứng đâu?”. Theo tôi đó là câu hỏi hết sức vô duyên. Đã vào trại giam thì bị can, luật sư cũng như điều tra viên đều bị cấm tất cả, không được quay phim, không mang máy ảnh, vậy thì lấy đâu ra bằng chứng?

- Bản thân luật sư đã từng có những vụ án phải “bó tay” vì biết là án oan nhưng không thể “lội ngược dòng” được?

Có những phiên tòa như vậy. Nguyên tắc xét xử là phải “Trọng chứng hơn trọng cung”, nhưng hiện nay tòa ít khi xem xét đến các chứng cứ khách quan ngoài lời khai của bị can, bị cáo. Đó là một vấn đề gây bức xúc hiện nay.

Tôi dẫn chứng cụ thể như vụ xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng. Hiện nay tòa mới căn cứ vào các lời khai của các cấp dưới của ông Dũng. Tại sao tòa không thực hiện thu thập chứng cứ ở các đối tác của Vinalines ở Nga và Singapore. Việt Nam với Nga, với Singapore đều đã ký văn bản tương trợ tư pháp về mặt hình sự. Phải có trả lời từ các đối tác của Vinalines ở nước ngoài thì mới đủ bằng chứng để xử nghiêm minh và đúng người đúng tội.

Thực ra, vụ ông Chấn hay là rất nhiều những vụ án oan đang chờ được giải quyết đều có căn nguyên là vấn đề cải cách tư pháp chúng ta chưa làm được như mong muốn của Đảng, của nhân dân. Chúng ta đừng nghĩ xử một bị can oan sai, một vụ dân sự oan sai thì chỉ có đương sự đó người ta bức xúc mà còn có biết bao người thân, người quen của họ biết đến. Có khi họ hàng, thôn xóm, cả một vùng quê cũng biết. 

Còn đâu đó người ta nói đến chuyện chạy án, đến “án bỏ túi”, thì đó cũng là một vấn đề vô cùng nhức nhối.

Cải cách tư pháp chưa thực sự “đến nơi đến chốn”

- Nhìn lại một năm với vai trò là Trưởng ban bảo vệ quyền lợi luật sư của Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, ông có đánh giá như thế nào về những điểm mới trong hoạt động hành nghề của các luật sư trong năm qua?

Hiện nay Hà Nội có 840 văn phòng luật sư và công ty luật, có  2400 luật sư đang hành nghề, đồng thời có 2000 luật sư tập sự. Như vậy cuối năm 2014, Đoàn luật sư Hà Nội có 4400 luật sư. Trong số đông đảo hệ thống văn phòng luật sư đó, có văn phòng làm không hết việc, trong khi đó nhiều văn phòng lại không đủ tiền thuê nhà. Theo tôi đó là thị trường. Nhưng có một điểm chung là có rất nhiều luật sư than phiền về thái độ bất hợp tác của các cơ quan tiến hành tố tụng.

- Ông có thể phân tích kỹ hơn về vấn đề này?

Hoạt động của luật sư đang bị hạn chế rất nhiều. Luật quy định nếu luật sư làm đầy đủ thủ tục thì các cơ quan phải cấp thủ tục luật sư để luật sư tiến hành thu thập chứng cứ, gặp bị can trong trại giam… Giả dụ luật Luật sư yêu cầu có: thư mời của thân chủ, giấy giới thiệu của đoàn Luật sư, thẻ luật sư được công chứng, là có thể gặp được thân chủ trong trại giam, nhưng các cơ quan đều đặt ra các yêu cầu “dưới luật” như: phải có chứng chỉ hành nghề, bản sao đăng ký kinh doanh Văn phòng luật sư, chứng minh thư của luật sư, quyết định phân công luật sư của đoàn luật sư, vv và vv…

Những điều ngoài luật này cực kỳ gây khó khăn cho hoạt động của chúng tôi. Luật quy định nếu cơ quan tố tụng làm sai quy trình tố tụng thì luật sư có thể đề nghị thay đổi điều tra viên, người vi phạm sẽ bị kỷ  luật, vi phạm nặng nữa thì xử lý hình sự. Nhưng khi chúng tôi lên tiếng thì không ai bị sao cả.

- Về vai trò tranh tụng của luật sư tại tòa thì sao, thưa ông?

Các cơ quan chức năng không hạn chế luật sư tranh tụng, tuy nhiên luật sư nói để mà nói. Tôi chứng kiến ở nhiều phiên tòa, có những luật sư đưa ra chứng cứ, đưa ra luật lệ đúng để bảo vệ thân chủ, VKS không bác bỏ được, không tranh tụng lại được hoặc trả lời sai, nhưng tòa vẫn tuyên theo VKS.

Theo tôi, phải làm như thế nào để vai trò của luật sư được nâng lên, tương đương với VKS. Đây là sự phản biện xã hội, nếu ý kiến phản biện xã hội không được tôn trọng thì vô hình chung đưa ra chế định luật sư chỉ thêm mất thời gian, mất tiền của thân chủ. Và như thế là vấn đề cải cách tư pháp vẫn còn “trên giấy”, chưa thực sự “đến nơi đến chốn”.

- Xin cảm ơn luật sư!

Theo ĐSPL