“Người vượn” nhọc nhằn kiếm sống

06/06/2012 14:36
Một thanh niên bị liệt hai chân, vẹo cột sống, chỉ có một quả thận nhưng là lao động chính nuôi gia đình năm người. Ước mơ đau đáu của em là làm sao cho hai đứa em được đi học.

Bị liệt hai chân và vẹo cột sống từ nhỏ nhưng Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1990, ngụ Tần Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau) hiện đang là lao động chính nuôi gia đình năm miệng ăn. Em được người dân địa phương gọi là "người vượn" vì chỉ có thể đi lại bằng đôi tay. Hằng ngày Linh phải đầm mình dưới sông bắt tôm, bắt cá, thu nhặt lưới cũ, làm thêm ở vựa phế liệu… chỉ với mong muốn “sao cho hai đứa em được đến trường, có tiền để chữa bệnh cho mẹ”.
Bệnh tật, mồ côi
Trong nỗi buồn sâu thẳm, chị Bùi Thị Hạnh, mẹ của Linh, kể lại: “Khi sinh ra Linh bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng năm lên bốn tuổi thì Linh bị sốt kéo dài. Gia đình tôi cứ nghĩ Linh bị bệnh cảm sốt thông thường nên chỉ nhờ người chích thuốc. Đâu ngờ hơn sáu tháng sau càng lúc chân Linh càng teo lại rồi liệt cả hai chân, vẹo luôn cột sống”. Nỗi đau chồng lên nỗi đau, cuối năm đó bố của Linh qua đời vì bệnh nặng.
Linh lớn lên cùng bà ngoại (nay đã 72 tuổi, bị mù cả hai mắt) và người mẹ mang chứng bệnh huyết áp cao. Tháng ngày qua đi, ba mẹ con, bà cháu rau cháo nuôi nhau trong căn nhà mái lá xập xệ rộng chưa đầy 40 m2.
Không bi lụy trước khó khăn, từ nhỏ Nguyễn Văn Linh đã tìm mọi cách làm kiếm tiền phụ giúp mẹ và bà. Những ngày nắng Linh đi khắp nơi nhặt phế liệu, ngày mưa thì Linh thức dậy từ 1 giờ sáng để đi giăng câu.
Vài năm sau, muốn có người đàn ông cùng mình gánh vác chuyện gia đình, chị Hạnh đi thêm bước nữa. Thế nhưng trời không chiều lòng người, năm Linh lên 15 tuổi, chị Hạnh sinh bé Hân thì người chồng sau lại bỏ nhà đi.
Tự nuôi mình, em gái và bà đã quá khó khăn, Linh còn nhận người em con của dì tên là Nguyễn Văn Sy, sinh năm 1994, có hoàn cảnh tương tự (cha mất, mẹ lên Bình Dương làm công nhân) về cùng chung sống.

“Người vượn” nhọc nhằn kiếm sống, Tin tức trong ngày, nguoi vuon, nguoi tat nguyen, nghe ve chai, di tat bam sinh, liet, bao, tin tuc, tin hot, tin hay

Nguyễn Văn Linh cắt chì từ những tấm lưới cũ cùng bà ngoại và mẹ

Nỗ lực phi thường
Đến năm 17 tuổi, Linh đi làm mướn tại vựa ve chai với số tiền công khoảng 30.000-40.000 đồng/ngày. Ngoài giờ làm, Linh tìm mua lưới cũ về để mẹ và bà ngoại cắt chì bán lại nhưng khoản thu nhập này rất bấp bênh vì lưới cũ không phải lúc nào cũng mua được.
Một lần Linh bị bệnh, qua khám chữa trị, bác sĩ phát hiện ngoài đôi chân bị liệt và bệnh vẹo cột sống, Linh còn mang dị tật bẩm sinh chỉ có một quả thận. Nghiệt ngã như vậy nhưng hằng ngày Linh vẫn dầm mình dưới sông đi giăng lưới, đặt lú bắt tôm, bắt cá lo bữa ăn cho gia đình. Kể về việc có thể bơi nhiều giờ dưới nước chỉ với hai cánh tay, Linh nói: “Hồi nhỏ em bị té xuống kênh, may được mấy chú trong ấp cứu. Từ đó em quyết tâm học bơi để tự bảo vệ mình và để có thể đi đặt lú bắt cá. Em nghĩ mọi người bơi được thì em cũng bơi được nên cố gắng. Lúc mới tập bơi khó lắm, cứ từ từ em hụp hoài rồi quen. Bây giờ mỗi lúc lội xuống sông, xuống kênh em không còn sợ nữa”.
Thấy hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, năm 2007, Hội Phụ nữ xã Thạnh Phú đã vận động quyên góp được 7 triệu đồng xây nhà tình thương giúp cho gia đình Linh. Hội Chữ thập đỏ địa phương trợ cấp gia đình 180.000 đồng/tháng.
Chị Lê Thị Bích Thủy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạnh Phú nhận xét: “Linh luôn có một ý chí và nghị lực vươn lên phi thường! Ngày còn nhỏ, tuy không thể đến trường nhưng em vẫn tự mày mò và nhờ bà ngoại chỉ dạy để biết đọc, biết viết. Thấy Linh muốn biết làm các phép tính để khi đi mua phế liệu trên sông được dễ dàng nên vào buổi chiều có thời gian rảnh là tôi đến dạy cháu. Linh rất thông minh, học chừng vài tháng là đã có thể làm thành thạo các phép tính cộng, trừ đến giờ thì làm các phép tính rất nhanh”.
Linh tâm sự: “Khi đó em đâu dám mơ được đi học… Em chỉ muốn biết đọc, viết chữ nên về nói với ngoại. Mới đầu ngoại chỉ em cách đánh vần, ghép chữ nhưng do ngoại không nhìn thấy gì nên em hỏi mẹ và mấy đứa đi học quanh đó cách viết chữ. Sau đó, cô Thủy xuống dạy cho em cách làm phép tính. Giờ em có thể viết thư hay cộng tiền mua phế liệu mỗi ngày được rồi”.
Không nghĩ đến bản thân, hằng ngày Linh dốc sức làm mọi việc, đảm đương vai trò người đàn ông trụ cột trong gia đình chỉ với hy vọng có tiền nuôi gia đình, chữa bệnh cho mẹ và cho các em được đến trường.

Hai em của Linh sẽ được đi học

Chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ và Trường THCS Trần Quốc Toản, xã Thạnh Phú vừa hoàn thành hồ sơ cho em Nguyễn Văn Sy và bé Đào Ngọc Hân được đi học trong năm học mới. Theo đó, Sy tiếp tục theo học lớp 8, bé Hân sẽ bước vào lớp 1. Các em sẽ được miễn 100% học phí. Sách, vở, dụng cụ học tập địa phương sẽ lo để các em được đến trường như những đứa trẻ khác.

Chị LÊ THỊ BÍCH THỦY, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạnh Phú

Theo Anh Phú (Pháp luật TP.HCM)

Điểm nóng

Nam thanh niên tìm đến khách sạn người yêu tự tử để… tự vẫn

Nhọc nhằn lội mương mưu sinh ở thủ đô

3 em nhỏ 10 tuổi chết đuối trên sông Dinh

Bàng hoàng trà chanh làm từ phụ gia

Năm Cam làm gì, ở đâu ít giờ trước khi bị bắt?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về giải quyết tranh chấp biển Đông

Báo Phụ nữ TP.HCM: Ai lá cải? Ai đơm đặt? Ai dựng chuyện?