Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2021, số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều đó, đồng nghĩa với việc trong tương lai những người lao động này khi đến tuổi nghỉ hưu sẽ không có thu nhập hằng tháng từ lương hưu để đảm bảo cuộc sống hằng ngày và không được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già - độ tuổi thường gặp nhiều bất trắc về sức khỏe.
Người nhận Bảo hiểm xã hội một lần chỉ để giải quyết nhu cầu trước mắt
Hiện nay, việc giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội một lần cho người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng Bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người lao động nghỉ hưởng Bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm (giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%).
Đáng lo ngại, trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng người lao động nhận Bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng nhanh, cụ thể: Cả nước có 226.503 người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có số người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần tăng cao như: Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng…
Nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do tác động của dịch bệnh Covid-19, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nhiều lao động phải nghỉ việc.
Đến nay, người lao động đã nghỉ việc đủ 12 tháng nên làm thủ tục đề nghị hưởng Bảo hiểm xã hội một lần với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại.
Song song đó, còn do một bộ phận nhỏ người lao động vẫn còn quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, chưa hình thành thói quen lúc trẻ đóng Bảo hiểm xã hội để khi về già có lương hưu, không phải phụ thuộc vào con cháu.
Số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2016-2019, người hưởng Bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước: độ tuổi có số người nghỉ hưởng Bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng Bảo hiểm xã hội một lần (bao gồm cả trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu) tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019.
Tỷ lệ hưởng Bảo hiểm xã hội một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn này là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới.
Phân tích theo thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu cho thấy, trong giai đoạn 2016-2019, người nghỉ hưởng Bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là những người lao động sau 1 năm nghỉ việc không đóng Bảo hiểm xã hội (trung bình chiếm khoảng 97%).
Tỷ lệ hưởng Bảo hiểm xã hội một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn này là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới. |
Nhiều thiệt thòi cho người lao động nếu nhận Bảo hiểm xã hội một lần
Việc người lao động đăng ký nhận Bảo hiểm xã hội một lần, tự mình rời khỏi hệ thống Bảo hiểm xã hội là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, cũng như việc đảm bảo an sinh xã hội cho Nhân dân của Đảng và Nhà nước.
Việc nhận Bảo hiểm xã hội một lần chỉ mang lại cho người lao động lợi ích trước mắt nhưng người lao động đã không lường hết được những nguy cơ sẽ đánh mất nhiều quyền lợi lâu dài của bản thân. Đơn cử như sau:
Thứ nhất, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng Bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội của người lao động.
Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu người lao động hưởng Bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
Như vậy, nếu lĩnh Bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng Bảo hiểm xã hội sau năm 2014.
Thứ hai, khi nhận Bảo hiểm xã hội một lần người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu, không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng để đảm bảo cho cuộc sống khi về già. Và dẫn đến các hệ lụy thiệt thòi khác như:
- Không được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.
Vì người được hưởng hưu sẽ được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian được hưởng lương hưu.
- Thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Bởi nếu được hưởng lương hưu, khi không may qua đời, người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời và thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.
Thứ ba, khoản tiền đóng vào quỹ Bảo hiểm xã hội là của để dành quý giá của chính bản thân người lao động, nó không mất đi mà ngược lại, được cơ quan Bảo hiểm xã hội quản lý và đầu tư tăng trưởng.
Trong trường hợp, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên) người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện (mọi người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10%-25%-30% theo mức đóng, tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với 3 nhóm đối tượng khác nhau).
Ngoài ra, trong giai đoạn bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội, nếu không may người lao động qua đời, gia đình được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi qua đời (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như Bảo hiểm xã hội một lần.
Ngược lại, khi người lao động đã nhận Bảo hiểm xã hội một lần, nếu lại tham gia Bảo hiểm xã hội sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng Bảo hiểm xã hội trước đó, dẫn đến khi đủ tuổi nhận lương hưu có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để được nhận lương hưu hoặc đủ điều kiện về thời gian đóng để được nhận lương hưu nhưng mức lương hưu sẽ không cao.
Thứ tư, người tham gia Bảo hiểm xã hội khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế (từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng).
Chia sẻ lo lắng trước tình trạng gia tăng số người lao động nhận Bảo hiểm xã hội một lần trong 3 tháng đầu năm 2021, ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Là đơn vị tổ chức thực hiện chính sách, chúng tôi thực sự cảm thấy rất tiếc nuối khi người lao động lựa chọn phương án nhận Bảo hiểm xã hội một lần, thay vì lựa chọn bảo lưu thời gian đã đóng và đợi có điều kiện tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội, tích lũy để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Khi người lao động nhận Bảo hiểm xã hội một lần, người lao động sẽ thiệt thòi rất nhiều, bởi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già.
Đến khi về già, không được hưởng lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con, cháu và xã hội.
Nếu không may bị bệnh, không có thẻ Bảo hiểm y tế, họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh, nằm viện thời gian dài, có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, kiệt quệ, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội”, ông Đỗ Ngọc Thọ phân tích.
Đơn cử, lấy ví dụ về một người lao động có đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội, với mức bình quân tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội là 4.000.000 đồng/tháng.
Giả định, người lao động này đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng Bảo hiểm xã hội một lần trong năm 2021 (không tính đến tác động của các yếu tố: Tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng lương, lãi suất đầu tư quỹ Bảo hiểm xã hội):
- Nếu hưởng lương hưu, lao động nam có thể sẽ nhận được mức lương hưu là 1.880.000 đồng/tháng.
Tính theo tuổi thọ bình quân của nam giới là 71 năm (số liệu tuổi thọ bình quân của nam giới theo Tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng cục Thống kê) thì số tháng hưởng lương hưu là 129 tháng.
Tổng số tiền người đó được hưởng từ quỹ Bảo hiểm xã hội là 273.973.400 đồng, trong đó:
+ Tổng tiền lương hưu nhận được từ khi đủ 60 tuổi 3 tháng đến khi chết: 129 x 1.880.000 đồng = 242.520.000 đồng;
+ Mua thẻ Bảo hiểm y tế (4,5%): 10.913.400 đồng;
+ Trợ cấp mai táng phí khi qua đời: 10 tháng lương cơ sở, tương đương 14.900.000 đồng.
+ Trợ cấp tuất (giả định tuất 01 lần thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu): 5.640.000 đồng.
Với lao động nữ, do tỷ lệ hưởng lương hưu của nữ lớn hơn (55%) và thời gian hưởng lương hưu của nữ dài hơn nam (tuổi thọ bình quân của nữ là 76,3 tuổi tương đương sau khi nghỉ hưu ở tuổi 55 tuổi 4 tháng người nghỉ hưu sẽ sống thêm 240 tháng) nên tổng số tiền mà một lao động nữ trong ví dụ này sẽ được hưởng từ quỹ Bảo hiểm xã hội là: 572.864.000 đồng.
Đó là chưa kể có những người đang hưởng lương hưu khi qua đời, nếu có thân nhân đủ điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Trên thực tế, đã có những người cha, mẹ, vợ, chồng, con được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng vài chục năm sau khi con, vợ/chồng, bố/mẹ của họ qua đời.
Trong khi đó, giả sử người lao động ra nước ngoài để định cư hoặc mắc bệnh hiểm nghèo đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; nếu nhận Bảo hiểm xã hội một lần, đối với cả nam và nữ đều thực hiện theo cách tính như sau: 4.000.000 x (1,5 x 13 + 2 x 7) = 134.000.000 đồng.
Như vậy, nam giới hưởng lương hưu sẽ lợi hơn nhận Bảo hiểm xã hội một lần 139.973.400 đồng; con số tương ứng này ở nữ giới là 438.864.000 đồng.
Như vậy, nếu so với hưởng lương hưu thì nhận Bảo hiểm xã hội một lần là rất thiệt thòi cho người lao động.
Vì, người tham gia Bảo hiểm xã hội khi hưởng lương hưu được hưởng rất nhiều quyền lợi và thực tế đã cho thấy, chính lương hưu mới là chỗ dựa vững chắc cho người lao động khi về già, khi không còn khả năng để lao động tạo thu nhập.
Ông Đỗ Ngọc Thọ cũng nhấn mạnh, việc nhận Bảo hiểm xã hội một lần sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho người lao động.
Người lao động không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe khi về già.
Nếu cùng một thời gian đóng Bảo hiểm xã hội thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hằng tháng sẽ cao hơn nhiều khi hưởng Bảo hiểm xã hội một lần.
Ông Đỗ Ngọc Thọ đề nghị, công đoàn các cấp cần phối hợp với Bảo hiểm xã hội các địa phương chú trọng thông tin, truyền thông rộng rãi tới người lao động về tính ưu việt, lợi ích lâu dài khi tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội tới người lao động.
Khuyến nghị người lao động cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng Bảo hiểm xã hội một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động.