Những chuyện buồn ở xã “gà trống nuôi con” nơi vùng biên

04/03/2012 18:31
Vân Trà/Pháp luật cuộc sống
-Nhắc đến Cốc Mỳ huyện Bát Xát ( Lào Cai), người ta nghĩ ngay đó là một xã có nhiều phụ nữ bỏ nhà vượt sang bên kia biên giới làm ăn
ảnh minh họa
ảnh minh họa
Không phải là xã nghèo nhất của huyện Bát Xát ( Lào Cai), nhưng Cốc Mỳ lại “nổi danh” là một xã có nhiều phụ nữ bỏ nhà vượt sang bên kia biên giới làm ăn. Hầu hết các gia đình chỉ còn lại những người đàn ông quanh quẩn chăm sóc và nuôi nấng đàn con nhỏ. Đó là lý do hút chúng tôi về Cốc Mỳ vào một ngày đầu xuân để rồi lại bất đắc dĩ phải chứng kiến những câu chuyện buồn của những cảnh “gà trống nuôi con”. Khung cảnh núi rừng vốn đã xám xịt bởi sương mù nay lại càng ảm đạm, bởi trong những căn nhà siêu vẹo thiếu hơi ấm của người phụ nữ chỉ còn lại những người đàn ông mất vợ, những đứa trẻ bơ vơ, ngơ ngác đến tội.

Những câu chuyện buồn

Vượt qua những quãng đường dốc đá lởm chởm, chúng tôi đến bản Trang, một trong những bản giáp biên xa nhất của xã. Ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi ghé vào là nhà của cô bé Giàng Thị Chư nằm cách biệt hẳn với chòm xóm. Ngôi nhà tiều tụy trông càng lạnh lẽo khi nó nằm ngay cạnh con suối đầu bản. Tết đang rộn rã khắp nơi,vậy mà dường như tết đang ở đâu đó rất xa chứ không phải đang hiện hữu nơi đây. Không bánh chưng, không thịt treo gác bếp. Trong tiếng nổ lép bép của củi khô, giọng rầu rầu, Chư kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện buồn của gia đình em. 5 năm trước cũng trong một ngày đầu xuân, chị Lò Thị Chừ (mẹ của Chư) dứt áo bỏ lại 5 đứa con nheo nhóc cho chồng để đi theo lời dỗ ngọt rằng: Ở bên kia sông sẽ có một cuộc sống sung túc không cần ngày ngày lên nương vất vả nữa. Suy nghĩ của một người phụ nữ chưa bao giờ đi ra khỏi bản làng rằng, sao chỉ có cách con sông kia mà cuộc sống của mình lại khổ cực thế này. Vậy là chị âm thầm bỏ con, bỏ chồng sang bên kia với mong ước có một cuộc sống no đầy.

Mẹ bỏ đi, căn nhà của chị em Chư đã nghèo lại càng thêm hoang vắng. Chư đã khóc hết nước mắt ngày ngày dắt em ra bến sông nhìn sang bờ bên kia ngóng chờ tin mẹ. Mỗi khi đêm về, trong cái lạnh của miền sơn cước, Chư càng thấm thía nỗi đau thiếu vắng mẹ.Mẹ bỏ đi, bố cũng chẳng thiết tha chuyện ruộng nương nữa mà suốt ngày làm bạn với rượu bỏ mặc chị em Chư như con gà, con lợn trong vườn. Chị em Chư sống lăn lóc như củ khoai, củ sắn.Chư quyết định bỏ học khi đang học lớp 2 để ở nhà chăm sóc các em. Ngày ngày lên nương, Chư địu theo đứa em út mới 6 tháng tuổi, tối về lại lo cơm nước cho cả nhà. Chư bảo: “Nhiều lúc, các em hỏi mẹ đâu, em chỉ biết bảo mẹ đi chưa về, khi nào về mẹ sẽ mua kẹo cho”. Lúc mẹ đi, đứa em út mới 6 tháng tuổi ngày đêm khát sữa khóc đòi mẹ, giờ đã 5 tuổi cả ngày gọi chị Chư thay mẹ. Nhìn khuôn mặt đen đúa, bàn tay xù xì đầy vết chai của những ngày dầm mưa, dãi nắng, chẳng ai nghĩ Chư mới 15 tuổi.

Cách nhà Chư không xa là nhà của ông Giàng A Páo, vợ ông Páo cũng bỏ nhà đi năm 2009. Không giống như chị Lò Thị Chư, vợ ông Páo bàn với chồng theo người quen sang Trung Quốc giúp việc cho quán ăn khoảng 1 đến 2 năm. Mục đích của chuyến đi là cố gắng làm một thời gian, tằn tiện, đủ tiền cho cậu con lớn lấy vợ. Nhưng từ khi tiễn vợ đi đến giờ, ông Páo và các con không hề nhận được tin tức gì về vợ. “Đau xót lắm. Nhiều lúc muốn đi tìm nhưng cảnh nhà đã khó lại thêm 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, không nỡ bỏ con lại một mình”, ông ngậm ngùi cho biết. Nỗi buồn không chỉ hằn lên trên khuôn mặt của người đàn ông đã bước sang tuổi 60 mà cả những đứa con thơ dại. Cháu Giàng A Lư con trai lớn của ông Páo kể: “Mẹ hứa là đi một hai năm rồi về mà đã 3 cái Tết cũng chưa thấy đâu. Mỗi năm đến ngày Tết, cả bố và chúng em ai cũng đau đáu nhìn sang phía bên kia, tai thì dỏng lên để nghe bước chân quen thuộc của mẹ em. Em nhớ mẹ quá”.

Còn với ông Giàng A Lủ, sự ra đi của người vợ chẳng khác nào người ta cầm dao đâm vào tim ông. Hai vợ chồng lấy nhau từ thủa 13-14 tuổi và đã có với nhau 7 mặt con, nhưng vợ ông vẫn bỏ nhà đi vào một ngày đầu xuân. Sự ra đi của người vợ để lại cho ông nỗi đau khôn nguôi khiến ngày ngày ông tìm đến rượu để bầu bạn vơi đi những u sầu. Một ngày, không lúc nào ông tỉnh táo, kể cả lúc ngồi trò chuyện trước mặt chúng tôi. Bằng giọng ngà ngà say nhưng khi nhắc đến vợ, đến mẹ của 7 đứa con mình, ông như tỉnh hẳn: “Hôm đó là mùng 9 Tết năm 2009, sau khi uống rượu ở nhà một người quen trong bản, tôi chuếnh choáng bước về. Mở cửa ra, gọi mãi không thấy vợ thưa, nghĩ vợ đang có việc sau nhà. Tôi ra phía sau nhưng cũng không thấy. Linh tính mách bảo có điều gì đó đã xảy ra, tôi chạy vào nhà thì không thấy quần áo, tư trang của vợ đâu…”. Nói đến đây, nước mắt của người đàn ông 60 tuổi ngấn ngấn nơi khóe mắt. Rồi thành bản năng, ông lại cầm chai rượu dốc rượu vào cổ họng.

Sang bản Dìn Peng, thăm nhà anh Lò A Dua, có vợ là Dì Thị De, bỏ sang bên kia biên giới làm ăn từ năm 2009. Sự mất tích của chị để lại cho anh đứa con trai 2 tuổi. Anh Dua nhớ lại: “Đó là một ngày cuối thu, tôi đi làm nương về thì thấy nhà đóng cửa, lại có tiếng trẻ con kêu khóc bên trong. Mở cửa bước vào thấy cậu con trai đang khóc mặt mũi lấm lem đất cát. Tôi chạy đi khắp bản tìm cũng không thấy vợ đâu. Nghe mọi người nói, vợ tôi đã lên thuyền từ sáng sớm”. Cuộc sống vốn đã phải chạy ăn từng bữa nay lại thêm nỗi buồn mất vợ, anh Dua bỏ ruộng nương cho cỏ mọc, ngày ngày ôm con uống rượu.

Gửi bài toán khó

Theo thống kê từ năm 2007 đến nay, xã Cốc Mỳ đã có hơn 30 phụ nữ bỏ nhà ra đi. Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng số phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương vẫn có những diễn biến rất phức tạp và tăng theo từng năm. Nếu như năm 2009 chỉ mới có 6 phụ nữ bỏ đi thì đến năm 2010, con số tăng lên 16 và năm 2011 là 31 người. Nhiều hoạt động được tổ chức nhằm giáo dục tuyên truyền đến với chị em, nhưng vấn nạn trên vẫn chưa hết. Theo bà Lý Thị Hoa, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Cốc Mỳ cho biết: “Trong 2 năm qua, hội phụ nữ cùng Đoàn thanh niên xã đã tổ chức rất nhiều câu lạc bộ phòng chống mua bán phụ nữ trẻ em. Câu lạc bộ quyền năng, Câu lạc bộ nuôi con khỏe…Những hoạt động này đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia, thậm chí còn hỗ trợ về kinh tế cho những hộ nghèo, nhưng do nhiều yếu tố tác động: Như kinh phí hoạt động, thói quen và nhận thức của chị em…nên những hình thức sinh hoạt này vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn”.

Việc bỏ nhà ra đi của những người phụ nữ trong xã đã không chỉ để lại hậu quả tinh thần cho người thân, những đứa con côi cút, không bàn tay chăm sóc của mẹ, mà còn tạo thêm gánh nặng cho xã hội. Ông Hà Tiến Đức, Phó Chủ tích UBND xã Cốc Mỳ cho biết: “Con số chị em bỏ nhà đi chủ yếu do kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức của chị em hạn chế nên dễ bị lôi kéo. Hầu hết, họ đều vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trong số đó, không ít người có gia đình, thậm chí còn có cả cháu”. Cũng theo ông Đức thì nhiều phụ nữ chấp nhận bỏ chồng con để mong tìm cuộc sống mới nơi “thiên đường”. Hiện tại, chính quyền địa phương đã và đang cố gắng bằng mọi cách từ tuyên truyền giáo dục đến răn đe những người dụ dỗ lôi kéo.

Thực tế, để chấm dứt tình trạng trên không phải là việc dễ dàng, vì việc quản lý họ ở địa phương rất khó khăn, nếu người phụ nữ muốn bỏ đi thì chính quyền địa phương sẽ rất khó ngăn chặn. Thực trạng trên vẫn đặt ra không ít thách thức với chính quyền nhiều địa phương ở Lào Cai không riêng gì ở Cốc Mỳ.

Vân Trà/Pháp luật cuộc sống
Vân Trà/Pháp luật cuộc sống