Ông Nguyễn Văn Thanh: "Thu phí bảo trì đường bộ khó bảo đảm công bằng"

03/04/2012 06:59
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Thu phí bảo trì đường bộ: Khó bảo đảm công bằng. “Chủ phương tiện gồng mình gánh phí”... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Thu phí bảo trì đường bộ: Khó bảo đảm công bằng

Trên Người lao động Online đăng tải ý kiến của ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ), cách tính phí như Bộ GTVT đề xuất rất khó bảo đảm công bằng cho cả ô tô và xe máy. 

“Sẽ xảy ra chuyện xe đều đều lăn bánh trên đường cũng phải đóng phí như xe mỗi tháng chỉ đi vài lần. Trong cùng một tỉnh, xe máy chạy đường đất vùng đồi núi nhiều hơn đường nhựa lại đóng phí bằng các phương tiện cùng loại chạy ở các xã miền xuôi, trong khu vực đô thị”- ông Thanh phân tích.

Người dân thêm gánh nặng khi phải chịu nhiều loại phí đối với ô tô, xe máy. Ảnh: Đỗ Du
Người dân thêm gánh nặng khi phải chịu nhiều loại phí đối với ô tô, xe máy. Ảnh: Đỗ Du

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cũng băn khoăn: “Thu phí qua ô tô thì dễ chứ qua xe máy thì không đơn giản chút nào. Việc để cho UBND và HĐND tỉnh quyết định mức thu, cách thu sẽ dẫn tới tình trạng mỗi nơi áp dụng một mức phí, rất rối rắm”. 

Ông Hùng cũng kiến nghị cho phép ô tô được lựa chọn đóng theo tháng, chu kỳ đăng kiểm hoặc theo năm. “Nhiều doanh nghiệp có hàng chục tới hàng trăm ô tô, nếu cứng nhắc bắt buộc đóng theo chu kỳ đăng kiểm thì số tiền cộng dồn lại quá lớn, họ không chịu nổi” - ông Hùng nhận xét.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, giao việc thu phí cho lực lượng chức năng địa phương là khả thi nhất nhưng không ai dám chắc họ sẽ tận tâm, tận lực thực hiện. Chưa kể, việc quản lý hành chính đối với nhiều người dân đăng ký xe ở địa phương này nhưng lại thường xuyên sang nơi khác sinh sống, làm việc đã khó, nói gì tới thu phí bảo trì đường bộ. Mặt khác, hiện nay chưa có chế tài đối với người không nộp phí.
“Chủ phương tiện gồng mình gánh phí”
Nguồn tin trên VnMedia cho hay, Bộ GTVT lập luận rằng, việc thu phí hạn chế xe cá nhân và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là để chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, liệu tình trạng ùn tắc giao thông có thật sự được cải thiện nếu thu phí?

Lấy ví dụ ở thủ đô Hà Nội, theo thống kê, số lượng phương tiện hiện có 3,7 triệu xe máy, gần 400.000 ô tô, đó là chưa kể mỗi ngày còn có hàng nghìn ô tô vãng lai từ các tỉnh về thủ đô. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2011, cơ quan chức năng Hà Nội đã cấp 137.894 giấy phép lái xe trong đó có 48.881 giấy phép lái xe ô tô. Số lượng xe máy tăng 155.000 chiếc, ô tô tăng 28.000 chiếc trong 8 tháng đầu năm 2011. 

Đây là sức ép lớn đối với hạ tầng giao thông của thủ đô. Thế nhưng, cơ sở hạ tầng, giao thông của Hà Nội hiện nay quá nhỏ bé so với số lượng phương tiện khổng lồ trên. Toàn thành phố hiện có 1.714 Km đường bộ; trong đó 80% đường bộ có khổ rộng dưới 11m, tổng diện tích dành cho giao thông chiếm 6,8% trong khi nhu cầu hiện tại là 20%. 

Kế hoạch thu phí để hạn chế xe cá nhân của Bộ Giao thông có thật sự chống được ùn tắc nếu thu cào bằng? Ảnh: Ngọc Lân
Kế hoạch thu phí để hạn chế xe cá nhân của Bộ Giao thông có thật sự chống được ùn tắc nếu thu cào bằng? Ảnh: Ngọc Lân

Với số lượng xe cá nhân khổng lồ trên, nhiều người cho rằng, chỉ cần xếp xe ra đường cũng không đủ chỗ chưa nói gì đến việc đi lại. Vì thế việc thu phí cào bằng như đề xuất của Bộ GTVT chắc chắn sẽ không giúp cải thiện ùn tắc vì khi đã nộp thuế chủ phương tiện sẽ vẫn sử dụng phương tiện ô tô, xe máy khi ra ngoài.

Hiện một chiếc xe máy, ô tô ở Việt Nam đã phải gánh tới gần 10 loại phí. Nhiều người khi nhắc đến các loại phí này mà chủ phương tiện đang phải đóng đã ví von với hình ảnh “chủ phương tiện gồng mình gánh phí” nên có cần thiết phải ép chủ phương tiện đóng thêm một loại thuế nữa ngoài phí Bảo trì đường bộ để lấy kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông nữa không trong khi đời sống người dân đang hết sức khó khăn vì giá cả tăng chóng mặt?

Chuyện Phí: Hồi kết nào cho hợp lý...

Dân trí đưa tin, lời khẳng định của Bộ trưởng GTVT: Chưa thu phí hạn chế phương tiện cá nhân lại khuấy động dư luận ngày đầu tháng Tư. Số ý kiến ủng hộ ông Thăng có tăng lên, nhưng đa số vẫn nêu rõ: Thuế và Phí không thể là lời giải cho bài toán khó Giao thông.

Một số bạn đọc cho rằng những câu trả lời của Bộ trưởng Đinh La Thăng như vậy là đã rõ, cả về thời gian là năm nay chưa thể thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và việcthu phí hạn chế xe máy sẽ chỉ diễn ra ở nội đô 5 thành phố lớn. Đồng thời về mức phí, Bộ GTVT cũng đã xem xét lại sau khi có nhiều ý kiến phản ứng của nhân dân, để chia ra theo các mức khác nhau bao gồm cả mức 10 triệu đồng/xe/năm đối với xe dưới 1.0 và tăng dần theo dung tích xi lanh, chứ không còn cứng nhắc theo đề xuất trước đây của Bộ là 20- 50 triệu đồng/xe ô tô/năm.

Bạn đọc Nguyễn Hùng Mạnh bày tỏ “Tôi ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng. Việc giảm được tai nạn giao thông và số người chết mỗi năm hàng ngàn người là điều đáng mừng trước đã, con người là vô giá”.

Số khác tiếp tục ủng hộ thực hiện mọi nghĩa vụ nộp thuế và phí của công dân, nhưng vẫn nhấn mạnh những yếu tố cần thiết và xem ra hoàn toàn không có gì là khó khăn tới mức không thể thực hiện được. Đó là tính hợp lý, công bằng, khoa học, minh bạch.

Đơn cử như ý kiến của độc giả có địa chỉ email autotu_km719@yahoo.com:  “Thu phí thì tất nhiên phải thu để lấy quỹ làm đường. Nhưng vấn đề thu phải làm sao cho khoa học và hợp tình, hợp lý. Các nước tiên tiến họ thu qua nhiên liệu, mà vấn đề này không thể nói là "nước ta chưa phù hợp" được (các thiết bị khác không sử dụng đường bộ, thì đơn giản Bộ Tài chính có cách tính là trừ thuế thông qua hóa đơn).

Nhiều người đã tính tới chuyện bán xe khi biết tin Bộ GTVT đề xuất thu nhiều loại phí. Ảnh minh họa: Quang Phong.
Nhiều người đã tính tới chuyện bán xe khi biết tin Bộ GTVT đề xuất thu nhiều loại phí. Ảnh minh họa: Quang Phong.

Vẫn chiếm đại đa số ý kiến bạn đọc là những lý giải và phân tích tiếp về sự chưa được trong giải pháp mà người dân cho là luôn “nhằm vào túi tiền” của mình này. 

Ý kiến của độc giả có địa chỉ email longanh_36@yahoo.com: “ Tôi ủng hộ tinh thần quyết tâm của Bộ trưởng thời kỳ mới bổ nhiệm. Nhưng tôi lại thấy thất vọng vì những quyết định gần đây của Bộ trưởng, vì thấy ngày càng bất hợp lý. Quyết định lần này, theo tôi nghĩ, chắc chắn thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng vì một quyết định vừa đưa ra mà người dân hầu như ai cũng thấy là bất hợp rồi. Tôi vẫn cho là trong vấn đề này, có lẽ Bộ trưởng Đinh La Thăng chưa có được cái nhìn thấu đáo. Và cách suy nghĩ như vậy của ngành GTVT, theo chúng tôi, chỉ làm cho đất nước chậm phát triển hơn mà thôi”.

Xem ra câu chuyện phí cứ kéo dài mãi như phim bộ dài kỳ thế này cũng nên đến hồi kết sao cho có hậu để người xem là đông đảo cư dân chúng ta đều được hài lòng.
Gửi ông bộ trưởng bộ Giao thông vận tải

Thông tin trên báo Sài Gòn Tiếp Thị, trong tuần qua, nhiều bạn đọc gửi ý kiến phản hồi về tòa soạn bày tỏ nỗi bức xúc liên quan đến đề xuất thu phí giao thông của Bộ GTVT. Dưới đây là ý kiến của một độc giả:

Tôi là một doanh nhân, có tham gia vốn và là thành viên HĐQT của một công ty cổ phần có trụ sở và nhà máy tại một khu công nghiệp ở quận Thủ Đức (TP.HCM).

Công ty chúng tôi có hai chiếc xe: một chiếc bảy chỗ phục vụ công việc kinh doanh và một chiếc xe bốn chỗ cho lãnh đạo công ty đi công tác, giao dịch và cũng là xe đưa rước họ đi làm hàng ngày. Chúng tôi không thể đi xe buýt vì rất bất tiện về giờ giấc: bến xe buýt cách xa trụ sở công ty từ 3 – 4km và nhà mỗi người trong nội thành TP.HCM đều khá xa trạm xe buýt. Đi xe taxi thì không thể kham nổi chi phí.

Chúng tôi bốn người đi một xe, như vậy là đã có tinh thần tiết kiệm và góp phần giảm ùn tắc giao thông. Hai xe nói trên đều phục vụ cho hoạt động kinh doanh, tạo ra sản phẩm, của cải cho xã hội, đóng góp cho ngân sách nhà nước thông qua tiền thuế các loại, vậy mà ông nỡ phán một câu xanh rờn là: “Bản chất các xe này cũng là xe cá nhân”! Chẳng biết ông căn cứ vào cái gì để nói như vậy? 
Ông có biết vì cách nghĩ và cách quyết như vậy của ông, mà hai chiếc xe của chúng tôi đương nhiên sẽ bị thu phí bảo trì trên 2 triệu đồng/năm/chiếc, phí hạn chế phương tiện cá nhân 30 triệu đồng/năm/chiếc, tổng cộng là 64 triệu đồng/năm cho hai chiếc xe. Nếu tính cả những khoản chi phí hiện tại mỗi chiếc xe đã đóng trên 50 triệu đồng/chiếc/năm!

Nhà nước tạo thuận lợi cho người dân làm ăn và nâng cao đời sống người dân, chúng tôi biết ơn điều đó và tự thấy phải có đóng góp cho Nhà nước qua việc đóng thuế. Nhưng, sự đóng góp đó phải hợp tình, hợp lý, công bằng và vừa sức người dân, không áp đặt, không tận thu bằng mọi giá. Khẩn thiết mong ông xem lại!
Hải Phong (Tổng hợp)