Tập Cận Bình thất bại trong thuyết phục giới lãnh đạo cấp cao bớt chống Nhật

05/10/2015 14:52
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình trong đảng, nhưng ông không thể kiểm soát được lực lượng chống Nhật Bản trong đảng.
Ông Tập Cận Bình trong lễ duyệt binh 3/9, ảnh: EPA/SCMP.
Ông Tập Cận Bình trong lễ duyệt binh 3/9, ảnh: EPA/SCMP.

Asia Nikkei Review ngày 5/10 đưa tin, mặc dù có ý định cải thiện quan hệ với Nhật Bản nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải chịu áp lực mạnh mẽ từ giới chức cấp cao đảng Cộng sản Trung Quốc về lập trường chống Nhật Bản trong dịp duyệt binh 3/9. Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình trong đảng, nhưng ông không thể kiểm soát được lực lượng chống Nhật Bản trong đảng.

Mùa hè này Giang Trạch Dân và các cựu quan chức cấp cao Trung Quốc liên tục nhận được các tài liệu khá dài về duyệt binh 3/9, trong đó có dự thảo bài phát biểu của Tập Cận Bình nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn từ các nhà lãnh đạo nghỉ hưu. Dự thảo bài phát biểu của Tập Cận Bình kết thúc với khẩu hiệu: "Công lý sẽ thắng! Hòa bình sẽ thắng! Nhân dân sẽ chiến thắng!"

Tập Cận Bình đã nhắc đến chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản 2 lần trong dự thảo diễn văn và tách bạch lực lượng này với chính phủ Nhật Bản hiện nay. Một quan chức trong đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết: "Bài phát biểu bao gồm những lời chỉ trích gay gắt với Nhật Bản trong thời điểm nhất định. Nhưng nó đã bị xóa sau một qua trình trao đổi nội bộ phức tạp". Trong thực tế, Tập Cận Bình đã phải quyết định thay đổi.

Tương tự như vậy Bắc Kinh đã phản ứng một cách mờ nhạt với diễn văn kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II của Thủ tướng Shinzo Abe hôm 14/8. Trong khi đó truyền thông Trung Quốc tiếp tục buộc tội ông Shinzo Abe không đưa ra một lời xin lỗi trực tiếp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tự kiềm chế không đưa ra bình luận rõ ràng nào về bài diễn văn này.

Phản ứng hạn chế này dường như phản ánh ý định của Tập Cận Bình muốn xây dựng và giữ mối quan hệ tốt hơn với Nhật Bản, trong khi có những kỳ vọng rằng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ thăm Trung Quốc trong tháng Chín. Tuy nhiên điều này không xảy ra. Hơn nữa, các quan chức hàng đầu Trung Quốc được cho là không hài lòng với diễn văn của ông Shinzo Abe.

Vì vậy Tập Cận Bình đã phải đánh liều phản ứng dữ dội dù chính ông đã cố gắng kiềm chế tâm lý chống Nhật dai dẳng trong các nhà lãnh đạo hàng đầu khác. Tập Cận Bình quyết định tập trung vào củng cố quyền lực thông qua duyệt binh và không đưa ra hướng dẫn cụ thể nào để chuẩn bị cho một chuyến thăm của ông Shinzo Abe tới Trung Quốc.

Giữa tháng Tám, một số quan chức chính phủ Trung Quốc đã nhóm họp để thảo luận việc đảm bảo an ninh cho duyệt binh 3/9, sau đó họ trình bày tóm tắt với quan chức đại sứ quán các nước đóng tại Bắc Kinh có lãnh đạo dự duyệt binh 3/9. Đại sứ quán Nhật Bản không được mời họp.

Hôm 3/9, Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc theo dõi từ màn hình ti vi, trước các nhà lãnh đạo nhiều nước, các nghệ sĩ Trung Quốc thể hiện lòng căm thù, oán giận của họ với Nhật Bản trên gương mặt. Truyền hình Trung Quốc chạy dòng tít nhắc lại sự kiện họ gọi là thảm sát Nam Kinh với con số 300 ngàn người chết mà chính phủ Trung Quốc cho rằng bị quân phiệt Nhật giết hại. Không biết nếu Thủ tướng Shinzo Abe có mặt ở Thiên An Môn, ông sẽ nghĩ sao?

Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng các vấn đề lịch sử như một con bài để mặc cả với Nhật Bản. Nó cũng được sử dụng trong các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với láng giềng. Tàu Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng biển Nhật Bản quản lý ở Hoa Đông gần nhóm đảo Senkaku.

Gần đây Trung Quốc tuyên bố bắt giữ 2 công dân Nhật Bản từ tháng Năm với tội danh làm gián điệp. Tất cả những động thái này đều nhằm mục đích gây áp lực lên Tokyo. Cuối tháng Chín vừa qua, Shinzo Abe và Tập Cận Bình cùng tham dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York nhưng hai ông thậm chí không có một cuộc trò chuyện nào trước khi rời Hoa Kỳ.

Nikkei cho rằng, Tập Cận Bình đang cố gắng tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với Nhật trong khi chống đỡ với áp lực tâm lý chống Nhật Bản trong đảng Cộng sản Trung Quốc, đó là một hành động cân bằng tinh tế.

Hồng Thủy