Tàu ngầm Kilo Ấn Độ “đánh bại” tàu ngầm hạt nhân Mỹ

01/12/2015 11:19
Đông Bình
(GDVN) - Ấn Độ cho phép tàu ngầm lớp Kilo tham gia diễn tập Malabar có thể liên quan đến việc Hải quân Trung Quốc sở hữu lượng lớn tàu ngầm lớp Kilo.

Tàu ngầm Kilo Ấn Độ “đánh bại” tàu ngầm hạt nhân Mỹ

Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 30 tháng 11 đưa tin, lực lượng tàu ngầm Mỹ luôn được cho là một trong những lực lượng tàu ngầm mạnh nhất thế giới hiện nay.

Tàu ngầm lớp Kilo Hải quân Ấn Độ (ảnh minh họa)
Tàu ngầm lớp Kilo Hải quân Ấn Độ (ảnh minh họa)

Lực lượng tàu ngầm Mỹ đều sử dụng tàu ngầm hạt nhân, là một bộ phận quan trọng của lực lượng răn đe hạt nhân “tam vị nhất thể”. Trên thế giới, tàu ngầm hạt nhân Mỹ có tính năng tiên tiến cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nhưng, trang mạng “Tin tức Quốc phòng Ấn Độ” cho hay, trong diễn tập Malabar do ba nước Mỹ-Nhật-Ấn tiến hành cách đây không lâu, tàu ngầm Hải quân Mỹ lại bị tàu ngầm lớp Kilo Ấn Độ “tiêu diệt”.

Theo bài viết, trong một khâu của cuộc diễn tập Malabar năm 2015, đã tiến hành mô phỏng Hải quân Ấn Độ, Hải quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tìm kiếm và tấn công lẫn nhau.

Trong đối kháng mô phỏng có tàu ngầm INS Sindhudhvaj S56 lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ và tàu ngầm hạt nhân USS Corpus Christi SSN 705 lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ.

Hai tàu ngầm này đã “săn giết” lẫn nhau ở một vùng biển thuộc vịnh Bengal trong diễn tập mô phỏng, nhưng, sau vài giờ, thủy thủ Mỹ đang vất vả tìm kiếm tàu ngầm Ấn Độ thì được thông báo rằng, cuộc diễn tập kết thúc.

Họ bị tàu ngầm Sindhudhvaj đánh dấu, theo dõi và cuối cùng bị ngư lôi 533 mm “tiêu diệt”.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles Mỹ

Ấn Độ cho biết, thứ có thể trinh sát được bộ kiện quan trọng của tàu ngầm Mỹ chính là thiết bị định vị thủy âm Ushus được lắp trên tàu ngầm trong thời gian gần đây, thiết bị này do Ấn Độ tự sản xuất.

Một sĩ quan Hải quân Ấn Độ cho hay: “Thiết bị định vị thủy âm này có thể ghi chép tiếng ồn trong nước của tàu ngầm hạt nhân và tìm cách nhận biết, khóa tàu ngầm này.

Với tính chất là một cuộc diễn tập, không có hậu quả gì xảy ra, nhưng số liệu do thiết bị định vị thủy âm thu thập được sẽ được đưa vào kho dữ liệu, dùng để tiến hành phân loại và nhận biết tàu ngầm nước ngoài”.

Trong khi đó, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho hay họ không muốn tiết lộ thông tin về kết quả này. Thủy thủ tàu ngầm Ấn Độ đã nghỉ hưu, Phó đô đốc K.N. Sushil cho biết: “Tiếng ồn của tàu ngầm hạt nhân vốn lớn hơn tàu ngầm thông thường, vì vậy, kết quả này hoàn toàn không làm tôi ngạc nhiên”.

Theo bài viết, Hải quân Ấn Độ có 9 tàu ngầm lớp Kilo như vậy và 4 tàu ngầm lớp Shishumar do Đức thiết kế. Trước đó trong nhiều năm, Ấn Độ từng cấm tàu ngầm lớp Kilo của họ tham gia diễn tập với hải quân nước ngoài, nhằm đề phòng số liệu của tàu ngầm này bị nước ngoài ghi chép lại.

Diễn tập Malabar-2015 giữa Ấn-Mỹ-Nhật
Diễn tập Malabar-2015 giữa Ấn-Mỹ-Nhật

Cuộc diễn tập Malabar lần này là lần đầu tiên tàu ngầm lớp Kilo Ấn Độ xuất hiện trong diễn tập đa quốc gia.

Theo bài viết, lần này, Ấn Độ cho phép tàu ngầm lớp Kilo tham gia diễn tập Malabar có thể liên quan đến việc Hải quân Trung Quốc sở hữu lượng lớn tàu ngầm lớp Kilo.

Bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước, Hải quân Trung Quốc đã lần lượt mua 12 tàu ngầm lớp Kilo của Nga.

Tàu ngầm INS Sindhudhvaj của Ấn Độ là tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo, tàu ngầm này gia nhập Hải quân Ấn Độ vào tháng 6 năm 1987, cảng chính của nó nằm ở Visakhapatnam, miền đông Ấn Độ, nơi đặt trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân Ấn Độ.

Tàu ngầm lớp Kilo là tàu ngầm thông thường thành công nhất được nghiên cứu chế tạo trong thời đại Liên Xô, chủ yếu dùng để tiến hành tác chiến chống hạm và săn ngầm ở vùng nước nông duyên hải, là lớp tàu ngầm có lượng xuất khẩu lớn nhất của Nga.

Tàu ngầm này nổi tiếng là hỏa lực mạnh, tiếng ồn nhỏ, sau đó nó được cải tạo hiện đại hóa, trở thành trang bị xuất sắc trong số những tàu ngầm diesel-điện, là một trong những tàu ngầm diesel-điện chạy êm nhất thế giới.

Diễn tập Malabar-2015 giữa Ấn-Mỹ-Nhật
Diễn tập Malabar-2015 giữa Ấn-Mỹ-Nhật

Trong khi đó, tàu ngầm hạt nhân USS Corpus Christi biên chế vào tháng 1 năm 1983, cảng chính ở Trân Châu Cảng, tàu này là tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles, là tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ năm của Hải quân Mỹ, cũng là tàu ngầm hạt nhân biên chế nhiều nhất trên thế giới, đến nay vẫn đang biên chế lượng lớn trong Hải quân Mỹ.

Nhưng, mặc dù truyền thông Ấn Độ vui mừng về việc này, song, báo Trung Quốc cho rằng, tình hình thực tế vẫn cần quan sát.

Bởi vì, trước đây, Không quân Ấn Độ cử máy bay chiến đấu Su-30MKI tiến hành đối kháng với máy bay chiến đấu Typhoon Anh và giành thắng lợi 12:0, nhưng cuối cùng lại bị Quân đội Anh phủ nhận.

Ấn Độ sắp biên chế tàu ngầm hạt nhân INS Arihant

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 27 tháng 11 dẫn báo chí Ấn Độ trước đó một ngày còn cho biết, nguồn tin tin cậy tiết lộ, chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo mang tên INS Arihant đã bắn thử thành công một quả tên lửa.

Đây là tin tốt, đây là bước cuối cùng trước khi tàu ngầm này gia nhập Hải quân Ấn Độ. Có dấu hiệu cho thấy, tàu ngầm INS Arihant có thể tham gia lễ duyệt binh hạm đội quốc tế tổ chức vào tháng 2 năm 2016. Tham gia lễ duyệt binh này đều là tàu chiến của các nước trong Liên hiệp Anh.

Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant Hải quân Ấn Độ
Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant Hải quân Ấn Độ

Điều đáng chú ý là, chỉ có tàu chiến và tàu ngầm đã biên chế mới có thể tham gia duyệt binh, cho nên, khi đó, tàu ngầm INS Arihant có thể đã đi vào hoạt động.

Theo bài báo, tên lửa thử nghiệm lần này là tên lửa B5 do Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ nghiên cứu phát triển, tầm bắn khoảng 800 – 1.000 km. Sau đó, tàu ngầm sẽ lắp tên lửa tầm bắn có thể đạt 3.500 - 4.000 km.

Tàu ngầm INS Arihant là tàu ngầm hạt nhân tự chế duy nhất của Ấn Độ, sẽ được chế tạo 6 chiếc theo kế hoạch.

Trước đó, Ấn Độ đã thuê tàu ngầm hạt nhân Chakra của Nga trong thời gian 10 năm. Mặc dù mang danh tàu ngầm hạt nhân, nhưng nó lại không thể bắn tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, việc biên chế tàu ngầm INS Arihant sẽ làm thay đổi tình hình này.

Việc chế tạo tàu ngầm này gặp nhiều khó khăn, đã bị kéo dài. Việc sử dụng tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ cũng có vấn đề, như sự cố nổ tàu ngầm lớp Kilo vào sáng sớm ngày 14 tháng 8 năm 2013.

Đông Bình