Thế tiến thoái lưỡng nan của ông Tập Cận Bình khi đàm phán với ông Donald Trump

14/12/2018 10:21
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình không nhượng bộ thì Donald Trump sẽ tiếp tục xiết chặt gọng kìm thuế quan, nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ e "kỷ nguyên mới Tập Cận Bình" khó thành.

South China Morning Post ngày 13/12 có bài bình luận, phân tích thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc trong đàm phán với Hoa Kỳ về việc "ngừng bắn" trong cuộc chiến thương mại.

Bắc Kinh đang thắt chặt việc phong tỏa thông tin về những nội dung nhượng bộ Hoa Kỳ, vì nó có thể làm nảy sinh các vấn đề chính trị trong nước, bởi mặt trái của chủ nghĩa dân tộc mà Trung Quốc khơi dậy khi cuộc chiến thương mại vừa mới bắt đầu.

Sự dè dặt của Bắc Kinh khi đưa tin kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình bên lề G-20

Khi hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngồi ăn tối với nhau tại Buenos Aires, Argentin ngày 1/12 với hy vọng đạt được thỏa thuận hưu chiến, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bắt đầu cuộc hội đàm với màn độc thoại dài 30 phút, theo các quan chức Mỹ có mặt hôm đó.

Trong khi Nhà Trắng đã ngay lập tức công bố danh sách các nhượng bộ của Trung Quốc, từ cam kết mua thêm nhiều hàng hóa Mỹ cho đến việc đồng ý bắt đầu đàm phán vấn đề doanh nghiệp Mỹ bị ép chuyển giao công nghệ khi làm ăn tại Trung Quốc, 4 ngày sau Bắc Kinh mới thừa nhận thỏa thuận 2 bên đồng ý hưu chiến 90 ngày.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Nikkei Asian Review.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Nikkei Asian Review.

Cũng phải 4 ngày sau đó, thế giới, đặc biệt là người dân Trung Quốc vốn có rất ít thông tin, được xác nhận về những gì ông Tập Cận Bình đã nói hoặc nỗ lực của ông để hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, nhưng với ngôn ngữ giảm nhẹ hơn nhiều so với thông tin Nhà Trắng công bố.

Những chỉ dấu này cho thấy tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh, vừa phải nhượng bộ Hoa Kỳ, nhưng đồng thời không được tỏ ra yếu đuối trong mắt thế giới, đặc biệt là người dân trong nước.

Nhà Trắng cho biết, Trung Quốc sẽ mua một số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp và các sản phẩm khác từ Mỹ, đồng thời đàm phán cởi mở vấn đề doanh nghiệp Mỹ bị ép chuyển giao công nghệ và chuyện trộm cắp sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó Bắc Kinh nhắc đi nhắc lại rằng, đấy không phải là những nhượng bộ, việc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Hoa Kỳ là để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc.

Còn những thay đổi có thể trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc (của doanh nghiệp Mỹ) và vấn đề bảo vệ sở hữu trí tuệ, là vì lợi ích của cả doanh nghiệp Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ.

Theo The Wall Street Journal, Bắc Kinh đã đồng ý giảm thuế nhập khẩu ô tô do Mỹ sản xuất từ 40% xuống còn 15% và đang lên kế hoạch thay thế Made in China 2025 theo yêu cầu của Washington.

Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị thuộc Đại học Bắc Kinh nói với South China Morning Post, các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ khá phức tạp và nhạy cảm.

Thế tiến thoái lưỡng nan của ông Tập Cận Bình khi đàm phán với ông Donald Trump ảnh 2

Mỹ-Trung tại Buenos Aires, chiến tranh hay hòa hoãn?

Sự nhượng bộ của Bắc Kinh nếu được giải thích quá mức có thể làm nảy sinh những vấn đề chính trị nội bộ ở Trung Quốc và gây ra tranh cãi. 3 tháng hưu chiến là thời gian khá ngắn để đàm phán, vì vậy không nên gây thêm rắc rối không cần thiết trong dư luận.

Ngày 3/12, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đã đăng tải nội dung tuyên bố của Nhà Trắng bằng tiếng Trung Quốc trên mạng xã hội WeChat, Weibo phổ biến tại quốc gia này, nhưng các nhà kiểm duyệt sở tại đã nhanh chóng can thiệp để hạn chế việc chia sẻ tài liệu này.

Tất cả các bài viết liên quan đến thông cáo báo chí của Hoa Kỳ về thỏa thuận đều được kiểm duyệt, ngoài những gì đã được đại sứ quán Mỹ chia sẻ trên WeChat, Weibo.

South China Morning Post dẫn lời giáo sư David Zweig từ Đại học Khoa học và công nghệ Hồng Kông cho hay, đối với nhiều người, việc này gợi nhớ chuyện Thủ tướng Chu Dung Cơ đã bị cô lập như thế nào khi ông cố gắng đàm phán để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào cuối những năm 1990.

Thời điểm đó, Trung Quốc không muốn người dân biết những nhượng bộ Hoa Kỳ trong cuộc đàm phán năm 1999 để có thể gia nhập WTO, nhưng sau khi Washington công bố các nội dung này, ông Chu Dung Cơ gần như bị cô lập, David Zweig nói.

Wu Qiang, một nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh tin rằng, chính lập trường cứng rắn của chính phủ Trung Quốc về chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ thể hiện qua các bài xã luận trên truyền thông nhà nước và tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này, đã đặt họ vào thế bí.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã dịu giọng về cuộc chiến thương mại trong 2 tháng qua, nhưng trên truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn có những bài xã luận với quan điểm cứng rắn.

Nhưng những bình luận này trái ngược hoàn toàn với chiến lược thực sự của Trung Quốc trong đàm phán với Hoa Kỳ, mà Wu Qiang gọi là việc chấp nhận trả giá cao để đổi lấy một thỏa thuận hưu chiến.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm bên lề G-20 thứ Bảy t1/12. Ảnh: Getty.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc hội đàm bên lề G-20 thứ Bảy t1/12. Ảnh: Getty.

Trong những tháng gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều người nêu quan điểm phản đối việc xử lý cứng nhắc cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ từ các cựu quan chức và nhà nghiên cứu tự do. [1]

Tuy nhiên, bất chấp một danh sách dài các vấn đề nhượng bộ / cải cách Bắc Kinh đã chìa ra cho Washington, việc Trung Quốc có thực hiện những cam kết này hay không, còn phải chờ thời gian kiểm chứng.

Thế bí của ông Tập Cận Bình

Nhà phân tích Katsuji Nakazawa của tạp chí Nikkei Asian Review ngày 13/12 cho biết, khi cả thế giới theo dõi cuộc hội đàm thượng đỉnh Trung - Mỹ trong lúc 2 nhà lãnh đạo ăn tối tại Buenos Aires thứ Bảy 1/12, mạng Truyền hình toàn cầu Trung Quốc, kênh tin tức tiếng Anh 24 giờ của đài truyền hình trung ương Trung Quốc loan báo:

Hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ đã đồng ý rằng sẽ không có mức thuế quan bổ sung nào được áp dụng sau ngày 1 tháng Giêng 2019 (đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ).

Mạng truyền hình toàn cầu của đài truyền hình trung ương Trung Quốc trước đây có tên là CCTV News, nhưng mới được đổi tên thành CGTN với hy vọng làm loãng hình ảnh nhà nước, tăng hình ảnh quốc tế để tuyên truyền "tin tức kiểu Trung Quốc" đến các nước khác nhau.

Trung Quốc sử dụng CGTN nhằm chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến thông tin toàn cầu đến 50 triệu người trên khắp thế giới thông qua vệ tinh. Chính CGTN đã nói với thế giới rằng, bữa tối của ông Donald Trump với ông Tập Cận Bình đã diễn ra tốt đẹp.

Sau đó, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị xuất hiện trước ống kính phóng viên và tuyên bố rằng, hai nhà lãnh đạo đã đạt được một sự đồng thuận quan trọng.

Thế tiến thoái lưỡng nan của ông Tập Cận Bình khi đàm phán với ông Donald Trump ảnh 4

Henry Kissinger có giúp được Tập Cận Bình chống đòn trừng phạt của Donald Trump?

Tuy nhiên ông Vương Nghị đã bỏ qua thông tin quan trọng nhất, thời hạn để Bắc Kinh và Washington đàm phán về cải cách cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc là 90 ngày, nếu không đạt được thỏa thuận nào, mức thuế suất Mỹ áp đặt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng từ 10% lên 25%.

Tất cả các cơ quan truyền thông Trung Quốc đã không nhắc gì đến thời hạn 90 ngày mà Donald Trump đưa ra. Sự lựa chọn khung thời gian của ông chủ Nhà Trắng nhắm thẳng vào bộ máy đầu não ở Trung Quốc.

Bởi lẽ sau khi hết thời hạn 90 ngày là Trung Quốc sẽ tổ chức sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm, kỳ họp Chính hiệp toàn quốc và Quốc hội, thường gọi là lưỡng hội, sẽ diễn ra trong vòng 2 tuần.

Donald Trump đã dành cho Tập Cận Bình 3 tháng để thực hiện các nhượng bộ đáng kể trong đàm phán thương mại.

Công chúng Trung Quốc không biết gì về "tối hậu thư" này cho đến 4 ngày sau đó, khi Bộ Thương mại Trung Quốc cuối cùng cũng nhắc đến thời hạn 90 ngày trong 1 tuyên bố.

Đối với Trung Quốc, bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến nhà lãnh đạo số 1 của đất nước họ, ông Tập Cận Bình, thì không thể sai. 

Kết luận hội nghị thượng đỉnh Donald Trump - Tập Cận Bình bên lề G-20 "đạt được sự đồng thuận quan trọng" là có thể chấp nhận, bất kể sự thật thế nào.

Nhưng bản tin của Tân Hoa Xã về sự kiện này có một điểm lạ khi viết rằng:

"Theo yêu cầu của Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh cam kết tăng cường cải cách và tiếp tục mở cửa. Trong quá trình này, một số vấn đề kinh tế và thương mại mà Washington quan tâm, sẽ được giải quyết." [2]

Tại Đại hội 19, ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đưa đất nước trở thành nước xã hội chủ nghĩa cơ bản hiện đại với mục tiêu hoàn thành kế hoạch Made in China 2025, đưa nền kinh tế Trung Quốc phát triển vượt qua Hoa Kỳ.

Để thực hiện mục tiêu này, ông kêu gọi phát triển các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc mạnh hơn, lớn hơn, đặc biệt là việc khai thác và tích hợp các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực dân sự vào hoạt động quân sự, buộc các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc phải có đóng góp cho việc phát triển sức mạnh quân sự. [3]

Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu được tại ngoại hôm 12/12, ảnh: AP / Nikkei Asian Review.
Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu được tại ngoại hôm 12/12, ảnh: AP / Nikkei Asian Review.

Huawei là ví dụ điển hình, đó cũng là lý do tại sao Huawei trở thành mục tiêu chính của chính quyền Donald Trump. 

Ngoài vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Đạo luật ủy nhiệm quốc phòng năm tài khóa 2019 của Mỹ quy định, ngay cả các doanh nghiệp nào mà sử dụng sản phẩm của 5 doanh nghiệp Trung Quốc trong đó có Huawei, sẽ bị cấm giao dịch với các tổ chức chính phủ Hoa Kỳ từ tháng 8/2020.

Có lẽ buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách phát triển, đặc biệt là kế hoạch Made in China 2025 mới là mục tiêu thực sự của ông Donald Trump, chứ không phải giảm thâm hụt thương mại song phương.

Có điều, nếu chấp nhận yêu sách này, đồng nghĩa với việc ông Tập Cận Bình phải đảo ngược chiến lược phát triển quốc gia mà ông đang theo đuổi, đó là chuyện trớ trêu khi chính sách đối nội bó chính sách đối ngoại.

Mỹ không có dấu hiệu nào sẽ nhượng bộ, thời hạn 90 ngày rồi sẽ qua nhanh.

Điều này nhắc nhớ đến "kế hoạch 100" ngày sau cuộc diện kiến Donald Trump lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, Florida, Hoa Kỳ tháng Tư 2017 để giảm thâm hụt thương mại, nhưng kết cục chẳng có kết quả cụ thể nào.

Lần này, ông Tập Cận Bình có vẻ như chủ động làm giảm căng thẳng chiến tranh kinh tế - thương mại Trung - Mỹ;

Nhưng liệu Trung Quốc có thực sự chấp nhận yêu cầu của Hoa Kỳ để thay đổi hay không, còn phải chờ xem Hội nghị Trung ương 4 khóa 19  sẽ diễn ra như thế nào.

Hội nghị này đã bị trì hoãn đáng kể, nhưng gần như chắc chắn sẽ không thể trì hoãn thêm trong 90 ngày tới.

Một sự thay đổi căn bản theo yêu cầu của ông Donald Trump có thể dẫn đến những rủi ro về chính trị, bởi về cơ bản nó sẽ phủ định chính "kỷ nguyên mới của Tập Cận Bình" và tạo lên nghi ngờ về các quyết sách của nhà lãnh đạo này, bao gồm cả việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh Chủ tịch nước. [4]

Nguồn:

[1]https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2177531/chinas-dilemma-trade-war-talks-making-concessions-without

[2]http://www.globaltimes.cn/content/1129917.shtml

[3]https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Xi-Huawei-and-China-s-powerful-military-industrial-complex

[4]https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Xi-has-tied-his-own-hands-in-the-trade-war

Hồng Thủy