Thu phí giao thông: Bộ GTVT quan tâm nhất vẫn là vấn đề tiền?

06/04/2012 06:47
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Bộ GTVT quan tâm nhất vẫn là vấn đề tiền? Nếu thu phí, sử dụng phí như thế nào?... là những tin bài nóng xung quanh vấn đề thu phí giao thông.
Bộ GTVT quan tâm nhất vẫn là vấn đề tiền?

Thông tin trên báo Giáo dục & Thời đại, phí lưu hành phương tiện cá nhân (thực tế là phí hạn chế phương tiện cá nhân) ngay từ khi được đề xuất đã gây phản ứng, một lẽ đơn giản không ai hiểu được rằng tại sao tôi phải đóng tiền để tôi không được dùng phương tiện của tôi nữa. Không một người dân nào được hỏi ý kiến, dù nếu có hiệu lực, loại phí này chắc chắn sẽ không chỉ tác động đến khoảng 600.000 người đang đi ôtô trong nước như Bộ trưởng Thăng đề cập. 

Nó sẽ là nỗi lo của xã hội về một tiền lệ đối với sự tuỳ tiện trong quản lý với các mức phí ngẫu hứng mà bộ ngành nào cũng có thể nhân danh nhà nước và nhân danh sự phục vụ nhân dân để ban hành, trong khi không hề có nghiên cứu khoa học nào. Nó là nỗi lo cho cả ngành công nghiệp ôtô dù “quặt quẹo” nhưng mỗi năm cũng đóng góp được cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng thông qua thuế. Nó là nỗi lo cho những người đang có nhu cầu mua xe để phục vụ công việc cũng như cuộc sống. Nó là nỗi lo cho mục tiêu Đảng và Nhà nước đã đề ra phấn đấu đến năm 2020 đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại.

Có nhiều cách thức để giảm ùn tắc giao thông hơn là sự tận thu như cách Bộ GTVT đang đề xuất. Ảnh: Thành Chung
Có nhiều cách thức để giảm ùn tắc giao thông hơn là sự tận thu như cách Bộ GTVT đang đề xuất. Ảnh: Thành Chung

Chưa xong vấn đề “nóng” về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân, Bộ GTVT lại đã gấp rút hoàn thành xong dự thảo Quỹ Bảo trì đường bộ. Cái mấu chốt nhất, có vẻ được Bộ GTVT quan tâm nhất vẫn là vấn đề tiền. Theo tính toán của Bộ này, dự kiến trong năm đầu Quỹ Bảo trì đi vào hoạt động, số tiền thu được từ ôtô đạt hơn 6.800 tỷ đồng/ năm và 2.400 tỷ đồng từ 50% số mô tô, xe máy đã đăng ký. Ngoài ra để đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho bảo trì đường bộ, hàng năm ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho Quỹ hơn 3.200 tỷ đồng. Như vậy, ngân sách cho bảo trì và phát triển hệ thống đường bộ đâu có thiếu. Cái thiếu là khả năng quản lý của các cơ quan chủ quản mà thôi.

Quyết thu thì dễ. Nhưng vẫn quyết khi mà lòng dân không đồng thuận thì cái mất sẽ khá nhiều, vài ngàn tỷ đồng thu được mỗi năm từ phí chắc chắn sẽ không bù đắp nổi.
Nếu thu phí, sử dụng phí như thế nào?

Đề xuất thu phí của Bộ GTVT tiếp tục là vấn đề được bạn đọc quan tâm nhất. Rất nhiều ý kiến lo ngại: liệu thu phí có giảm thiểu những vấn nạn giao thông hiện nay? Tuổi trẻ Online trích đăng một số lo ngại của độc giả.

Độc giả Đặng Đức Kỳ Phương thắc mắc: Ông bộ trưởng nói đóng phí để hạn chế, bớt kẹt xe, tôi xin hỏi cụ thể hết kẹt là hết kẹt như thế nào? Tôi cho rằng phí thì vẫn đóng đấy nhưng không lẽ đóng phí rồi thì người dân không lưu hành bằng xe nữa à? Vậy người dân đi bằng phương tiện gì? Người có xe hơi vẫn phải đi xe hơi, người có xe gắn máy vẫn phải đi xe gắn máy, vậy thì bớt kẹt xe ở chỗ nào?

Chỉ trừ khi đóng phí xong người dân không đi ra đường hoặc đi bộ thì mới hết kẹt xe.

Ông bộ trưởng có thể giải thích cụ thể vấn đề này được không, nếu thấy hợp lý thì lúc đó có thu phí người dân mới tâm phục, khẩu phục. 

Kẹt xe là một trong những nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM trong giờ cao điểm. Ảnh tư liệu
Kẹt xe là một trong những nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM trong giờ cao điểm. Ảnh tư liệu

Độc giả Đinh Hạnh Đức nhận định: Thu phí các phương tiện giao thông để cải thiện tình hình giao thông hiện nay, trong hoàn cảnh nhà nước không có khả năng đầu tư có lẽ là giải pháp tích cực và khả thi nhất hiện nay. Chúng tôi đồng tình quan điểm của Bộ trưởng GTVT. Cái chúng tôi băn khoăn nhất là mức thu thế nào để thật hợp lý đối với các loại phương tiện. Một băn khoăn khác là làm thế nào để phí được đầu tư thật sự hiệu quả, tích cực cải thiện tình hình hiện nay.

Đi cao tốc TP.HCM - Trung Lương mới làm, vừa thu phí với một mức khá cao mà lâu lâu xe cứ xóc nảy cả người, thỉnh thoảng lại thấy rào chắn để vá đường lại nghĩ đến chuyện thu phí để cải thiện giao thông thấy không yên tâm và không đáng tin chút nào. Đầu tư lớn như vậy mà chất lượng như thế thì liệu phí sau này sẽ sử dụng ra sao? Có lẽ dân chúng không phản đối việc thu phí giao thông một cách hợp lý nếu như phí đó được đầu tư hiệu quả cho cơ sở hạ tầng giao thông và không bị thất thoát.

Cũng muốn hỏi thêm bộ trưởng GTVT một câu: Tiền phí sau này sẽ được đầu tư làm đường vậy thì sau đó các phương tiện đi trên con đường đó có phải mua vé nữa không?
Cần xem xét lại tên gọi và lý do thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

Nguồn tin trên VnExpress cho hay, Bộ Giao thông vừa đề xuất thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong đó có đề xuất thu phí xe máy ở 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng, với lí do là để giảm ùn tắc giao thông đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nếu việc này được thông qua, nó sẽ có ảnh hưởng đến thị trường xe máy nội địa không?

Trước hết, câu hỏi đặt ra là nếu việc thu này có hiệu lực mà lại không có hiệu quả rõ rệt, tức là không giảm được lượng xe máy lưu thông ở các thành phố và cũng không đẩy lùi được hiện tượng ùn tắc trong 1 thời gian xác định, thì gọi loại thu này là phí gì cho phù hợp?

Hoặc nếu muốn hạn chế xe máy lưu thông để giảm ùn tắc sao lại không hạn chế sản xuất, lắp ráp trong nước cho tiêu dùng nội địa mà cho rằng việc thu phí này sẽ giảm được xe máy lưu thông để giảm tắc đường?

Vì vậy, cần xem xét lại cách gọi phí này và lí do thu phí này. Cho rằng thu phí sẽ hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân, giảm được ùn tắc giao thông là không có cơ sở khoa học trong điều kiện hiện tại về hạ tầng giao thông, về phương tiện vận tải hành khách công cộng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
“Chúng tôi rất thông cảm và luôn ủng hộ Bộ trưởng Đinh La Thăng…”

Thời gian gần đây, chuyện thu phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành phương tiện đã trở thành chủ đề nóng trên các báo và là đề tài được dư luận quan tâm. Có nhiều ý kiến không đồng thuận với đề xuất thu phí của Bộ GTVT vào thời điểm hiện tại, song cũng có nhiều ý kiến đồng tình, đánh giá cao đề xuất của Bộ trưởng Đinh La Thăng, mang tính đột phá với tầm nhìn xa. Báo Giao thông vận tải điện tử trích đăng một số ý kiến gửi về toà soạn.

Ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng
Ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng

Độc giả Nguyễn Văn Thắng cho rằng “Triển khai thu phí hạn chế xe cá nhân là chủ trương đúng, nhưng nên xem lại mức thu”. Độc giả này cho rằng mức thu hợp lý chỉ nên từ 3-5 triệu đồng/xe/năm. Bởi thu nhập người dân còn rất thấp, rất nhiều người đang sử dụng ô tô trị giá dưới 100 triệu đồng/xe.

“Bạn ngồi trong chiếc xe hơi không chịu cảnh nóng bức, vì khói xe hay giá lạnh, vậy bạn đừng kêu ca khi nhà nước thu thuế. Tôi chỉ mong Bộ GTVT tính toán thật kỹ để thực thi việc này. Chúc Bộ trưởng thành công”. Độc giả  Phạm Tuyết Nhung chia sẻ.  
“Tôi thấy việc thu phí là cần thiết, nhưng thu thế nào, sử dụng cụ thể như thế nào? Theo tôi, nên áp dụng mức thu phí trên mỗi km đường mà phương tiện giao thông đó sử dụng, nó giống như ở nước ngoài vậy, nếu xe lăn bánh là tính tiền. Đầu tiên áp dụng thí điểm tại các đô thị lớn như Hà Nội - Hải Phòng - Đà Nẵng - TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ” độc giả Lê Thu Hương cho biết.
Hải Phong (Tổng hợp)