Trung Quốc đặc biệt chú ý theo dõi bầu cử tự do đầu tiên ở Myanmar

09/11/2015 06:49
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập Cận Bình đã gặp bà Aung San Suu Kiy tháng Sáu năm nay và dành cho bà một buổi tiếp trọng thị. Các khuôn khổ cơ bản của mối quan hệ song phương đã được...
Bà Aung San Suu Kiy, ảnh: Reuters/SCMP.
Bà Aung San Suu Kiy, ảnh: Reuters/SCMP.

South China Morning Post ngày 9/11 đưa tin, hàng triệu cử tri Myanmar đã tham gia cuộc bầu cử tự do đầu tiên của quốc gia này trong 25 năm qua vào ngày Chủ Nhật với tâm trạng hân hoan trước quá trình chuyển đổi chính trị của quốc gia này. Lãnh tụ đảng đối lập Aung San Suu Kyi được biết đến với quan điểm thân phương Tây dự kiến sẽ dành chiến thắng với phần lớn phiếu bầu của khoảng 30 triệu cử tri.

Tuy nhiên di sản của chính quyền quân sự đã ngăn cản bà không thể trở thành Tổng thống Myanmar, dù đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà có dành thắng lợi vang dội. Trung Quốc, một nhà đầu tư hàng đầu, đối tác thương mại chặt chẽ của Myanmar đang đặc biệt dõi theo cuộc bầu cử này. Bắc Kinh đã tài trợ cho một số dự án chiến lược ở Myanmar, bao gồm đường ống dẫn dầu và khí đốt, các cảng và đập thủy điện.

Người ta cũng thấy Myanmar là một đối tác quan trọng trong chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc. Tuy nhiên Bắc Kinh đang bị thách thức bởi ảnh hưởng ngày càng tăng của Hoa Kỳ và Nhật Bản, trong khi căng thẳng biên giới làm cho quan hệ giữa Trung Quốc với Myanmar xa cách hơn.

Giới phân tích và cố vấn chính phủ Trung Quốc tin rằng, bất luận kết quả bầu cử ở Myanmar như thế nào, chính sách của Trung Quốc với quốc gia láng giềng này không thay đổi. Tôn Hiểu Anh từ Viện Khoa học xã hội Quảng Tây cho biết, nền tảng cho mối quan hệ song phương đã được gầy dựng sẵn.

"Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp bà Aung San Suu Kiy tháng Sáu năm nay và dành cho bà một buổi tiếp trọng thị. Các khuôn khổ cơ bản của mối quan hệ song phương đã được thiết lập từ thời điểm đó. Các quốc gia khác sẽ cố gắng tác động đến Myanmar, nhưng Suu Kiy sẽ là người đưa ra quyết định của riêng mình chỉ dựa trên lợi ích quốc gia của Myanmar. Cuối cùng, nó dựa trên lợi ích kinh tế chung, Suu Kiy thừa hiểu điều này quan trọng hơn với Myanmar", Tôn Hiểu Anh bình luận.

Triệu Cán Thành vừ Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận xét, nếu NLD giành được chiến thắng họ sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trước tiên. "Một số quan điểm có thể thấy bà Aung San Suu Kiy là người thân phương Tây, nhưng bà còn coi lợi ích của Myanmar cao hơn. Quốc gia này đã cởi mở hơn với bên ngoài và muốn trở thành thành viên chủ động hơn của cộng đồng quốc tế. Họ cũng có giá trị trong mối quan hệ với Trung Quốc".

Hồng Thủy