Nhiều giáo viên Trường trung học cơ sở Hồ Văn Long, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh nhiều ngày vừa qua đã phản ánh, cho biết rằng: Hiệu trưởng nhà trường không công khai tài chính đúng quy định, khiến cho họ có nhiều nghi ngờ.
Trường không đấu thầu căng tin, bãi xe
Trường tổ chức thu tăng tiết trong học kỳ 1, năm học 2019 – 2020, với tổng cộng 30 lớp, khoảng 1.200 học sinh từ khối 6 đến 9, áp dụng tại các lớp không tổ chức bán trú.
Với mức thu từ 128.000 cho đến 480.000 đồng/học sinh/tháng, thì mức tổng thu trong học kỳ 1 lên đến hơn 900 triệu đồng.
Với mức chi cho người trực tiếp (giáo viên) đứng lớp là 153.000 đồng/tiết, thì số tiền trường chi cho bộ phận trực tiếp là hơn 343 triệu đồng.
Đối với học phí buổi 2, được áp dụng tại 6 lớp 6 và 5 lớp 7, với khoảng 450 học sinh, thì mức thu là 120.000 đồng/tháng/học sinh, thì mức tổng thu là 216 triệu đồng, với khoảng 900 tiết.
Mỗi tiết, giáo viên chỉ được trả 153.000 đồng, thì tổng mức chi trả của trường chỉ tương đương hơn 130 triệu đồng. Số tiền còn lại, nhà trường sử dụng vào việc gì, không ai được biết.
Trường còn thu xếp tiết học cuối của buổi sáng, hay tiết học đầu tiên của buổi chiều với các lớp bán trú, gọi là dò bài hay là hướng dẫn tự học.
Trường thu mỗi tháng 120.000 đồng/học sinh, riêng tháng 10 thu 150.000 đồng.
Trường trung học cơ sở Hồ Văn Long, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV) |
Theo giáo viên, trong học kỳ 1, trường thu tổng cộng từ 450 học sinh là hơn 200 triệu đồng, nhưng chỉ chi trả cho giáo viên tổng là 117 triệu đồng (tháng 8, tháng 9 chi 100.000 đồng/tiết, từ tháng 10 đến tháng 12 thu 140.000 đồng/tiết). Số tiền còn lại, giáo viên thắc mắc dùng vào mục đích gì?
Thu nhập tăng thêm (tiền tiết kiệm được của nhà trường) nhà trường chi cho giáo viên liên tục giảm.
Một giáo viên có tham gia công tác chủ nhiệm than rằng, năm 2018, 6 tháng đầu năm được chi thu nhập tăng thêm khoảng 11,9 triệu đồng, còn 6 tháng cuối năm 2018 được chi hơn 12,3 triệu đồng. Sang tới năm 2019, trường chỉ chi một lần duy nhất cho giáo viên này vào cuối năm là hơn 12,6 triệu đồng.
Giáo viên khác không tham gia công tác chủ nhiệm thì năm 2018 có thu nhập tăng thêm là hơn 20 triệu đồng, còn năm 2019 chỉ được hơn 11,7 triệu đồng.
Trường không tổ chức đấu thầu đơn vị thực hiện bãi giữ xe, tổ chức căng tin, nên chẳng ai biết được nguồn thu từ việc này là bao nhiêu.
Hiệu trưởng giải thích trước bức xúc của giáo viên
Chiều ngày 5/5/2020, tại trường trung học cơ sở Hồ Văn Long, ông Phạm Vĩnh Phú – Hiệu trưởng đã lần lượt giải thích những bức xúc của giáo viên với phóng viên Giáo dục Việt Nam.
Ông Phạm Vĩnh Phú giải thích: Về khoản thu nhập tăng thêm của giáo viên giảm, là do trường có nhiều hoạt động, ngân sách và nguồn thu chi cho hoạt động phải dôi dư, thì mới có để chi cho thu nhập tăng thêm, nên không có chuyện thu nhập tăng thêm mỗi năm đều phải như nhau.
Theo đúng quy định, các hoạt động của học sinh thì không được lấy tiền từ quỹ của Ban đại diện cha mẹ học sinh, nên phải sử dụng kinh phí của nhà trường.
Về khoản thu tăng tiết, trường chi 65% tổng tiền thu được dành cho giáo viên trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Trường đã thỏa thuận với giáo viên, có biên bản giáo viên đồng ý ký tên với mức thù lao này, nên mới tổ chức giảng dạy.
Việc tiết học dò bài ở các lớp bán trú, ông Phạm Vĩnh Phú khẳng định: Nhà trường chỉ tổ chức các tiết học này trong học kỳ 2.
Theo ông Phạm Vĩnh Phú: Trường không tổ chức đấu thầu căng tin, bãi xe mà chỉ thông báo mời đơn vị bên ngoài vào làm.
Giáo viên có ý kiến trường không công khai tài chính, ông Phạm Vĩnh Phú – Hiệu trưởng khẳng định: Mới nghe ý kiến này lần đầu.
Nếu giáo viên nêu ý kiến trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, hay nói trực tiếp mà Hiệu trưởng vẫn không công khai thì lời nói này mới đúng.
Phòng Tài chính quận luôn về trường kiểm tra việc công khai tài chính theo thông tư 90 hàng năm, quy chế dân chủ ở cơ sở được Ủy ban nhân dân quận Bình Tân cũng kiểm tra hàng năm.
Nếu tất cả đều không công khai, thì trường đã bị xử lý rồi. Bản dán công khai này luôn được trường dán trên bảng. Mấy năm nay, trường chẳng có mua sắm gì lớn.