Tướng Thước xúc động kể về các chiến sĩ trên đảo Trường Sa

22/12/2015 15:51
Ngọc Quang
(GDVN) - "Anh em chiến sĩ nói với tôi rằng, các bác cứ yên tâm, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng cháu cũng quyết tâm giữ vững biển trời tổ quốc".

Bảo vệ độc lập luôn là nhiệm vụ thiêng liêng

Trong cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV xúc động chia sẻ: “Cách đây mấy tháng thôi, tôi ra Trường Sa thăm anh em chiến sĩ.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, khó khăn trăm bề nhưng anh em chiến sĩ luôn hướng về đất mẹ, luôn hướng về đồng bào, chắc tay súng giữ biển trời tổ quốc.

Anh em chiến sĩ nói với tôi rằng, các bác cứ yên tâm, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng cháu cũng quyết tâm giữ vững chủ quyền đất nước.

Chúng cháu còn quyết tâm phát huy tinh thần cao hơn cả những gì đã từng xảy ra ở đạo Gạc Ma. Tôi rất xúc động khi được nghe anh em bày tỏ như vậy.

Sau chuyến đi ấy, tôi trở về và đã báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rằng: Tinh thần, ý chí, nghị lực, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của anh em chiến sĩ luôn rất cao, luôn sẵn sàng trước mọi nhiệm vụ được giao phó.

Vì vậy, tôi cũng như các anh em chiến sĩ mong rằng, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, hãy coi đó là nhiệm vụ số một.

Đó cũng là mong mỏi của 90 triệu người dân Việt Nam trong nước và hàng triệu kiều bào ta trên khắp thế giới”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV. ảnh: Ngọc Quang.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV. ảnh: Ngọc Quang.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng bày tỏ sự tin tưởng đối với thế hệ trẻ sẽ kế thừa được truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, trong bất cứ điều kiện hoàn cảnh nào cũng sẽ kiên định hướng về mục tiêu bảo vệ độc lập dân tộc.

Điều đó đã được minh chứng khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải dương 981 xâm phạm vào vùng biển của Việt Nam, đông đảo nhân dân ta cả ở trong nước và sinh sống ở các nước khác trên thế giới đều nhất loạt thể hiện tình yêu với tổ quốc.

Quân đội Việt Nam, nhân dân Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là phải tiến lên theo tư tưởng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn.

Con đường ấy là con đường lịch sử mấy nghìn năm cha ông ta xây dựng, vun đắp và giao lại cho các thế hệ. Đúng như Bác Hồ đã nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tướng Thước chia sẻ: “Chúng tôi là lớp người đi trước, đối với nhiệm vụ giải phóng dân tộc chúng tôi đã hoàn thành, giờ đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng không bao giờ quên nhiệm vụ thiêng liêng ấy.

Gìn giữ độc lập dân tộc là một nhiệm vụ xuyên suốt qua nhiều thế hệ của đất nước, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng chúng tôi không bao giờ quên.

Giữ được độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ là một nhiệm vụ nặng nề, vô cùng khó khăn, gian khổ, nhưng đó là nhiệm vụ lớn nhất của cả dân tộc và phải làm cho được”.

Không bao giờ chấp nhận bị xâm phạm chủ quyền lãnh thổ

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định, trong xu thế hội nhập của thế kỷ XXI, sự hợp tác bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau là mấu chốt quan trọng để phát triển.

Tướng Thước xúc động kể về các chiến sĩ trên đảo Trường Sa ảnh 2

"Thủ tướng nhận giải thưởng vì hòa bình là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam"

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm với rất nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhưng chưa bao giờ người Việt Nam mang tư tưởng thù địch, hiếu chiến, xâm lược.

Người Việt chỉ bảo vệ những gì thuộc về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia dân tộc mình.

Những cuộc chiến chống ngoại xâm phương Bắc thời phong kiến, xung đột quân sự Trung - Việt thời cận hiện đại và ngay cả cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đều không nằm ngoài quy luật ấy.

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, người Việt Nam thấu hiểu giá trị của hòa bình, ổn định, phát triển phồn vinh.

Dù vậy, hòa bình không chỉ muốn là có được, mà nó phải dựa trên niềm tin, sự tôn trọng lần nhau không chỉ trên phương diện ngoại giao mà cả trong cách hành xử thực tế.

Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. ảnh: Năng lượng mới.
Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. ảnh: Năng lượng mới.

Đề cập tới quan hệ Việt Nam – Trung Quốc với những bất đồng trên Biển Đông, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh, Việt Nam luôn tôn trọng 16 chữ vàng và 4 tốt, như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch của Trung Quốc – ông Mao Trạch Đông đã gây dựng.

“Nhưng trên thực tế thì nhiều lần Trung Quốc hành động không như những gì họ nói, vì vậy chúng ta không bao giờ được phép chủ quan trước hành động của Trung Quốc.

Mỗi bước đi, hành động của họ đều ẩn chứa dã tâm rất lớn.

Tư tưởng bành trướng của Trung Quốc không bao giờ thay đổi, họ sẽ tìm mọi cách để hoàn thành đường 9 đoạn, dù biết rõ sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền của các nước.

Vì vậy, chúng ta luôn phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất có thể, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc hàng nghìn đời nay đã cho thấy rất rõ mưu đồ bá quyền của Trung Quốc.

Chúng ta là một dân tộc anh hùng, chúng ta mong muốn làm bạn tốt với mọi quốc gia, và chúng ta không cho phép bất kỳ ai lợi dụng tình hữu nghị để làm điều xằng bậy”.

Trong suốt hơn 2 tháng hạ đặt trái phép giàn khoan 981, thế giới đã có nhiều cuộc hội thảo và khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các bằng chứng lịch sử cũng khẳng định, ngay cả các quốc gia phương Tây đã thừa nhận Việt Nam có chủ quyền hợp pháp tại Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII.

Trong khi đó, Trung Quốc không đưa ra được một chứng cứ lịch sử (khoa học) nào để khẳng định chủ quyền tại Hoàng Sa (thực chất là xâm chiếm của Việt Nam).

Thế nhưng khi hạ đặt trái phép giàn khoan 981, các tàu của Trung Quốc lại rất hung hăng, tìm cách tấn công lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam; đặc biệt là hành động vô nhân đạo đâm chìm tàu cá của Việt Nam và ngăn cản các tàu Việt Nam cứu ngư dân trên con tàu bị đâm chìm.

Tướng Thước bày tỏ: “Chúng ta phải thẳng thắn đánh giá rằng biển chính là môi trường sinh tồn của quốc gia, để từ đó có các chính sách đầu tư mạnh mẽ khai thác tiềm năng to lớn ấy, mà muốn khai thác tốt thì chúng ta phải có sự chuẩn bị đủ mạnh nhằm bảo vệ chủ quyền trước sự nhòm ngó của kẻ thù.

Không thể để cho hắn hôm nay tiến một bước, ngày mai lại thêm một bước, dần dần nuốt gọn hết lãnh hải của đất nước này”.

Ngọc Quang