Vì sao Đà Nẵng phản đối Thừa Thiên-Huế cho làm dự án trên đèo Hải Vân?

19/11/2014 12:29
THÙY LINH
(GDVN) - Khu vực trên đỉnh đèo Hải Vân có vị trí quan trọng, nhưng tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn đơn phương cấp phép cho dự án du lịch của Trung Quốc!

Thời gian gần đây, dư luận và nhân dân hết sức lo lắng trước việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên- Huế) cấp phép cho một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cho Công ty cổ phần Thế Diệu (một công ty được thành lập bởi Công ty TNHH World Shine Hong Kong có trụ sở chính tại đảo Virgin thuộc Anh, được đại diện bởi các doanh nhân Trung Quốc).

Sự đơn phương cấp phép này đã khiến dư luận bất bình và thành phố Đà Nẵng phản đối quyết liệt với lý do dự án đã được cấp phép ngay trên khu vực chưa thống nhất phân định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng và đây cũng là vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng.

Khu vực mà BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) cấp giấy phép đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine cho Công ty CP Thế Diệu. Ảnh Thùy Linh
Khu vực mà BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) cấp giấy phép đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine cho Công ty CP Thế Diệu. Ảnh Thùy Linh

Theo tìm hiểu, khu vực rừng Hải Vân thuộc ranh giới chưa thống nhất giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên- Huế, có diện tích khoảng 800 ha, khởi đầu từ đỉnh cao nhất của núi Hải Vân (700,8m) và kết thúc tại mép nước mũi Cửa Khẻm, được đánh dấu bằng điểm đặc trưng có số hiệu (TTH-TP.ĐN), có chiều dài 7,748m và hoàn toàn đi theo sóng núi. Khu vực địa giới hành chính chưa thống nhất giữa hai địa phương là phần diện tích của hai nửa bên Bắc và bên Nam của tuyến đường nêu trên và hòn Sơn Trà con.

Trong lúc đó, theo công văn 6278/NC ngày 28/12/1997 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của  Thủ tướng Chính phủ: “Trong khi chờ xem xét và giải quyết đường địa giới về hành chính  giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng tại khu vực đèo Hải Vân, để tránh tình hình phức tạp có thể xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo chặt chẽ các ngành chức năng của địa phương và chính quyền các quận, huyện vùng giáp ranh không được thực hiện những hoạt động làm phức tạp tình hình và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an tại khu vực này”.

Thế nhưng, vào cuối năm 2013, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) lại đơn phương cấp giấy phép đầu tư dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine cho Công ty CP Thế Diệu tại khu vực này. Qua tìm hiểu của PV thì Cty Thế Diệu do Cty TNHH World Shine Hồng Kông đăng ký đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên- Huế từ tháng 10/2013, số giấy phép đầu tư 312033000058 xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine- Huế (gọi tắt là KDL World Shine- Huế), với thời hạn 50 năm. Tổng giám đốc là ông Lu Wang Sheng (quốc tịch Trung Quốc), đồng thời là giám đốc Cty Thế Diệu.

Theo quy mô, dự án này có diện tích khoảng 200 héc-ta tại khu vực mũi Cửa Khẽm với quy mô khu nghỉ mát 5 sao (450 phòng), trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu nhà nghỉ dưỡng 5 tầng (220 căn hộ cao cấp), 350 căn biệt thự và khu dịch vụ du lịch, nhà hàng, bãi tắm…Tổng kinh phí đầu tư toàn dự án khoảng 250 triệu USD; thời gian triển khai dự án từ năm 2013-2023.

Hiện dự án này vẫn chưa khởi công, chủ đầu tư mới xây dựng một nhà làm việc hai tầng tại khu vực ngã ba Bãi Chuối, trên đỉnh Hải Vân. Tỉnh Thừa Thiên -Huế cũng đã đầu tư xây dựng xong con đường thảm nhựa dài khoảng 5km đi vào khu vực dự án với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.

Quy mô dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine được Cty CP Thế Diệu dựng lên trên đường vào khu vực này. Ảnh Thùy Linh
Quy mô dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine được Cty CP Thế Diệu dựng lên trên đường vào khu vực này. Ảnh Thùy Linh

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng thì việc cấp phép triển khai dự án tại vị trí này là không thể chấp nhận với bất cứ lý do nào.

“Tôi nghĩ đây là vùng bất khả xâm phạm về mặt quốc phòng, không thể vì nhân danh phát triển kinh tế để vi phạm vùng cấm địa này được, cho nên trong bài toán kinh tế và quốc phòng thì phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích dân tộc và quốc gia lên trên hết”, ông Tiếng cho biết.

Được biết, từ năm 1995 đến nay, trong khi TP Đà Nẵng luôn chấp hành ý kiến chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên – Huế tuy đã thực hiện quản lý hoàn toàn ở nửa bên phía Bắc núi Hải Vân ra đến mũi Cửa Khẽm (đây thực chất cũng là khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính) nhưng vẫn tổ chức trồng rừng, xây nhà tạm, Trạm Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc sang nửa bên phía Nam núi Hải Vân, phía Đà Nẵng.

Từ xưa và nay đều cho thấy, vịnh Đà Nẵng nói chung và Cảng Đà Nẵng nói riêng có vị trí chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Các cứ điểm tiền tiêu bảo vệ vịnh Đà Nẵng và Cảng Đà Nẵng bao gồm: Đỉnh đèo Hải Vân (Hải Vân Quan); hòn Sơn Trà con và bán đảo Sơn Trà tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc, cái nọ tiếp cái kia, hỗ trợ cho nhau rất hiệu quả và là gọng kìm bảo vệ vịnh Đà Nẵng và Cảng Đà Nẵng chống địch vu hồi tiến công đường biển. Nếu bố trí các trận địa pháo binh từ sườn Nam hòn Sơn Trà con và sườn Bắc, núi Sơn Trà sẽ khống chế được toàn bộ cửa vịnh Đà Nẵng. Chính vì vị trí chiến lược trọng yếu như vậy nên tại hòn Sơn Trà con, triều Nguyễn đã xây dựng “đài Phong Hỏa” có nhiệm vụ quan sát tiền tiêu, báo hiệu cho các trạm, pháo đài bên trong vịnh Đà Nẵng.

Đứng ở trên khu vực mà dự án này được cấp phép, có thể quan sát mọi hoạt động ra vào vịnh Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng....và nhìn về thành phố. Ảnh Thùy Linh
Đứng ở trên khu vực mà dự án này được cấp phép, có thể quan sát mọi hoạt động ra vào vịnh Đà Nẵng, Cảng Đà Nẵng....và nhìn về thành phố. Ảnh Thùy Linh

Chính vì vị trí trọng yếu của TP Đà Nẵng mà từ năm 1858, thực dân Pháp đã chọn để làm nơi nổ súng trước tiên để tấn công nước ta. Hệ thống phòng thủ Đà Nẵng và trận đánh ngày 01/9/1858, sau đó là trận đánh ngày 18/11/1859 trong cuộc chiến chống thực dân Pháp đều bố trí, triển khai lực lượng tại hòn Sơn Trà con để bảo vệ Cảng Đà Nẵng. Ngoài ra, năm 1965, để mở đầu cuộc can thiệp vũ trang vào nước ta, đế quốc Mỹ cũng chọn Đà Nẵng để đổ bộ đầu tiên.

Trao đổi với chúng tôi về vai trò trọng yếu của khu vực mà phía Thừa Thiên- Huế cấp phép cho KDL World Shine- Huế, một vị đại tá của BĐBP Đà Nẵng cho biết, vị trí đó hết sức quan trọng trong quốc phòng an ninh. Nó án ngữ ngay vịnh Đà Nẵng. Vị trí này có tầm quan sát rộng bao quát vịnh Đà Nẵng và cả vịnh Lăng Cô. Ảnh hưởng đến cảng quân sự Vùng 3 Hải quân. Về mặt tác chiến phòng thủ, nếu án ngữ tại địa điểm trên thì việc xâm nhập bờ biển rất dễ dàng, nguy hiểm cho quốc phòng- an ninh… Hơn nữa, Đà Nẵng có đơn vị hành chính huyện đảo Hoàng Sa, việc để một dự án nước ngoài án ngữ ngay địa điểm trên cũng gây nguy hiểm cho vùng biển đảo nước ta…

Hiện Cty CP Thế Diệu đã xây một nhà làm việc hai tầng tại ngã ba Bãi Chuối. Ảnh Thùy Linh
Hiện Cty CP Thế Diệu đã xây một nhà làm việc hai tầng tại ngã ba Bãi Chuối. Ảnh Thùy Linh

Còn theo Chánh Văn phòng – người phát ngôn UBND TP Đà Nẵng Võ Văn Thương cho biết trước sự việc này, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan yêu cầu tỉnh Thừa Thiên- Huế chỉ đạo BQL Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô và các cơ quan, đơn vị liên quan thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với Cty Thế Diệu cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đang được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại các vị trí trọng yếu về an ninh-quốc phòng và các khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. UBND TP. Đà Nẵng đề nghị Trung ương sớm có chỉ đạo cụ thể để chấm dứt sớm việc này, không nên kéo dài, ảnh hưởng tới lợi ích chung của đất nước.

“Đây là khu vực chưa thống nhất địa giới hành chính thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được cấp phép, hai là phê duyệt quy hoạch kinh tế gắn với quốc phòng thì Thủ tướng cũng chỉ đạo không được cấp phép bất cứ dự án nào hết. Từ hai cơ sở trên Đà Nẵng đề nghị dừng triển khai và rút giấy phép dự án”, ông Thương nói.

THÙY LINH