Vì sao người dân tin tưởng chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện?

15/12/2020 15:54
Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm 2008 – 2018, chỉ có 280 nghìn người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhưng riêng năm 2019 đã tăng thêm 300 nghìn người.

Chính sách đi vào cuộc sống được người dân ủng hộ

Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được đánh giá là có những nội dung cải cách chính sách BHXH tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế. Theo đó, với việc hoàn thiện chính sách Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách tại Nghị quyết số 28 sẽ tạo ra những đột phá mới, quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm xã hội sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào đến các yếu tố đầu ra, không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức - đây là khoảng trống vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây.

Mục tiêu đến 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia Bảo hiểm xã hội thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế tự nguyện được hưởng những chính sách ưu việt.

Người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế tự nguyện được hưởng những chính sách ưu việt.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, Nghị quyết số 28-NQ/TW có những nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có thể nói chính sách Bảo hiểm xã hội đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm thực hiện một bước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện quan điểm, tư tưởng trong Hiến pháp, tại Điều 34 quy định rõ: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.

Trong vòng 10 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện mới đạt khoảng 280 nghìn người tham gia. Nhưng trong năm 2019, quá trình phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện ghi nhận sự đột phá ấn tượng, với số người tăng mới gần 300 nghìn người.

Tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tới nay đã đạt tới 580 nghìn. Điều đó đồng nghĩa với việc, chỉ trong một năm triển khai, số lượng phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đã bằng 1,07 lần của cả giai đoạn 10 năm.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 100% Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã chủ động, kịp thời tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW tại địa phương.

Đáng lưu ý là cùng với việc tuyên truyền Nghị quyết số 28 NQ/TW của BCH TW, Bảo hiểm xã hội các địa phương còn kịp thời tham mưu tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện cho các địa phương, và kiến nghị để Hội đồng nhân dân các cấp đưa chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Tính đến hết tháng 9/2020, cả nước có hơn 15 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội, trong đó có trên 844 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; gần 87 triệu người tham gia Bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. Trong bối cảnh dịch covid-19 diễn biến phức tạp, có thể nói đây là những kết quả hết sức quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu của năm 2020 mà Chính phủ đã giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi: “Cả ba tầng trong chính sách Bảo hiểm xã hội của Nghị quyết 28 đều có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng điểm có ý nghĩa nhân văn nhất, mang tính xã hội rộng khắp và thể hiện quan điểm của Đảng chăm lo tới mọi người dân chính là tầng thứ nhất, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội.

Đối tượng hướng tới của chính sách này là nhóm người yếu thế, hoàn toàn không có khả năng đóng góp. Có lẽ, chủ yếu rơi vào nhóm người già cả, cô đơn, không có nguồn thu nhập, hoặc người hơn 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội, không có chính sách ưu đãi người có công với cách mạng… Tất cả những người này đều được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội để bảo đảm đời sống. Điều này ghi dấu ấn rất ý nghĩa trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội của nước ta.

Chính sách Bảo hiểm xã hội cơ bản mang ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của người dân, không chỉ thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội bắt buộc, chúng ta mở rộng cả chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện để nhanh chóng đạt được độ bao phủ Bảo hiểm xã hội toàn dân, tức là người lao động từ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập đều phải tham gia vào hệ thống Bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi nhóm người này đến tuổi nghỉ hưu, hay nói cách khác hết tuổi lao động, người ta có lương hưu. Đây là ý nghĩa cực kỳ quan trọng của chính sách này”.

Người nghèo cũng sẽ an tâm khi tuổi già

Ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá, có một vấn đề được coi như giải pháp đột phá, thể hiện quan điểm rất mới của Đảng, Nhà nước ta. Đó là Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và những đối tượng khác… để họ tham gia vào chính sách BHXH tự nguyện, nhằm khuyến khích đẩy nhanh độ bao phủ của chính sách BHXH toàn dân. Quan điểm này thật sự rất đúng đắn.

Cũng trong thực hiện cải cách chính sách BHXH, lần này, chính sách sẽ được thiết kế rất linh hoạt. Người tham gia Bảo hiểm xã hội không nhất thiết phải đóng Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm mới được nghỉ hưu. Họ có thể tham gia 15 năm. Và đến một lúc nào đó, có thể giảm thời gian tham gia xuống còn 10 năm để người cao tuổi có thể tham gia được BHXH.

Trong chính sách hiện hành, chúng ta đã điều chỉnh phương thức đóng BHXH tự nguyện. Người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu. Điều đó hết sức quan trọng. Đây là những điểm hết sức căn cơ, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước muốn đẩy nhanh tốc độ bao phủ BHXH tới toàn dân.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và mở rộng phát triển đối tượng tham gia, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra 3 nhóm giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết, vị trí, vai trò, ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH để họ tích cực, tự giác tham gia.

Thứ hai, tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp theo nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu và phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; Quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là đối tượng người nông dân, người lao động phi chính thức không thuộc người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức độ hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; Quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, người lao động khu vực phi chính thức là nam giới tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển đối tượng BHXH của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hỗ trợ nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, bộ máy làm công tác thu, đại lý thu chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển đối tượng.

Ông Bùi Sỹ Lợi nói: “Rõ ràng, các chính sách của Đảng, Nhà nước đặt ra như vậy có tính chất kích thích để người lao động tham gia với một tinh thần trách nhiệm. Điều này góp phần thay đổi nhận thức lớn lao với người dân. Từ chỗ chỉ có đối tượng có quan hệ lao động tham gia Bảo hiểm xã hội, bây giờ, mở rộng cho tất cả các đối tượng để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Qua chính sách hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện, đã khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước. Người dân cũng phải tham gia vào quá trình đóng góp để được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền và nghĩa vụ đi đôi với nhau. Có thể nói cách khác, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người dân tham gia vào hệ thống chính sách an sinh xã hội. Từ đó, bảo đảm được lợi ích của người dân khi họ hết tuổi lao động”.

Kim Anh