Vì sao “treo” chi phí vật tư y tế?

26/04/2017 06:00
Mai Anh
(GDVN) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những lý giải liên quan đến việc “treo” số chi phí vật tư y tế kết cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật.

Theo đó tham dự buổi họp báo và cung cấp thông tin định kỳ tháng 4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng đại diện các đơn vị nghiệp vụ đã có lý giải, trả lời về những vấn đề báo chí nêu ra.

Quang cảnh buổi họp báo và cung cấp thông tin định kỳ tháng 4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ảnh Hoàng Lực.
Quang cảnh buổi họp báo và cung cấp thông tin định kỳ tháng 4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ảnh Hoàng Lực.

Lý do “treo” chi phí vật tư y tế

Tại buổi họp báo trước câu hỏi của đại diện cơ quan báo chí xung quanh về việc tại sao Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị xuất toán hoặc tạm thời chưa thanh toán một số khoản kinh phí mà các cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán “vượt” định mức quy định và “treo” số chi phí vật tư y tế kết cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật.

Trước câu hỏi này, ông Vũ Xuân Bằng - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho biết, việc quy định định mức kỹ thuật cho các dịch vụ y tế vừa là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ đồng thời là tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế.

 Thực tế nhiều cơ sở y tế có số lượng người bệnh khám chữa bệnh ngoại trú/1 bàn khám/1 ngày vượt chỉ tiêu nhiều lần hay nhiều bệnh viện tự kê thêm giường bệnh, thậm chí tăng gần 4 lần số giường kế hoạch... đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị.

Mặt khác, còn dẫn tới việc chỉ định vào viện chưa hợp lý, kéo dài ngày điều trị không cần thiết.

“Đặc biệt, thông qua công tác giám định, kiểm tra, kiểm toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phát hiện có sự chênh lệch rất lớn giữa thực tế sử dụng với định mức nhân lực, thời gian, thuốc và vật tư y tế được xây dựng làm cơ sở tính giá dịch vụ do Bộ Y tế quy định (găng tay, kim châm cứu, giấy in kết quả siêu âm, dịch lọc thận nhân tạo, bơm kim tiêm...)”, ông Bằng cho biết. 

Ông Vũ Xuân Bằng - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giải thích lý do "treo" chi phí vật tư - ảnh: H.Lực
Ông Vũ Xuân Bằng - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giải thích lý do "treo" chi phí vật tư - ảnh: H.Lực

Nêu dẫn chứng cụ thể ông Bằng cho biết kết quả kiểm toán năm 2015 tại cơ sở y tế này cho thấy, số lượng găng tay sử dụng thực tế cho tất cả các dịch vụ kỹ thuật của toàn bệnh viện chỉ bằng 30% so với định mức găng tay được tính trong 2 dịch vụ khám bệnh và ngày giường bệnh, với số tiền chênh lên tới 1,2 tỉ đồng.

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Bình, số kim châm cứu thực tế sử dụng chỉ bằng 5% số kim châm cứu theo định mức, số tiền chênh lệch lên tới 1,7 tỉ đồng...

Như vậy hiện tượng gang tay, số kim châm cứu thực tế sử dụng ít hơn nhiều so với định mức vì thế Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm thời “treo” số chi phí vật tư y tế kết cấu trong giá dịch vụ kỹ thuật.

Trong khi đó trước câu hỏi liên quan đến về việc sử dụng biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ bà Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng Ban Dược và vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, trong số 698 thuốc biệt dược gốc đang sử dụng tại Việt Nam, có 447 thuốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền. Hiện 266 thuốc đã có từ 2- 3 số đăng ký nhóm 1. 

Bà Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng Ban Dược và vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - ảnh: H.Lực
Bà Nguyễn Thị Yến - Phó trưởng Ban Dược và vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) - ảnh: H.Lực

Kết quả phân tích kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2016 của 59 tỉnh, thành phố và các bệnh viện tuyến Trung ương cho thấy, một số thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ độc quyền sáng chế có giá chênh lệc khá cao với so với các thuốc nhóm 1 cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng trên thị trường. 

Đơn cử: Giá thuốc tiêm Cefriaxon 1g có mức chênh lệch hơn 7 lần (181,440 đồng/lọ biệt dược gốc và 25,414 đồng/lọ thuốc nhóm 1); thuốc tiêm Paclitaxel 100mg chênh lệch 4,5 lần (3,927 triệu đồng/lọ và 871.774 đồng/lọ với thuốc nhóm 1)…Điều này cho thấy, nếu có biện pháp quản lý chặt chẽ về giá thuốc, có thể tiết kiệm chi phí hàng trăm tỉ đồng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 3/2017, cả nước có 13,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2016); 11,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (tăng 7,7%); 76,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (tăng 12,5% và đạt tỉ lệ bao phủ 82% dân số). Tính đến 20/3/2017, đã có 7 địa phương bàn giao được 78.491 sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Theo bà Yến, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại văn bản số 1649/VPCP-KGVX về việc sửa đổi, bổ sung quy định về mua thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bản quyền để giảm giá thuốc thông qua đấu thầu rộng rãi với thuốc nhóm 1 (thuốc generic được chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bộ Y tế thông báo danh mục thuốc biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ, phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, đề xuất, thống nhất cơ cấu mua sắm sử dụng thuốc biệt dược gốc và nhóm 1.

Theo bà Yến Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cùng Bộ Y tế xem xét, đưa ra các quyết định thay thế cho từng loại thuốc biệt dược gốc bằng thuốc nhóm 1 thật thận trọng, bởi mục tiêu cuối cùng vẫn là ưu tiên về chất lượng điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế.

Luôn thanh toán đúng và đủ

Tại buổi họp báo, ông Phạm Lương Sơn khẳng định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu và chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế luôn được thanh toán đúng, đủ.

“Quyết toán chi phí khám chữa bệnh phải dựa vào kết quả giám định bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội không bao giờ từ chối thanh toán các chi phí hợp lý, hợp lệ”, ông Sơn khẳng định. 

Ông Sơn cho biết, từ năm 2015, theo Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, các cơ sở y tế tổ chức khám chữa bệnh vào ngày nghỉ, ngày lễ có thông báo trước cho cơ quan bảo hiểm y tế vẫn được cơ quan ảo hiểm xã hội chi trả. 

Tuy nhiên, cơ sở y tế phải có trách nhiệm bảo đảm nhân lực, điều kiện chuyên môn, phải công khai và thông báo trước những khoản chi phí mà người bệnh phải tự chi trả...

Phó Tổng Giám đốc - ông Phạm Lương Sơn khẳng định Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu - ảnh: Hoàng Lực
Phó Tổng Giám đốc - ông Phạm Lương Sơn khẳng định Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu - ảnh: Hoàng Lực

Đề cập đến việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thanh toán thuốc Mycophenolate (uống) và Tacrolimus (tiêm, uống) trong điều trị bệnh Lupus ban đỏ trong những trường hợp cụ thể (do chưa có thuốc thay thế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế), ông Sơn phân tích:

Thông tư 40/2014/TT-BYT của Bộ Y tế đã hướng dẫn “Quỹ bảo hiểm y tế không thanh toán đối với trường hợp sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt”. 

Tuy nhiên, những thuốc đã được ghi trong y văn, dược thư để điều trị trong một số trường hợp cụ thể thì vẫn phải được xem là hợp lệ.

Nếu chỉ phụ thuộc vào hướng dẫn của nhà sản xuất (trong hồ sơ xin cấp số đăng ký thuốc) để quyết định thanh toán hay không thanh toán là máy móc, ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh…

“Kể cả các trường hợp bệnh viện “đứt” nguồn thuốc thuộc danh mục thuốc bảo hiểm y tế và đã được đấu thầu vì bất kỳ lý do nào, nếu có chỉ định bệnh nhân ra ngoài mua thuốc, thì bệnh viện phải có trách nhiệm thanh toán cho bệnh nhân đúng giá đã mua và làm thủ tục thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội theo giá thuốc đấu thầu”, ông Sơn nói.

Mai Anh