Vơ vét được tiền bạc mà bị đồng nghiệp, xã hội khinh bỉ thì sung sướng nỗi gì?

07/07/2016 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - PGS.TS Lương Gia Ban nhận định, Đảng sẽ phải tiếp tục tìm cho ra những "con sâu, con mọt" đục khoét tài sản nhà nước, gây tiếng xấu cho Đảng.

Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu dẹp ngay tình trạng “cha chung không ai khóc, cá mè một lứa”; “phải nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả hoạt động của đơn vị, phải hoàn thành nhiệm vụ. Ai không hoàn thành sẽ phải thay”.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Lương Gia Ban - Chủ nhiệm Khoa Lý luận Chính trị và đại cương (ĐH Phương Đông) nhận định, những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian qua là hết sức cần thiết, nhằm lập lại kỷ luật, kỷ cương, đề cao đạo đức công vụ, cán bộ công chức – viên chức phải thật sự mẫn cán, lấy lợi ích chung làm trọng.

PGS.Lương Gia Ban nhận định, những ngày này, Trung ương đang thảo luận về kỷ luật Đảng, về việc chấp hành điều lệ Đảng, chắc chắn công tác chấn chỉnh cán bộ Đảng viên sẽ được tập trung hơn nữa.

“Đảng cần phải chấn chỉnh mạnh mẽ công tác cán bộ, phải tìm ra cho được những con sâu, con mọt đang phá hoại uy tín của Đảng.

Bên cạnh đó, phải xem xét lại nghiêm túc công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng lãnh đạo mà không có kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”, PGS.Ban chia sẻ.

Theo PGS.Ban, ngay từ thời kỳ đấu tranh giành độc lập chủ quyền cho tới khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh, đức và tài phải đi với nhau.

Người đặc biệt quan tâm tới công tác giáo dục con người, bởi vì: Khi còn ngủ ai cũng như lương thiện/Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền/ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên.

Các cụ ta ngày xưa đã có câu: Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Cán bộ có năng lực nhưng đạo đức yếu kém thì rồi cũng hỏng, mà cái hỏng không chỉ đối với riêng cán bộ ấy mà còn làm xấu hình ảnh của Đảng, gây ra những hậu quả không thể lường trước với tổ chức.

Và những bài học trong lịch sử cũng đã chỉ ra rằng, anh không có đạo đức, chỉ dùng cái tài của mình để tham ô, tham nhũng, ăn trên ngồi chốc thì sẽ làm hại nhiều người.

Nhưng rồi tất cả những điều xấu xa ấy sớm muộn gì thì cũng sẽ lộ ra hết. Đó là loại cán bộ muôn đời bị nhân dân khinh rẻ”, PGS.Ban bày tỏ.

PGS.TS Lương Gia Ban nói thẳng, loại cán bộ lợi dụng chức quyền để đục khoét thì sớm muộn cũng bị dân phát hiện. ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Lương Gia Ban nói thẳng, loại cán bộ lợi dụng chức quyền để đục khoét thì sớm muộn cũng bị dân phát hiện. ảnh: Ngọc Quang.

Trong rất nhiều các phiên họp của Trung ương, của Quốc hội... chúng ta đều nghe thấy các lãnh đạo cấp cao dẫn ra lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ rõ “cán bộ là công bộc của dân”.

Nói thì như vậy, nhưng trên thực tế lại có những loại cán bộ nhăm nhe đục khoét của dân, coi thường dân 

Có lẽ vì một phần chúng ta chưa thoát khỏi nền hành chính bao cấp nặng nề chuyện xin cho.

Vì vậy mà Chính phủ đang rất quyết tâm thay đổi, chuyển mô hình từ quản lý quản trị sang phục vụ, mang tính chất kiến tạo.

Vấn đề này trước đây cũng đã từng được đặt ra nhưng kết quả thu được không như mong muốn.

Theo PGS.TS Lương Gia Ban: “Đấy là vì có những chỗ này, chỗ khác tuyển công chức, đề bạt cán bộ từ cấp dưới lên cấp trên dựa vào 4 cái “ệ” (hậu duệ - tiền tệ - quan hệ - trí tuệ). Vậy thì làm sao có con người tốt?

Tôi cho rằng cần phải tổ chức các cuộc thi vào chức vụ thật nghiêm túc, giống như ngày xưa mỗi lần kén chọn người tài thì nhà vua tự ra đề, chấm bài thi và chọn người thực sự xứng đáng đảm trách các vị trí quan trọng.

Vơ vét được tiền bạc mà bị đồng nghiệp, xã hội khinh bỉ thì sung sướng nỗi gì? ảnh 2

Nước mắt của Tổng Bí thư và sự tha hóa của cán bộ

Trước Đại hội Đảng 12 vừa qua, Đảng ta cũng đã tổ chức được 6 lớp cán bộ nguồn để chuẩn bị cho các vị trí từ trung ương tới địa phương.

Học tập xong đưa về địa phương rèn luyện. Sau một quá trình thì lại có đánh giá và tiếp tục học tập, tuyển chọn cán bộ khắt khe hơn.

Chúng ta cần nhiều hơn nữa những chương trình như vậy để xây dựng các lớp cán bộ nguồn có đức độ và tài năng để gánh vác trọng trách nhân dân giao phó.

Còn nếu cán bộ chỉ thích có cái danh hão thì chẳng giúp được gì cho Đảng, họ chỉ làm hại cho Đảng mà thôi”.

Những cán bộ yếu kém về đạo đức sẽ gây hại cho đất nước, gây hại cho uy tín của Đảng. ảnh: Thảo Nguyên.
Những cán bộ yếu kém về đạo đức sẽ gây hại cho đất nước, gây hại cho uy tín của Đảng. ảnh: Thảo Nguyên.

Ngăn chặn loại cán bộ chui vào bộ máy nhà nước chỉ để kiếm cơm

PGS.Lương Gia Ban phân tích: “Nguồn gốc tham nhũng sinh ra từ nhà nước, có nghĩa là tất cả các quốc gia đều phải đối mặt với nó.

Chỉ có điều mức độ thì khác nhau, mà điều đó phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, nhận thức đến đâu, các biện pháp quản lý thế nào.

Ở nước ta suốt một thời gian dài của công nhiều như thế cho nên mới có nhiều kẻ lao vào đục khoét.

Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước lỗ lớn, thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, gây ảnh hưởng xấu tới tài chính quốc gia, làm giảm uy tín của Đảng với nhân dân”.

Vơ vét được tiền bạc mà bị đồng nghiệp, xã hội khinh bỉ thì sung sướng nỗi gì? ảnh 4

Chọn chức tước, quyền lực, bổng lộc hay uy tín trong lòng dân?

Bác Hồ dạy rằng cán bộ của dân thì làm việc gì cũng phải “Chí công vô tư”.

Thế nhưng khi tuyển chọn nhân sự, một số lãnh đạo vẫn bị 4 cái “ệ” chi phối nên mới sinh ra một lớp cán bộ không năng động, chẳng làm gì cũng có ăn, cứ ngồi chờ sẵn... rồi đến lúc hạ cánh coi như xong.

“Có những loại cán bộ rất tham lam, dùng quyền lực từ vị trí lãnh đạo của mình để vơ vét, đe nẹt cấp dưới, nịnh bợ cấp trên.

Họ quên mất rằng điều quan trọng nhất khi làm cán bộ thì phải giữ được chữ liêm, phải được nhân dân yêu mến, quý trọng, còn tiền và địa vị chẳng ai giữ mãi cho mình được”, PGS.Ban chia sẻ.

Nhiều người bảo rằng, cán bộ lương thấp cho nên cán bộ nhà nước quay ra làm chuyện này, chuyện khác để có tiền.

Tuy nhiên, theo PGS.Lương Gia Ban, cách giải thích ấy là để xuê xoa, chứ không thể biện minh được cho những việc làm sai trái:

Thứ nhất, trong thời kỳ đất nước bị đô hộ cho tới thời kỳ thực dân phong kiến, có biết bao thế hệ cha ông, có biết bao nhiêu chiến sĩ ngã xuống.

Họ chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, vì tương lai của đất nước này. Họ có bao giờ đòi hỏi điều gì khi ra trận không? Tuyệt nhiên không có.

Dẫu biết rằng làm nhiệm vụ ấy sẽ phải hy sinh mà người ta còn sung phong nhận nhiệm vụ thay nhau.

Vậy thì cán bộ bây giờ so với thời kỳ ấy có khổ hơn không?

Thứ hai, đồng tiền quý thì quý thật đấy, nhưng suy cho cùng nó là phương tiện phục vụ cuộc sống, nó không phải thứ quyết định được nhân cách, danh dự của con người.

Nếu anh vơ vét được tài sản công (tiền của nước, của dân) mà anh bị đồng nghiệp khinh bỉ, xã hội coi thường, vậy thì sung sướng nỗi gì?

Thứ ba, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ đương nhiên cần được tiếp tục điều chỉnh theo yêu cầu của thực tế, nhưng cũng phải thấy rằng ở rất nhiều các vị trí lãnh đạo khác nhau thì nhà nước cũng ưu đãi với cán bộ.

Từ việc tạo điều kiện về nhà ở cho tới xe công tác, chi phí công tác, do đó cán bộ được hưởng nhiều khoản chứ không chỉ có đồng lương.

PGS.Ban bày tỏ: “Người cán bộ dù trong hoàn cảnh nào cũng phải thể hiện được tình yêu với tổ quốc. Vì thế mà trước đây chúng ta đã có khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết”, để mà xây dựng được thiết chế, kỷ luật, kỷ cương.

Và, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến yếu tố quan trọng đầu tiên để xây dựng được chủ nghĩa xã hội, đó là con người.

Chúng ta quan niệm tất cả cho con người, tất cả vì con người, nhưng tất cả cũng do con người.

Con người thật sự giỏi, thật sự có lý tưởng, thực sự làm việc hay là chỉ tìm cách chui vào bộ máy nhà nước để kiếm cơm?

Tôi tin rằng đó là những vấn đề rất hệ trọng mà Đảng sẽ tập trung giải quyết. Đã là cán bộ nhà nước, thì phải phục vụ nhân dân bằng tất cả đạo đức của mình”.

Ngọc Quang