Vụ đàm phán cuối cùng khó níu Crimea, tương lai Đông Ukraine khó nói

14/03/2014 14:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Trừng phạt trên phạm vi rộng để khiến Tổng thống Nga Putin tạm dừng hành động sau khi đã lấy được Crimea. Nếu không làm được điều này, Putin có thể "thọc sâu"
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Hôm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp nhau tại London nhằm thương thảo một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine đang chuẩn bị bỏ phiếu trưng cầu dân ý sáp nhập vào lãnh thổ Nga.

Bloomberg phân tích, các nhà lãnh đạo phương Tây đang dựa vào các mối đe dọa trừng phạt trên phạm vi rộng để khiến Tổng thống Nga Putin tạm dừng hành động sau khi đã lấy được Crimea. Nếu không làm được điều này, Putin có thể "thọc sâu" hơn vào Ukraine.

Tổng thống Nga vẫn chưa có động tĩnh gì về việc sử dụng quân đội sau khi đã kiểm soát bán đảo Crimea từ tháng trước, tạo nên một cuộc đối đầu tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Ngay trong lúc Mỹ và EU đe dọa đẩy mạnh trừng phạt Nga, những cuộc biểu tình ở Ukaine trong đó có vụ đụng độ chết người hôm qua giữa nhóm ủng hộ Nga và nhóm chống Nga sẽ cho Putin "một cái cớ" để xâm nhập hơn nữa.

"Tôi sẽ không loại trừ một hoạt động quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine, mặc dù nó không phải là chương trình nghị sự của thời điểm này. Nếu các quan chức Ukraine đàn áp các cuộc biểu tình, Nga sẽ phản ứng", Fyodor Lukyanov, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu Chính sách Quốc phòng và đối ngoại từ Moscow cho biết hôm 12/3.

Tổng thống Mỹ Obama tiếp Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk.
Tổng thống Mỹ Obama tiếp Thủ tướng tạm quyền Ukraine Yatsenyuk.

Sau phiên họp với Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk cảnh báo rằng Putin có thể vượt qua Crimea thậm chí đến tận thủ đô Kiev.

Mỹ đã điều hàng chục chiếc chiến đấu cơ F-16 đến Ba Lan, một nước láng giềng của Ukraine trong tuần này sau khi triển khai 6 chiếc F-16  tại Lithuania hồi tuần trước trong khi Nga cũng điều động 6 chiến đấu cơ Su-27 và 3 máy bay vận tải đến Belarus, nước láng giềng phương Bắc của Ukraine.

Sự tích tụ quân sự trong và xung quanh một số nước Trung, Đông Âu đang rất lo lắng có thể sẽ không dẫn đến xung đột vũ trang giữa Nga và phương Tây, tuy nhiên sự xâm nhập của Nga vào phía Đông Ukraine có khả năng tạo ra tình hình mất ổn định và bạo lực, Eugene Chausovsky, một nhà phân tích từ trung tâm Stratfor tại Mỹ nhận xét.

"Họ sẽ phải đối mặt với sức đề kháng nhiều hơn từ bên trong Ukraine. Khả năng quân sự của Ukraine là có, mặc dù chắc chắn nó yếu hơn nhiều so với Nga, nhưng họ ở thế phải tự bảo vệ mình hơn là ở Crimea", Chausovsky nhận xét.

Crimea đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.
Crimea đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế.

Trong khi các nỗ lực ngoại giao đã bị đình trệ, Đức đã tỏ lập trường cứn rắn với Nga trong khi ban đầu muốn EU tạm giữ các biện pháp trừng phạt để chờ kết quả đàm phán. 

Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier nói rằng cuộc gặp giữa John Kerry và Sergei Lavrov tại London hôm nay giống như một cơ hội cuối cùng để xoa dịu khủng hoảng trước khi cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea bắt đầu.

Nga muốn có một chính phủ liên minh mới ở Ukraine bao gồm các thành viên của chính quyền cũ mà Moscow hậu thuẫn, một bản hiến pháp mới đảm bảo vai trò cho tiếng Nga ở Ukraine, Sergei Markov, một cố vấn của Putin cho biết.

Trong khi đó phương Tây muốn nói chuyện với Nga bằng sức mạnh, vậy thì Moscow sẽ dùng sức mạnh để nói chuyện, Markov cho biết.

Pa-nô, áp phích cổ động trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga được dựng lên khắp nơi trên bán đảo Crimea.
Pa-nô, áp phích cổ động trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga được dựng lên khắp nơi trên bán đảo Crimea.

Phương Tây hiện đang phải xem xét làm thế nào để nhồi thêm các lệnh trừng phạt của mình, trong khi EU phải dựa vào Nga với 30% nhu cầu khí đốt tự nhiên không thể thay thế trong thời gian gnawns hạn.

Các biện pháp mạnh hoặc sự can thiệp quân sự từ Mỹ là không xảy ra, Jeff Mankoff, chuyên gia nghiên cứu về Nga từ Trung tâm Nghiên cứu Chiên lược và quốc tế nhận xét.

"Nếu một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nổ ra ở Nga, thì có thể thấy một sự thay đổi trong tính toán của họ. Nhưng tôi không thấy điều đó xảy ra", Mankoff cho biết.
Hồng Thủy