Vụ Hoàng Hữu Phước: Có thêm người xin lỗi ông Dương Trung Quốc

01/03/2013 09:48
Bùi Hải
(GDVN) - Có nhiều bằng chứng cho thấy: Sóng gió tạm yên với ông nghị Hoàng Hữu Phước.
ĐBQH Dương Trung Quốc (trái), ĐBQH Hoàng Hữu Phước (phải)
ĐBQH Dương Trung Quốc (trái), ĐBQH Hoàng Hữu Phước (phải)
Đại biểu Dương Trung Quốc đã "vui vẻ" nhận lời xin lỗi. Với sự lịch duyệt vốn có của mình, ông Quốc còn nói thêm: "Cá nhân tôi vẫn tôn trọng anh Phước vì anh ấy vẫn là đại biểu Quốc hội TP.HCM". Một số quan chức quốc hội cũng hướng đến chuyện khép lại vấn đề khi cho rằng việc đó cũng không nặng đến nỗi phải bàn đến chuyện bãi miễn tư cách đại biểu. Như vậy, dường như đã đủ ba bề, bốn bên để kiết thúc sự việc. Thế nhưng, lại xuất hiện thêm những người muốn xin lỗi đại biểu Dương Trung Quốc. Họ là ai mà kì lạ vậy? Trong hàng ngàn lá thư gửi tới toà soạn hưởng ứng và phản hồi về chuyên đề ông Phước "tấn công" ông Quốc, chúng tôi giật mình khi đọc được những lời xin lỗi ấy. Một độc giả viết: "Ông Phước đã xin lỗi, nhưng chưa đủ. Chúng tôi muốn ông Phước phải xin lỗi cả những người đã bầu ông, về hành xử thiếu văn hoá của mình. Nhưng ông Phước không xin lỗi. Thế thì chúng tôi phải xin lỗi thôi. Tôi là người đã cầm phiếu bầu cho ông Phước. Tôi chính thức xin lỗi vì đã bầu ra một người... không biết xin lỗi đầy đủ." Một độc giả khác đau đáu: "Cử tri như tôi cũng nợ ông Dương Trung Quốc một lời xin lỗi. Tôi xin lỗi vì khi cầm lá phiếu trên tay, đã không làm hết trách nhiệm, không tìm hiểu thật kỹ người mình bầu là ai, có đủ đức tài góp sức cho quốc hội hay không. Bạn bè tôi cũng vậy, nhiều người đã nhờ người khác đi bỏ phiếu hoặc bầu theo cảm tính, theo cái tên mà mình thấy hay. Nếu tất cả cử tri đều có trách nhiệm cao khi lựa chọn, thì chắc những sự việc đáng xấu hổ do người được bầu gây ra như thế này, sẽ không có cơ hội ngóc đầu dậy". Đọc xong những lời xin lỗi dũng cảm và thẳng thắn này, chắc hẳn hàng triệu cử tri khác cũng phải giật mình. Giật mình để cùng có trách nhiệm hơn khi bỏ phiếu lựa chọn "đầy tớ" sao cho xứng đáng, đừng quay lại đè đầu cưỡi cổ "ông chủ" nhân dân. Không biết những người tiến cử, thẩm tra những đại biểu như ông Phước có giật mình? Người đáng ra phải xin lỗi cử tri đã chọn giải pháp không xin lỗi vì ông cho rằng "những cử tri có tâm Phật sẽ thông cảm cho tôi". Những người đáng được ông nghị nói lời xin lỗi, thì lại tự nhận lỗi về mình. Điều ngược đời này mở ra một "sáng kiến" cười ra nước mắt: Khi nào quan chức làm bậy mà không chịu xin lỗi, thì nhân dân sẽ đứng ra nhận lỗi. Nhận lỗi vì đường đường là "ông chủ" mà không tuyển được "đầy tớ, công bộc" đàng hoàng. Khi quan chức đục khoét, làm trái không chịu từ chức, thì người dân sẽ tự động từ chức... thường dân của mình. Từ chức bởi "ông chủ" đã không thể dưỡng dục, giáo huấn được "đầy tớ" cho biết làm việc vì dân, vì nước. (Sáng kiến này, tuy hình thức có vẻ mới mẻ, nhưng sự thực đã được áp dụng trong thực tế. Khi "đầy tớ" làm thua lỗ, thất thoát cả trăm ngàn tỉ từ Vinashin, Vinalines...thì "ông chủ" thường dân đã phải cõng thay cái gánh nặng ấy bằng những khoản thuế đóng góp đều đặn của mình). Nếu theo sáng kiến "xin lỗi ngược" ấy, thì giống như trong một phiên tòa, người bị hại sẽ phải cắn răng xin lỗi hung thủ. Nhưng, nếu những lời "xin lỗi ngược", "từ chức ngược" ấy của nhân dân mà có thể làm cho các quan tham, quan phá hoại giật mình hối cải, có thể làm cho bộ máy công quyền thực sự vì dân hơn, thì chắc chắn, hàng triệu người Việt sẵn sàng nói xin lỗi và từ chức nhiều lần mỗi ngày.
LTS: Quý độc giả bấm vào đây để chia sẻ, góp ý, bình luận về bài viết và vấn đề này theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Bùi Hải