5 kiến nghị của Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường

15/06/2021 06:15
Phạm Ngọc Lan
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường nêu ra 5 kiến nghị với Hiệp hội để kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Là câu lạc bộ thứ 21/23 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, tuy mới được thành lập tháng 3 năm 2021 ban đầu có trên 50 Chủ tịch Hội đồng trường tham gia thì sau 3 tháng thành lập, Câu lạc bộ đã thu hút được 125 Chủ tịch Hội đồng đại học, trường đại học, học viện và cao đẳng tham gia.

Do dịch Covid, câu lạc bộ đã tổ chức được Tọa đàm trực tuyến sáng 8/6/2021 thu hút gần 100% thành viên của Câu lạc bộ tham gia. Ngoài ra có 18 trường đại học, cao đẳng đang thành lập hội đồng trường cũng đăng ký tham dự, với 152 đầu cầu trực tuyến diễn ra liên tục trong 3 giờ, các đại biểu được nghe 4 báo cáo tham luận và gần 20 ý kiến phát biểu sôi nổi.

Buổi họp được tổ chức trực tuyến. (Ảnh: Phạm Ngọc Lan)

Buổi họp được tổ chức trực tuyến. (Ảnh: Phạm Ngọc Lan)

Buổi tọa đàm với sự chứng kiến của lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 đại biểu quốc hội là lãnh đạo của các trường đại học, cao đẳng đã mang đến nhiều thông tin bổ ích cho các đại biểu và các chủ tịch hội đồng trường.

Hàng ngày trên zalo của câu lạc bộ các Chủ tịch Hội đồng trường trao đổi thường xuyên những kinh nghiệm, cung cấp cho nhau những tài liệu về tổ chức hoạt động của hội đồng trường. Có thể nói hoạt động của Câu lạc bộ rất sôi nổi và trong thời gian qua nhiều Chủ tịch Hội đồng trường đã tham gia viết bài hoặc tham gia phỏng vấn những vấn đề nóng hổi về thực tiễn quản trị tại các trường hiện nay.

Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường nêu ra 5 kiến nghị với Hiệp hội để kiến nghị tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Thứ nhất, cần hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho tự chủ đại học. Chính phủ cần sớm ban hành một Nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ giáo dục đại học cho các cơ sở giáo dục đại học, vì tính đặc thù của mô hình tự chủ đại học khác rất nhiều so với các mô hình tự chủ khác của nhà nước; trong đó phân định rõ nội hàm tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học về đào tạo, học thuật, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy, đội ngũ và tài chính, tài sn...

Riêng tự chủ về tài chính cần phân ra từng mức độ tự chủ khác nhau: tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần về chi thường xuyên và chi đầu tư, trong từng mức độ tự chủ có nêu rõ quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường để thực hiện thành công và hiệu quả Luật số 34/2018/QH14, trong đó Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan.

Trong trường hợp chưa thể ban hành kịp nghị định mới, để các trường đại học sớm ổn định về quản trị và quản lý, điều hành nhà trường theo Luật 34 và NĐ 99, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan cần có các thông tư hướng dẫn chi tiết một số nội dung về tự chủ đại học, đặc biệt là về tổ chức bộ máy, tài chính, tài sản.

Thứ hai, cần hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật giáo dục đại học: Đề nghị sớm tổ chức sơ kết đánh giá việc triển khai Nghị định 141/2013/NĐ-CP và Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Trên cơ sở đó, Chính phủ thống nhất ban hành thành một Nghị định chung về hướng dẫn thực hiện các Luật giáo dục đại học hiện hành (Luật số 08/2012/QH13 và Luật số 34/2018/QH14).

Thứ ba, cần xóa bỏ cơ chế chủ quản trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản nhằm phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giao nhiệm vụ, tạo ra cơ chế, chính sách, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp quy của các cơ sở đào tạo, đồng thời đảm bảo được việc trao quyền tự chủ cho các trường, phát huy vai trò quản trị thực quyền của Hội đồng trường theo Luật giáo dục đại học và Nghị định hướng dẫn Luật giáo dục hiện hành.

Thứ tư, tuyên truyền, mở rộng nhận thức về vai trò của Hội đồng trường. Hiệp hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tác động Chính phủ chia sẻ đến các cấp lãnh đạo ở các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan quản lý trực tiếp các trường, cũng như toàn xã hội hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường theo đúng Luật giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung số 34/2018/QH14 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP, đảm bảo vai trò Hội đồng trường là cơ quan quản trị, đại diện chủ sở hữu trong quy trình quản lý hành chính chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có các cuộc họp giao ban định kỳ 6 tháng với Hội đồng trường để cùng chia sẻ thông tin và thống nhất các nội dung lãnh chỉ đạo từ cấp Bộ đến các cơ sở đào tạo đại học trong quản trị đại học hướng đến tự chủ, bao gồm cả các cơ sở đào tạo không thuộc Bộ để nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Bộ chuyên ngành về giáo dục và đào tạo của tất cả cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Thứ năm, cần nâng cao năng lực quản lý, quản trị đại học theo Luật và Nghị định mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có những đề án tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý giai đoạn 2021-2030 (khai thác đề án 89), trong đó gồm: Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng cho tất cả các trường đại học, không riêng gì các trường thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Đề nghị Hiệp hội tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo cho các Hội đồng trường và Chủ tịch Hội đồng trường dưới nhiều hình thức, trong đó ưu tiên hình thức trực tuyến theo các chủ đề khác nhau mà các Chủ tịch Hội đồng có nhu cầu được bồi dưỡng.

Tạ buổi họp ngày 10/6 của Ban chủ nhiệm Câu Lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường, ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban Hỗ trợ câu lạc bộ khối trường thuộc Hiệp hội đã công bố Quyết định số 20/QĐ-HH-CLB ngày 07/6/2021 về việc công nhận bổ sung 3 thầy vào Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế - Ủy viên; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh - Ủy viên; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên - Ủy viên.

Ban chủ nhiệm đã thống nhất phân công Giáo sư Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách chung, các thầy Phó chủ nhiệm và ủy viên trong Ban chủ nhiệm phụ trách phụ trách các tổ (chia theo vùng lãnh thổ).

Câu lạc bộ sẽ cùng các thầy huy động Thư ký Hội đồng trường vào giúp việc lập zalo riêng và thường xuyên trao đổi và nắm hoạt động tổ và miền mình phụ trách như đã được phân công.

Ngoài ra, Câu lạc bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để phân chia Các Chủ tịch Hội đồng trường theo nhóm trường. Sau khi khảo sát, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ sẽ phân chia các Chủ tịch Hội đồng trường theo nhóm các trường trực thuộc từng Bộ hoặc liên bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh, để các Chủ tịch Hội đồng trường có điều kiện kết nối và thống nhất kiến nghị với Bộ Chủ quản và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố những vấn đề liên quan đến Hội đồng trường. Ví dụ, các trường trực thuộc các Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo…. các trường thuộc các Ủy ban Nhân dân tỉnh thành phố.

Ban chủ nhiệm sẽ phân công phụ trách các Chủ tịch Hội đồng trường trực tiếp các nhóm và tạo ra hệ thống mạng lưới hoạt động của Câu lạc bộ thông qua các tổ, nhóm… Email: caulacbocthdt@ gmail.com.

Tất cả Chủ tịch Hội đồng trường gửi đến và nhận thông tin từ email. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ được cung cấp mật khẩu để mở khi trao đổi thông tin. Zalo kết nối tất cả Chủ tịch Hội đồng trường để tiếp nhận thông tin và trao đổi không có thư ký của các Chủ tịch Hội đồng trường.

Zalo của Ban chủ nhiệm để trao đổi công việc trong Ban chủ nhiệm có thư ký Ban chủ nhiệm để giúp Ban chủ nhiệm triển khai các công việc.

Zalo của các tổ và nhóm trao đổi nội bộ. Một số hoạt động trước mắt của Câu lạc bộ: Hoàn thành việc cấp cho mỗi người một làm thẻ đeo, thường xuyên cập nhật hoàn thiện zalo kết nối các thành viên Chủ tịch Hội đồng trường trong Câu lạc bộ, đẩy mạnh hoạt động của các tổ, nhóm đơn vị cơ sở Câu lạc bộ.

Việc chuẩn bị cho họp trực tiếp tại Thành phố Hải Phòng sau khi covid-19 ổn định dự kiến tổ chức vào tuần cuối tháng 8/2021. Nội dung Ban chủ nhiệm thông báo vào sau 20/7/2021 để các Chủ tịch Hội đồng trường xếp lịch tháng 8/2021.

Biên soạn tập san của Câu lạc bộ được sử dụng làm tài liệu cho họp tại Hải Phòng: Cập nhật các văn bản nhà nước về Hội đồng trường và các bài viết hay của các chuyên gia về Hội đồng trường, các kinh nghiệm tổ chức quản lý Hội đồng trường.

Sau khi biên tập Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ sẽ gửi các danh mục để các Chủ tịch Hội đồng trường góp ý và cho in ấn phát cho đại biểu tại cuộc họp.

Phạm Ngọc Lan