CLB khối đào tạo GV nghệ thuật tổ chức hội thảo về "Di sản nghệ thuật Việt Nam"

13/04/2024 06:23
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản nghệ thuật Việt Nam: bảo tồn và phát huy”.

Ngày 12/4, tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản nghệ thuật Việt Nam: bảo tồn và phát huy”.

Tham dự hội thảo về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Ông Phạm Ngọc Lan, Uỷ viên Thường vụ, Trưởng ban Công tác hội viên.

Về phía Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh – Hiệu trưởng cùng Ban Giám hiệu, đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng.

Về phía Câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng – Chủ nhiệm câu lạc bộ cùng các thầy cô là lãnh đạo các cơ sở đào tạo thuộc câu lạc bộ.

Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia của trên 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành liên quan và là các nhà khoa học, giảng viên thuộc các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu trong cả nước.

1.JPG
Quang cảnh diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản nghệ thuật Việt Nam: bảo tồn và phát huy”

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Đăng Phượng – Chủ nhiệm câu lạc bộ khối đào tạo giáo viên nghệ thuật cho hay, bảo tồn di sản nghệ thuật Việt Nam luôn là yếu tố cần thiết và quan trọng, chính là giữ gìn nét văn hoá truyền thống của người Việt thông qua âm nhạc dân gian và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác.

“Tôi hi vọng các ý kiến của hội thảo sẽ tập trung vào các khuynh hướng tiếp cận, lý thuyết mới về di sản nghệ thuật Việt Nam; Giá trị di sản nghệ thuật Việt Nam (bao gồm di sản vật thể và phi vật thể) đối với sự phát triển bền vững văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội; Và giải pháp bảo tồn, phát huy tài nguyên di sản nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh giáo dục - đào tạo nghệ thuật hiện nay”, thầy Phượng kỳ vọng.

Phát biểu mở đầu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng cho hay: Trong suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc một nền văn hóa nghệ thuật thống nhất trong đa dạng và giàu bản sắc dân tộc. Thành quả sáng tạo, giữ gìn, trao truyền của cha ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng di sản nghệ thuật vật thể và phi vật thể đồ sộ và phong phú. Nhiều loại hình nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản nghệ thuật đại diện của nhân loại, thể hiện sự trân trọng của quốc tế đối với các loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam.

3.JPG
Thầy Võ Văn Minh khẳng định “ Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản nghệ thuật Việt Nam: Bảo tồn và phát huy” được tổ chức lần này càng có ý nghĩa rất lớn”

Thế hệ hôm nay, chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và tiếp tục phát huy. Để làm được việc đó, giáo dục nghệ thuật nói chung và đào tạo giáo dục nghệ thuật nói riêng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, giáo dục nghệ thuật càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết, góp phần kết nối tri thức và lan tỏa các giá trị tốt đẹp”.

Thầy Võ Văn Minh khẳng định “ Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản nghệ thuật Việt Nam: Bảo tồn và phát huy” được tổ chức lần này càng có ý nghĩa rất lớn”.

Khoa giáo dục nghệ thuật là 1 trong 13 khoa đào tạo của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng là 1 trong 6 trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng và được Đại học Đà Nẵng phân công đào tạo 3 lĩnh vực quan trọng đó là đào tạo giáo viên, đào tạo Khoa học tự nhiên – Công nghệ và đào tạo Khoa học xã hội – Nhân văn.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Minh

Ban tổ chức hội thảo thông tin đã nhận được gần 100 bài của hơn 200 tác giả là các nhà khoa học đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trực thuộc Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, Viện, Trung tâm nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc. Ban tổ chức chọn được hơn 80 bài báo đăng trong Kỉ yếu của Hội thảo.

- Hội thảo được tổ chức với hai phiên:

Phiên toàn thể: có 03 báo cáo được chọn trình bày

+ Báo cáo 1: Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hoa văn trang trí trên trang phục của người Mông, tỉnh Lào Cai trong bối cảnh công nghệ số của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

+ Báo cáo 2: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Hát Bả trạo của cư dân vùng biển Mân Thái, Thành phố Đà Nẵng của Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Quyên, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.

+ Báo cáo 3: Di sản nghệ thuật kiến trúc chùa Sleng tại tỉnh Trà Vinh, Việt Nam - Bảo tồn và tái tạo trong phát triển bền vững của KTS. Phạm Ngọc Thiên Ân, Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế kiến trúc xây dựng không gian hoàn hảo.

Phiên tiểu ban: có 03 tiểu ban với 3 nội dung chính Di sản nghệ thuật phi vật thể Việt Nam; Di sản nghệ thuật vật thể Việt Nam; Bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Việt Nam hiện nay.

2.jpg
Tham luận Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hoa văn trang trí trên trang phục của người Mông, tỉnh Lào Cai trong bối cảnh công nghệ số của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hoa văn trang trí trên trang phục của người Mông, tỉnh Lào Cai trong bối cảnh công nghệ số của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Bên lề hội thảo còn diễn ra hoạt động ý nghĩa: Công diễn các tác phẩm đạt giải trong Cuộc thi sáng tác của Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo nghệ thuật; Trao kỷ niệm chương cho các thành viên Cau lạc bộ; Trao quyết định kiện toàn thành viên cho Câu lạc bộ và trao giải Cuộc thi Sáng tác ca khúc và logo về Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo nghệ thuật.

Từ khi thành lập vào năm 2019 cho đến nay, Câu lạc bộ Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức được 5 hội thảo, trong đó:

- Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã đăng cai 02 hội thảo gồm: 01 hội thảo trực tiếp ngày 29/10/2019 với chủ đề “Bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới”; 01 hội thảo trực tuyến ngày 02/11/2021 với chủ để “Chuyển đổi số trong giáo dục nghệ thuật”.

- Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đăng cai 01 hội thảo trực tiếp tại cơ sở 2 thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/5/2022 với chủ đề “Đào tạo văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phục hồi sau đại dịch covid-19”.

- Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế đăng cai 01 hội thảo trực tiếp ngày 6/10/2022 với chủ đề “Đào tạo nghệ thuật trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay”.

- Trường Đại học Thủ Dầu Một đăng cai 01 hội thảo trực tiếp ngày 11/5/2023 với chủ đề “Nguồn lực đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh tự chủ”.

Và hội thảo Khoa học Quốc gia tại Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng với chủ đề “Di sản nghệ thuật Việt Nam: Bảo tồn và phát huy”

Có thể nói, các chủ đề hội thảo Câu lạc bộ lựa chọn đều mang tính cấp thiết, quan trọng phục vụ hiệu quả công tác đào tạo, giáo dục lĩnh vực văn hoá nghệ thuật nói chung.

Linh Hương