Hệ thống giáo dục và đào tạo ở Việt Nam đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau và hoàn thành sứ mệnh tương ứng với từng giai đoạn.
Quá trình học tập của một con người mang tính nối tiếp và liên tục, cụ thể là trải qua trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, rồi sau đại học nếu chủ thể học tập muốn hoàn thiện hơn nữa, tất nhiên là phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi cá nhân.
Để hệ thống giáo dục và đào tạo của chúng ta đáp ứng được những yêu cầu trong thời đại mới – thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các hệ thống thành phần hay bộ phận cấu thành của nó phải đổi mới, trong đó có hệ thống giáo dục đại học.
Đã có nhiều bài viết về đổi mới hệ thống giáo dục đại học, được đăng tải trên nhiều tờ báo hay tạp chí khác nhau ở Việt Nam, trong đó có Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi đến và cộng tác với Giáo dục Việt Nam trong một bối cảnh đặc biệt, dù trước đó đã thường xuyên đọc các bài viết về giáo dục trên Tạp chí.
Tiến sĩ Phạm Long (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Bối cảnh đặc biệt ở chỗ Việt Nam đang đẩy mạnh tự chủ giáo dục đại học để tạo điều kiện cho các trường đại học hội nhập ở khu vực và thế giới, hướng tới đào tạo ra nguồn lực có chất lượng cao, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Với vị thế là người đang trực tiếp công tác tại một trường đại học của Mỹ, những trải nghiệm, tương tác hàng ngày trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ cho trường, tôi có thể chia sẻ các bài học và đóng góp một phần nào đó cho việc thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam.
Nhân tố thôi thúc hơn nữa sự cộng tác của tôi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đó là lãnh đạo và tập thể cán bộ, phóng viên của Tạp chí về mặt tư tưởng luôn hướng tới có được những bài viết chuyên sâu, mang tính thực tiễn, đi thẳng vào các vấn đề tồn tại, và định hướng các giải pháp. Đó là điều làm nên sự khác biệt giữa Giáo dục Việt Nam và nhiều tờ báo, tạp chí khác.
Hơn nữa, trong số độc giả của Tạp chí, có rất nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều người làm trong các cơ quan quản lý giáo dục, hay lãnh đạo của các trường đại học, do đó kênh thông tin dẫn truyền từ Tạp chí mang tính trực tiếp, đến thẳng các “địa chỉ”, ở đó việc tham khảo thông tin phục vụ cho quá trình xây dựng luật hay các quy định điều tiết trở nên hiệu quả hơn.
Có thể nói rằng tự chủ hóa giáo dục đại học là một quá trình gian nan phức tạp. Sự gian nan phức tạp thể hiện ở chỗ ngay bản thân khái niệm “tự chủ” đã có nhiều cách hiểu khác nhau, và đương nhiên việc triển khai nó cũng không phải là trên một con đường bằng phẳng.
Tuy nhiên, với tinh thần khuyến khích và đi thẳng vào vấn đề của tập thể lãnh đạo và cán bộ, phóng viên, thời gian qua đã có nhiều bài viết của các tác giả, thẳng thắn phân tích các khía cạnh khác nhau về tự chủ giáo dục đại học.
Dựa trên tinh thần và triết lý khai phóng của Tạp chí, tôi đã có một series bài viết đề cập đến quá trình hướng tới tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam.
(Ảnh minh họa: UEd Media) |
Ý tưởng trong các bài viết đã đăng của tôi nôm na có thể được hiểu là tự chủ giáo dục đại học đó là việc các trường đại học được trao quyền để làm những việc mà pháp luật cho phép một cách hiệu quả nhất, với đích hướng tới là tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội.
Ở đây chưa bàn đến hình thức sở hữu của trường đại học và cách thức tổ chức hội đồng trường, tạm nói đến quyền trước thì các quyền đó là gì để giúp cho các trường đại học ở Việt Nam phát triển thực sự và hội nhập vào nền giáo dục đại học của khu vực và thế giới?
Thứ nhất là quyền được xây dựng chiến lược phát triển của trường. Theo quan sát và ghi nhận của tôi, có thể nói rằng hiện nay các trường đại học ở Việt Nam chưa thực sự xây dựng và có được một chiến lược phát triển riêng của mình.
Nó có thể xuất phát từ tâm lý bị động và phụ thuộc vào cơ quan chủ quản của trường. Nếu vào website của các trường đại học thì hầu như thấy mục sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, v.v… đều na ná giống nhau.
Trường đại học nào cũng định hướng trở thành trường đại học nghiên cứu. Thực ra đâu phải cứ là trường đại học nghiên cứu mới là tốt.
Mỗi trường đại học phải có sứ mệnh riêng với phân khúc hoạt động hay sinh viên riêng của mình, và chỉ cần hoàn thành tốt sứ mệnh của mình là sáng tạo ra giá trị cho xã hội rồi.
Tự chủ giáo dục đại học tức là phải trao quyền cho trường đại học để trường đại học định hình được các chủ thể cấu thành và từ đó mới có thể hoạch định xây dựng chiến lược riêng cho trường.
Chừng nào chưa có tự chủ giáo dục đại học thì không hy vọng trường có được một chiến lược đích thực, mà chỉ là các bản sao na ná giống nhau mà thôi.
Ảnh minh họa: UEd Media |
Thứ hai là quyền được xây dựng các chương trình đào tạo và giảng dạy. Thực tế cho thấy có nhiều chương trình đào tạo của các trường đại học đã trở nên lạc hậu, không bắt nhịp được với những chuyển biến của xã hội, nhưng vì bản thân trường chưa có nguồn lực và chưa thấy tín hiệu của cơ quan chủ quản cho phép, hay nếu cho phép thì phải trải qua các thủ tục hành chính rườm rà, thậm chí các giảng viên không nhiệt tình tham gia đổi mới vì họ không nhìn thấy lợi ích được tạo ra từ quá trình này, nên sự lạc hậu cứ thế tồn tại qua năm tháng.
Chừng nào chưa có tự chủ giáo dục đại học, chừng đó không thể huy động được nguồn lực tài chính và phi tài chính để hiện đại hóa kiến thức cho chính các giảng viên – những người trực tiếp giảng dạy, hệ quả là sinh viên ra trường không đáp ứng được những đòi hỏi công việc.
Thứ ba là quyền được tuyển dụng. Có nhiều nhân tố đóng góp vào sự thành công của một tổ chức, nhưng phải khẳng định rằng nhân tố con người luôn là quan trọng nhất.
Vì trường đại học không được tự chủ, nên không huy động được các nguồn lực cho sự phát triển, không xây dựng được các chương trình đào tạo và giảng dạy tiên tiến, cơ chế lương thưởng cứng nhắc và phụ thuộc vào cơ quan chủ quản, nên khó tuyển chọn được giảng viên giỏi.
Tự chủ giáo dục đại học được kỳ vọng cho phép trường được quyền tuyển dụng giảng viên theo tín hiệu thị trường, bao gồm lương thưởng.
Trường có quyền xây dựng chiến lược, hoạt động tốt, có nhiều sinh viên đến học, duy trì các hoạt động nghiên cứu và tư vấn, mang lại nguồn thu đáng kể, là cơ sở cho việc trả lương cao cho giảng viên.
Khi thu nhập đảm bảo duy trì cuộc sống thì tất yếu giảng viên sẽ hăng say công tác, cống hiến, thỏa mãn, và trung thành với trường.
Tất nhiên lương thưởng phải trực tiếp gắn với trách nhiệm để đảm bảo làm việc hiệu quả và duy trì sự phát triển bền vững của trường.
Thứ tư là quyền được tổ chức và bổ nhiệm các chức danh học hàm – giáo sư và phó giáo sư. Mỗi trường có sứ mệnh, tầm nhìn, và các giá trị cốt lõi khác nhau, nên không thể áp dụng chung một chuẩn mực cho việc phong học hàm giống nhau.
Hơn nữa, xét về mặt bản chất thì học hàm giáo sư và phó giáo sư là gắn với nghề giảng viên, phải coi nó là một sự “đương nhiên”, nếu người giảng viên công tác và cống hiến lâu dài cho trường, không nên coi là một “đặc ân”, vì nếu xem là “đặc ân” thì dễ dẫn đến việc ban phát, mà đã ban phát thì sẽ có tiêu cực và làm mất ý nghĩa thanh cao của học hàm đi.
Các trường đại học nên có quyền cấu trúc, tái cấu trúc, và tổ chức thực hiện các hoạt động của mình, trong đó có việc bổ nhiệm chức danh học hàm.
Thứ năm là quyền được cấu trúc hay tái cấu trúc cơ cấu tổ chức của trường đại học. Với cách thức tổ chức hiện nay thì thật là lãng phí nguồn lực con người và nguồn lực tài chính cho xã hội.
Ví dụ, có rất nhiều phòng ban với chức năng trùng lắp hay chồng chéo nhau, thậm chí có những phòng ban không đóng góp gì, trực tiếp hay gián tiếp, cho sự phát triển của trường, mà vẫn tồn tại.
Một số phòng ban có nhiều giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ, nhưng thực tế công việc thì không cần phải có họ, vì cử nhân cũng có thể làm tốt.
Những giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ này nên cho về các khoa để giảng dạy thì sẽ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho trường hơn.
Cơ cấu tổ chức “phân tầng” không hiệu quả về mặt tài chính và cũng không phát huy được sự mau lẹ trong ra quyết định.
Việc cấu trúc hay tái cấu trúc hoạt động nên hướng tới các hiệu phó trực tiếp điều hành các phòng ban được phân công phụ trách, còn trong các phòng ban, người đứng đầu và cấp phó không nhất thiết phải là giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ, mà thậm chí chỉ cần cử nhân, vì người ra quyết định là các hiệu phó, còn các phòng ban chỉ là tham mưu, giúp việc hàng ngày.
Cấu trúc hay tái cấu trúc sẽ giúp các hoạt động trở nên hiệu quả hơn, các quyết định được ra mau lẹ hơn, gắn trách nhiệm hơn, và tiết kiệm đáng kể các nguồn lực tài chính và con người cho trường đại học.
Thứ sáu là quyền được tiếp cận những tài liệu sách báo chuyên ngành hiện đại và cập nhật thường xuyên.
Chính vì còn phụ thuộc vào cơ quan chủ quản và tâm lý e dè, hay các thủ tục hành chính, nên đa số các tài liệu phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên là lạc hậu, đây cũng là nguyên nhân góp phần vào sự lạc hậu của các chương trình đào tạo như đề cập ở trên.
Mọi thứ cứ theo quán tính truyền thống, trong khi hiện thực xã hội thì thay đổi liên tục, và do đó các tài liệu được sử dụng cho việc giảng dạy không bắt nhịp được với thực tiễn.
Vì là quán tính truyền thống và vì không mạnh dạn đổi mới hay thay đổi, nên đa số các trường đại học vẫn duy trì viết giáo trình, hơn nữa viết giáo trình là một trong những thành phần quan trọng được xem xét trong việc phong học hàm giáo sư và phó giáo sư.
Câu hỏi đặt ra là liệu các giáo trình hay sách tham khảo đó có hàm lượng khoa học thật sự cho việc phong học hàm giáo sư và phó giáo sư hay không?
Thật khó có thể kết luận, nhưng nếu nhìn qua các trường đại học thuộc khối kinh tế và quản trị kinh doanh, thì có vẻ như các giáo trình hay tài liệu chủ yếu được dịch và biên dịch, thậm chí còn dịch và biên dịch không hết.
Ảnh minh họa: UEd Media |
Trừ một số ngành hay môn học đặc thù thì cần viết giáo trình hay tài liệu tham khảo, còn các ngành khác nên trực tiếp dùng tài liệu hiện đại của nước ngoài cho giảng dạy và nghiên cứu.
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sớm hay muộn thì các trường đại học ở Việt Nam phải trở thành các đối tác chiến lược của các Nhà xuất bản uy tín trên thế giới.
Hiện nay, các Nhà xuất bản uy tín đang phát triển hướng tới trở thành chủ thể như một trường đại học, với đầy đủ các sách, tài liệu tham khảo và hệ thống giảng dạy trực tuyến.
Các trường đại học ở Việt Nam phải trở thành đối tác chiến lược của họ để tạo điều kiện cho các giảng viên và sinh viên của trường có điều kiện truy cập và sử dụng kho kiến thức của Nhà xuất bản.
Tự chủ giáo dục đại học cho phép trường đại học ở Việt Nam huy động nhiều nguồn lực tài chính để duy trì mối quan hệ chiến lược với Nhà xuất bản và tiến tới bỏ viết những giáo trình mang tính dịch và biên dịch đi.
Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng tham gia một tiết thực hành.. |
Thứ bảy, là quyền được thúc đẩy hay tạo ra áp lực đổi mới đối với các ngành khác. Khi tự chủ giáo dục đại học trao quyền cho các trường đại học, các trường sẽ phải chủ động xây dựng chiến lược, cấu trúc hay tái cấu trúc tổ chức và hoạt động của trường, để có thể huy động các nguồn lực tài chính và phi tài chính phục vụ cho sự phát triển, hiện đại hóa, và hội nhập vào nền giáo dục đại học khu vực và thế giới.
Nhân tố thành công quan trọng nhất là con người, mà cụ thể là các giảng viên giỏi, để có được các giảng viên giỏi thì phải có nguồn lực tài chính, tức là phải trả lương xứng đáng cho họ.
Khi chưa có tự chủ giáo dục đại học, lương thưởng mang tính tuyến tính, lúc bắt đầu đi làm là bao nhiêu, qua năm tháng, thì là bao nhiêu.
Nếu đã tự chủ, cần dỡ bỏ các thang bậc lương tuyến tính, tất cả phải theo tín hiệu của thị trường, khi đã theo tín hiệu của thị trường, thì lương tuyển giảng viên mới có thể cao hơn so với lương của các giảng viên hiện tại, và hãy xem đó là một câu chuyện bình thường.
Với tinh thần như vậy, các trường đại học phải duy trì mức lương tốt để các giảng viên yên tâm công tác, đồng thời phải hướng tới ngay cả khi họ nghỉ hưu thì lương hưu của họ cũng không khác biệt so với khi đi làm.
Muốn vậy, các trường đại học phải lên tiếng, phải tạo áp lực đổi mới cho các ngành khác tham gia vào quá trình này.
Cụ thể, phải cùng với ngành ngân hàng, bảo hiểm, và đầu tư tham gia vào quá trình tạo ra nhiều sản phẩm tài chính phục vụ cho các trường đại học và giảng viên.
Ví dụ, trong quá trình công tác, mỗi năm trường đại học và giảng viên đóng góp vào các sản phẩm đầu tư/tài chính phục vụ cho hưu trí là bao nhiêu, đề đến độ tuổi nghỉ hưu, thu nhập của các giảng viên không khác biệt so với thu nhập khi còn đi làm, đảm bảo một cuộc sống tốt cho giảng viên, nhất định họ sẽ yên tâm công tác và cống hiến hơn.
Nói tóm lại với tinh thần và triết lý khai phóng của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đã có nhiều tác giả viết bài về tự chủ giáo dục đại học ở Việt Nam, trong đó có tôi.
Khái niệm tự chủ giáo dục đại học như đã phân tích là một khái niệm còn gây tranh luận, tuy nhiên tôi đã đi thẳng vào những vấn đề nổi bật mà nếu tự chủ giáo dục đại học được triển khai thì các trường đại học cần phải làm những gì.
Về mặt cơ bản, các trường đại học phải có quyền xây dựng chiến lược riêng dựa trên sức mạnh của các chủ thể cấu thành trường, cách thức tổ chức hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và dịch vụ; quyền huy động các nguồn lực tài chính và phi tài chính; quyền cấu trúc hay tái cấu trúc các hoạt động, bao gồm tổ chức xét học hàm giáo sư và phó giáo sư; quyền xây dựng hệ thống quản lý tinh gọn; quyền tuyển dụng và trả lương theo tín hiệu thị trường; quyền xây dựng các chương trình giảng dạy và đào tạo; quyền tuyển sinh; quyền thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược; và chủ động tham gia và tạo áp lực đổi mới cho các ngành, ví dụ ngân hàng, bảo hiểm, và đầu tư để tạo ra nhiều sản phẩm tài chính hướng tới cuộc sống hưu trí ổn định của giảng viên.
Tất nhiên khi có tự chủ, không phải trường đại học nào cũng thành công, mà có trường phát triển hơn, có trường không thể tự đứng trên đôi chân của mình, lúc đó việc sắp xếp lại, sáp nhập, hay giải thể là những lựa chọn tiềm năng.
Các trường đại học được trao quyền không phải muốn làm gì thì làm, mà phải đáp ứng được các quy định điều tiết và luật.
Khi các điều kiện được đáp ứng, hãy để các trường đại học phát triển dựa trên khả năng thực có của mình.
Các bộ và cơ quan chủ quản chỉ nên đảm nhận chức năng điều tiết và giám sát dựa trên việc xây dựng, ban hành, và triển khai các luật liên quan.
Với những đóng góp trên của tôi qua các bài báo được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có rất nhiều chuyên gia đồng tình và trao đổi thêm xung quanh việc làm gì để tự chủ đại học ở Việt Nam thành công.
Tôi đánh giá cao vai trò của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Có thể nói rằng Giáo dục Việt Nam đã là cầu nối giữa các nhà khoa học/chuyên gia tâm huyết với tự chủ giáo dục đại học và các nhà quản lý giáo dục đại học.
Sự tương tác sẽ giúp xây dựng lộ trình, quy định và luật điều tiết liên quan được hoàn thiện hơn.
Với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, và toàn bộ hệ thống chính trị, nhất định việc triển khai tự chủ giáo dục đại học chỉ còn là vấn đề thời gian, và chúng ta có quyền hy vọng vào một hệ thống giáo dục đại học ngày càng hoàn thiện, hiện đại hơn, đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội, chủ động hội nhập vào nền giáo dục đại học của khu vực và thế giới.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân Tiến sĩ Phạm Long, Giảng viên Đại học Louisiana, Mỹ
Do dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, kế hoạch lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam dự kiến tổ chức ngày 18/5 tạm hoãn và sẽ được tổ chức vào một thời điểm thích hợp. Ban Biên tập trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Tòa soạn qua các thời kỳ, đồng thời Tòa soạn cũng xin được bày tỏ niềm tri ân đặc biệt với tình cảm yêu mến, ủng hộ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các cộng tác viên và bạn đọc gần xa. Giáo dục Việt Nam mong muốn luôn nhận được sự quan tâm, góp ý để chúng tôi phục vụ độc giả ngày một tốt hơn. Trân trọng!