Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sai phải bị xử lý

06/11/2018 10:03
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đại biểu nhấn mạnh cần quy định trong Luật Giáo dục Đại học chế tài xử lý với tổ chức kiểm định cho ra kết quả không đúng.

Sáng 6/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Theo thống kê đầu giờ, đã có 45 đại biểu đăng ký thảo luận về dự thảo Luật.

Trước khi tiến hành thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày cáo thẩm tra của Ủy ban về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Về ý kiến đại biểu đề nghị quy định toàn diện các nội dung, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học của của từng cơ sở giáo dục đại học, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ.

Dự thảo cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở đại học khi thực hiện tự chủ.

Dự thảo Luật quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.

Về hội đồng trường, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển một số thẩm quyền trước đây do cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng quyết định sang cơ chế Hội đồng trường quyết định; chuyển từ chế độ Thủ trưởng sang chế độ quyết nghị của tập thể, theo đó, thực hiện quyền tự chủ thuộc về Hội đồng trường.

Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý nhà trường theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều này phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học trên thế giới.

Tuy vậy, báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thực tế tổ chức, quản lý của các trường đại học Việt Nam hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm hài hòa mối quan hệ quản trị của Hội đồng trường với vai trò thực thi, điều hành của Hiệu trưởng linh hoạt, hiệu quả.

Báo cáo thẩm tra nhận định, dự thảo Luật bổ sung quy định về hệ thống bảo đảm chất lượng; trách nhiệm ban hành hệ thống các chuẩn về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đại học; trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng hệ thống và kế hoạch thực hiện bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường; bổ sung, chỉnh lý các quy định theo hướng nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức kiểm định chất lượng cũng như việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng. 

Liên quan đến vấn đề kiểm định, xếp hạng chất lượng các cơ sở giáo dục đại học, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương – đoàn Ninh Thuận cho rằng, việc quy định nếu các cơ sở đại học không thực hiện cam kết đảm bảo chất lượng hoạt động thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật là cần thiết.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương. Ảnh: Quochoi.vn

“Tuy nhiên, quy định pháp luật để đảm bảo việc quản lý, trách nhiệm nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo minh bạch được quy định giao cho Chính phủ nhưng dự thảo chưa giao cho Chính phủ quy định chế tài xử lý.

Tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung này.

Cần quy định rõ ràng công khai chế tài xử lý để tránh tạo kẻ hở pháp luật cho tiêu cực trong việc xử lý các vi phạm.

Việc này cũng là điều kiện cho người học, xã hội giám sát, đề nghị xử lý trách nhiệm nếu không đảm bảo chất lượng của các cơ sở đại học”, đại biểu Hương nói.

Về hoạt động kiểm định chất lượng, tại khoản 1 Điều 52 quy định tổ chức kiểm định chất lượng có tư cách pháp nhân độc lập với cơ quan quản lý của Nhà nước và cơ sở giáo dục đại học, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương băn khoăn về quy định này.

“Dự thảo chưa quy định chặt chẽ cơ chế thực hiện, trách nhiệm quản lý nhà nước để kiểm soát chất lượng kết quả kiểm định giáo dục với các tổ chức kiểm định.

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sai phải bị xử lý ảnh 3Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học

Chúng ta chưa quy định minh bạch về cơ chế chịu trách nhiệm trước pháp luật và chế tài xử lý đối với các tổ chức kiểm định chất lượng cho ra kết quả kiểm định không đúng.

Tôi đề nghị cần quy định chế tài xử lý để tạo sự cạnh tranh lành mạnh đối với các tổ chức kiểm định chất lượng”, đại biểu Hương nêu quan điểm

Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu Lê Quang Trí – đoàn Tiền Giang nhấn mạnh, việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo là cần thiết.

“Để đảm bảo việc xếp hạng khách quan minh bạch, tôi đề nghị bổ sung tiêu chí, tiêu chuẩn của tổ chức xếp hạng.

Vì nếu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến các trường được xếp hạng và ảnh hưởng đến việc lựa chọn trường của học sinh”, đại biểu Trí nêu.

Đỗ Thơm