Tổ chức kỳ thi riêng: Làm sao các bộ đề, cấu trúc đề đảm bảo tính phân loại?

23/12/2022 06:58
Trà My
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Thiếu hụt nhân lực các ngành sức khỏe không nằm ở việc đặt hàng đào tạo mà ở cơ chế chính sách thu hút, sử dụng, phát triển nhân tài.

Đề xuất tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng cho khối ngành sức khỏe đang nhận được sự quan tâm, góp ý của nhiều lãnh đạo, y bác sĩ tại các trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe trên cả nước.

Bàn về vấn đề trên với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) cho rằng, việc tuyển sinh đại học, trong đó có tuyển sinh của các trường có đào tạo khối ngành sức khoẻ nên được tổ chức theo các hình thức tuyển sinh riêng biệt so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) (Ảnh: NVCC).

Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến, nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An) (Ảnh: NVCC).

Bởi theo thầy Luyến, vấn đề mấu chốt của các trường đào tạo khối ngành sức khoẻ là tuyển chọn được đúng thí sinh đáp ứng năng lực đầu vào là thiết lập đúng các tổ hợp môn, tổ hợp các tiêu chí để xét tuyển và có thể kết hợp thêm các tiêu chí đặc thù ngành cho phần thi bổ sung.

Bên cạnh đó, thầy Luyến cũng cho rằng, nếu vừa tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như hiện nay vừa có các kỳ thi đánh giá năng lực, lại có thêm kỳ thi riêng cho các trường khối ngành sức khoẻ mà cùng có mục đích chung là xét tuyển đại học thì sẽ làm cho phụ huynh, học sinh phải vất vả, lo lắng do phải chuẩn bị cho nhiều kỳ thi, nhiều phương án tuyển sinh.

Theo đó, để việc tuyển sinh đầu vào cho các trường đại học nói chung và các trường đào tạo khối ngành sức khỏe nói riêng được diễn ra thuận lợi và chọn được đúng nhân lực cho ngành, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến cho rằng, việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào các trường đại học chỉ nên phân chia ra hai loại:

(1) Thi/xét tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh;

(2) Các trung tâm khảo thí thuộc các Đại học Quốc gia tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực để các trường đại học sử dụng kết quả cho việc xét tuyển đại học.

Các Trung tâm khảo thí sẽ phối hợp với các trường đại học để xây dựng ra các bộ đề thi, cấu trúc đề thi đảm bảo tính phân loại, sàng lọc và phù hợp cho từng khối ngành xét tuyển.

Qua đó, các trường đào tạo khối ngành sức khoẻ có thể đặt hàng các Trung tâm khảo thí thiết kế thêm các phần thi bổ sung cho các thí sinh có ý định theo học khối ngành này để đảm bảo tuyển đúng thí sinh có năng lực đầu vào đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo.

Mỗi năm có thể tổ chức định kỳ từ 2 - 3 đợt thi đánh giá năng lực theo mốc thời gian cố định. Kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực nên có giá trị xét tuyển trong vòng 02 năm kể từ ngày thi.

Nếu làm được việc xét tuyển trên thì phụ huynh, học sinh sẽ đỡ áp lực thi cử, có chiến lược học tập, ôn/luyện thi, và lựa chọn đợt thi, trung tâm khảo thí phù hợp để thi.

Việc làm này cũng giúp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung vào quản lý vĩ mô, tránh phải tham gia trực tiếp vào các công việc vi mô thuộc thẩm quyền của các cơ sở đào tạo, các trung tâm khảo thí, đồng thời tránh được việc huy động nguồn lực xã hội lớn tại một thời điểm hàng năm cho công tác tuyển sinh, gây tốn kém và áp lực nặng nề lên toàn xã hội.

Theo Thông tư tuyển sinh năm 2022 (Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT) của Bộ Giáo dục bỏ đi phần đặt hàng đào tạo, dự kiến năm 2023 Bộ sẽ không ban hành quy chế mới mà áp dụng theo như năm 2022. Liên quan về vấn đề này, thầy Luyến cũng cho hay, việc “đặt hàng đào tạo” mang nặng tính bao cấp và cục bộ địa phương.

Bởi theo thầy Luyến, nguồn gốc sâu xa của việc thiếu hụt nhân lực các ngành sức khỏe ở một số địa phương không nằm ở chỗ các địa phương đó không có chiến lược đào tạo nhân tài hay không “đặt hàng đào tạo” nhân lực ngành sức khỏe cho địa phương, mà nằm ở cơ chế chính sách thu hút, sử dụng, phát triển và giữ chân nhân tài.

Cơ chế này phải được xây dựng ở tầm quốc gia sao cho sinh viên các ngành thuộc khối sức khỏe khi tốt nghiệp ra trường có cơ hội việc làm tốt, điều kiện làm việc và cơ chế đãi ngộ công bằng, không phân biệt cơ sở y tế công hay tư, đảm bảo thu nhập cạnh tranh và cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc tốt…

Nếu đảm bảo được tương lai nghề nghiệp tốt đẹp, không bị áp lực phải làm thêm 2 - 3 chỗ, không bị đe doạ tính mạng/thân thể khi hành nghề,… như nhiều quốc gia trên thế giới đã làm được, thì chắc chắn sẽ thu hút được nhiều học sinh giỏi vào các khối ngành sức khỏe.

Bên cạnh đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hiện nay có một thực trạng đáng báo động cho các đơn vị y tế công là đầu vào của ngành sức khỏe yêu cầu cao, chi phí học tập cũng cao nhưng cán bộ, nhân viên khối ngành này cho rằng lương thấp, và bỏ việc nhiều. Về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến cho rằng:

“Riêng trong điều kiện hiện tại, việc nhân viên ngành y bỏ việc có thể hiểu là sự dịch chuyển tự nhiên từ khối các cơ sở y tế công sang tư. Tôi cho rằng, đây là việc hết sức bình thường, nếu không muốn nói là tín hiệu tốt bởi nó cho thấy quy luật cung cầu lao động đang diễn ra một cách sinh động.

Việc này cũng tạo áp lực lên các đơn vị y tế công lập để các cơ sở này phải thay đổi phương thức hoạt động và cơ chế đãi ngộ nhân viên để có thể giữ chân nhân tài và đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Chính sách trong giai đoạn này chính là giao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các đơn vị y tế công để họ có thể cân đối được thu chi, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Việc tái cấu trúc lại hệ thống y tế là điều không thể tránh khỏi, cũng giống như việc tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước mấy chục năm về trước”.

Thầy Luyến cũng mong rằng, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ nên phối hợp với các bộ ngành liên quan và các đơn vị chuyên môn nghiên cứu toàn diện về cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế, thực trạng quản lý điều hành các cơ sở y tế, chính sách đối với các cơ sở này… từ đó có cái nhìn toàn diện, đồng bộ ở tầm vĩ mô cũng như các vấn đề cụ thể, đặc thù của từng địa phương, đơn vị.

Đồng thời, các cơ sở y tế cũng cần tham khảo cơ chế, chính sách quản lý các cơ sở y tế ở các quốc gia có điều kiện tương đồng. Từ đó có thể xây dựng được cơ chế chính sách quản lý phù hợp cho ngành sức khỏe trong điều kiện mới.

Cũng bàn về đề xuất tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học riêng cho khối ngành sức khỏe, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên, Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội nêu ý kiến:

“Tôi đồng ý với đề xuất tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học riêng cho khối ngành sức khỏe. Bởi theo tôi, nhờ việc tổ chức kỳ thi riêng cho các ngành thuộc khối sức khỏe, trường học có thể phân loại, tuyển lựa được chính xác các bạn sinh viên yêu và muốn gắn bó nghề ngay từ đầu, đặc biệt là đảm bảo chọn lọc được các bạn sinh viên xuất sắc nhất, phù hợp với hệ đào tạo của khối ngành mang tính đặc thù và đặc biệt này.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Chính phủ).

Tuy nhiên, các trường đại học thuộc tốp dưới (ví dụ như các trường có các khoa y dược, điều dưỡng mới mở) thì có lẽ sẽ vẫn muốn tuyển sinh qua phương thức xét tuyển hồ sơ để đảm bảo được chỉ tiêu sinh viên vào trường", thầy Liên chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bác sĩ Nguyễn Đình Liên cũng cho rằng, việc tổ chức kỳ thi riêng cho 1 số trường đào tạo khối ngành sức khỏe thuộc tốp đầu nếu giãn cách được đủ thời gian so với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì ít gây xáo trộn tới thí sinh và phụ huynh.

Đối với thực trạng hiện nay là thiếu hụt nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế và tuyển sinh vào một số trường đào tạo khối ngành sức khỏe không đủ chỉ tiêu, thầy Liên mong muốn, các cơ sở giáo dục đại học khối ngành đặc thù này và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cùng nhau nghiên cứu và đưa ra được giải pháp tuyển chọn được đúng nguổn nhân lực phù hợp cho mỗi ngành nghề, đặc biệt là đối với ngành sức khỏe là nghề ảnh hưởng đến tính mạng của con người.

Không những vậy, ngành giáo dục cần phải đưa được biện pháp để làm sao hạn chế được thực trạng trong các trường đại học hiện nay là sinh viên lúc vào thì hứng khởi, lúc học lại cảm thấy bản thân không phù hợp, rồi sau đó lại chuyển trường, hoặc đi làm trái ngành nghề thì sẽ gây lãng phí cả kinh tế, thời gian và công sức của các thầy cô và nhà trường.

Trà My