Tham dự buổi tọa đàm có Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội khóa 13- Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An;
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Đồng thời có sự tham dự của các Chủ tịch hội đồng quản trị, Hiệu trưởng nhiều trường tư thục trên địa bàn Hà Nội.
Ngày 9/7, Giáo dục Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định tựu trường đối với khối phổ thông tư thục".(Ảnh: Thùy Linh) |
Phát biểu mở đầu tọa đàm, nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho hay: Là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trước đây, nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam luôn là diễn đàn được các nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục, cha mẹ học sinh và những ai quan tâm đến giáo dục tham gia chia sẻ ý kiến, đặc biệt là góp ý hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển giáo dục, là cầu nối giữa các nhà hoạch định chính sách với các cơ sở giáo dục.
Tháng 5/2019, Tòa soạn đã tổ chức cuộc hội thảo “Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi” đã giúp các trường tư thục phản ánh thực tiễn hoạt động, đóng góp của giáo dục tư thục cho đất nước cùng tâm tư, nguyện vọng, lo lắng băn khoăn của các nhà đầu tư về một số nội dung liên quan đến Dự thảo Luật Giáo dục.
Chỉ 2 ngày sau cuộc hội thảo này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc làm việc trực tiếp với lãnh đạo các trường tư thục và sửa đổi các nội dung liên quan, bảo vệ quyền sở hữu cũng như quyền điều hành cho các nhà đầu tư, được dư luận đánh giá rất cao.
Qúy đại biểu cùng lãnh đạo một số trường tư thục trên địa bàn Hà Nội tham dự tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh) |
Tuần qua, Tòa soạn nhận được phản ánh từ nhiều quý thầy cô là lãnh đạo các trường tư thục thể hiện sự lo lắng xung quanh thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5/9. Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và sớm nhất ngày 1/9.
Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.
Nhận thấy vai trò, đóng góp của khối các trường tư thục ngày càng lớn trong việc đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của nhân dân, giúp Nhà nước giảm áp lực về ngân sách, biên chế, sĩ số các trường công lập ở đô thị lớn, mỗi một sự thay đổi chính sách đối với khối tư thục có thể tác động, ảnh hưởng tới toàn xã hội, tới mỗi gia đình.
Trước sự băn khoăn lo lắng của các trường tư thục về thông tin Bộ sẽ sửa quy chế nhưng sửa như thế nào?
Có tạo thuận lợi hay sẽ gây khó khăn cho các trường tư thục khi họ phải tự lo toàn bộ, tự chủ và tự chịu trách nhiệm, nhưng lại chịu sự quản lý như các trường công lập do ngân sách đầu tư, Nhà nước bảo đảm?
Đại biểu, lãnh đạo một số trường tư thục trên địa bàn Hà Nội tham dự tọa đàm (Ảnh: Thùy Linh) |
Chính vì vậy, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, Tòa soạn tổ chức cuộc tọa đàm hôm nay để lắng nghe ý kiến lãnh đạo các trường tư thục, các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh về nhu cầu hoạt động hè của học sinh, phụ huynh, nhà trường và quy định tựu trường đối với khối phổ thông tư thục.
Đồng thời tổng hợp các ý kiến, kiến nghị gửi tới lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để Bộ có thêm thông tin thực tiễn phục vụ tốt nhất công tác quản lý nhà nước, giúp giáo dục tư thục nói riêng, giáo dục nói chung ngày càng phát triển lành mạnh.
Nhà báo Nguyễn Tiến Bình thông tin thêm, Tòa soạn đã có thư mời lãnh đạo Bộ và các vụ chuyên môn, tuy nhiên do thời gian này Bộ đang phải tập trung chỉ đạo công tác thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh, có lịch công tác từ trước nên không sắp xếp được thời gian đến dự toạ đàm.
Thông tin về cuộc tọa đàm này đã đến bàn làm việc của Bộ trưởng, đồng chí chỉ đạo sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thầy cô và sẽ có câu trả lời.
Vì vậy, rất mong quý đại biểu, quý thầy cô, quý phụ huynh cùng lên tiếng phân tích các bất cập, kiến nghị giải pháp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, làm sao hành lang pháp lý phát triển giáo dục tư thục ngày một thông thoáng hơn, tránh những rào cản cơ chế không đáng có do không bám sát với thực tiễn.
“Sau cuộc Tọa đàm này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến, kiến nghị của quý vị đại biểu gửi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hữu Độ cùng các vụ chuyên môn của Bộ”, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình khẳng định.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9, các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9.
Đối với các trường tư thục, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13 (về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục) cho phù hợp hơn.