Núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, âm u làm cho bộ óc khéo tưởng tượng đã nghĩ đến những kho báu được chôn giấu đâu đó trong đại ngàn mênh mông. Từ mơ ước kho báu, một số lòng tham đã chuyển sang các hoạt động phạm pháp.
Hơn mười năm trước, CA các tỉnh Đăk Lăk, Lâm Đồng đã khám phá hai vụ án như thế, trong đó có cả trọng án giết người. Khi viết lại loạt bài này, chúng tôi đổi tên các nhân vật, nhưng bản chất vụ án và tiến trình điều tra vẫn giữ nguyên.
Y Đăk cùng đứa con trai nhỏ, người chị và hai đứa cháu vượt rừng lên đến thượng nguồn sông Krông Ma. Trước mặt họ là núi Chư Yang Sin sừng sững. Mặt trời đã đứng bóng, Y Đăk hối mọi người dừng lại, nấu ăn. Người chị đổ gạo từ trong gùi ra một cái xoong nhỏ, đem xuống suối vo gạo.
Y Đăk chẻ một ít củi ngo (lấy từ lõi cây thông rất bén lửa) nhóm lửa. Những sợi khói mong manh, lam nhạt vừa uốn éo trên bếp lửa, Y Đăk quay ra sau tìm thêm củi, thì xuất hiện một nhóm người mặc quần áo kaki, bịt mặt.
XÁC CHẾT Ở THƯỢNG NGUỒN SÔNG KRÔNG MA
Hiện trường nơi xảy ra vụ án nằm trên một đồi thông thuộc xã Hòa Sơn, Krông Bông, Đăk Lăk có dấu hiệu bị xáo trộn nhiều. Một dòng suối từ thượng nguồn sông Krông Ma chảy theo hướng từ Bắc sang Đông của hiện trường, một tử thi nằm úp mặt xuống nước.
Một dây nylon đen cột vào cổ tử thi neo vào một thân cây ngả ra suối. Đó là xác một người đàn ông ngoài 40 tuổi, cao khoảng 1m65, người chắc đậm. Bên ngoài anh ta mặc một bộ kaki màu xám, bên trong là áo thun màu tím.
Trên người có nhiều vết thương, vết rách của quần áo chứng tỏ nạn nhân đã trải qua một cuộc đánh nhau dữ dội trước khi bị hạ sát. Cách tử thi độ hai mét, trên bờ suối có một chiếc đồng hồ hiệu Rado vẫn chạy.
Một thanh niên tên là Trần Quốc Minh, 28 tuổi, ngụ xã Hòa Sơn, cung cấp cho cơ quan điều tra những thông tin quan trọng: “Tôi cùng một người thân tên Dũng thường vào rừng khai thác các loại sản vật của rừng. Chúng tôi có cất một chòi nhỏ bằng bạt nylon tại Khe Trôi nằm ở vùng núi Chư Yang Sin.
Khoảng 14 giờ ngày 3-8-1999, khi chúng tôi quay về trại thì thấy có một mảnh giấy viết bằng ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số nên không hiểu được nội dung. Hai anh em chúng tôi đang thắc mắc thì trước cửa chòi xuất hiện một người đàn ông trông thật dữ dằn.
Ông ta mặc một bộ quần áo đầy máu, tóc bờm xờm và trên trán có những vết thương máu đóng cục. Ông ta xách một cây súng dài, nhìn chúng tôi với ánh mắt cố tỏ ra thân thiện. Ông ta nói đại ý là hồi nãy mình vào chòi, không có ai nên mình ăn hết ba trái chanh của các bạn.
Mình ăn xong nằm nghỉ một lát rồi đi xuống suối. Có một thằng muốn hại mình, mình giết nó rồi cột xác nó ngoài bờ suối. Nó có nhiều đồng bọn, khả năng sẽ quay lại tìm...
"...Chúng tôi (Minh và Dũng) nghe đến đó sợ quá, cho ông ta mấy viên thuốc giảm đau, mời ông ta ăn cơm và cho ông ta hút thuốc, sau đó nói: “Chúng tôi phải đi!”. Ông ta gật đầu. Chúng tôi gom hết đồ đạc chuẩn bị rời trại thì xuất hiện hai người đàn ông bịt mặt, một người cầm súng AR15, một cầm kiếm.
Người đàn ông đang bị thương nằm trong chòi liền chộp súng chồm dậy chĩa vào hai người bịt mặt hét lên: “Chúng nó lại đến đó, chạy đi!”. Nói xong ông ta nã đạn vào hai gã bịt mặt. Hai tên kia sợ quá xách khẩu AR15 chạy biến vào rừng...”.
Cùng thời gian đó, có một tổ công tác gồm dân quân và Công an huyện Krông Bông trên đường thực hiện nhiệm vụ đã gặp một người đàn ông mệt mỏi, rũ rượi từ trong rừng đi ra với một khẩu súng CKC vác trên vai.
Ông ta giao nộp súng cho tổ công tác và kể: “Có đứa muốn giết tôi bằng khẩu súng này. Nó muốn biết bí mật về một kho báu nằm trong núi Chư Yang Sin. Tôi phải chiến đấu tự vệ. Giàng (trời) đã thương cho tôi sức mạnh để quật ngược tình thế. Tôi hạ nó xong, cột xác nó ở trên suối cho nước khỏi trôi. Tôi là Y Đăk, sống ở xã Hòa Sơn...”.
Từ đó, cơ quan điều tra đã nhanh chóng xác định được người chết ở đầu nguồn sông Krông Ma là Y Thuột, SN 1958, ngụ xã Dang Cang, Krông Bông, Đăk Lăk.
NHÓM BỊT MẶT
Một ngày đầu tháng 7-1999, Ê Đam - một thanh niên 26 tuổi, ngụ xã Ea Trul, Krông Bông, Đăk Lăk - có khách đến nhà. Khách là Y Liêng, lớn hơn Ê Đam vài tuổi, quen Ê Đam từ năm trước qua những lần cùng vào rừng khai thác lâm sản. Hôm nay Y Liêng có vẻ phấn chấn, rủ Ê Đam: “Nếu có một cây súng, mình nên vào rừng săn cọp. Bắn được cọp là có nhiều tiền...!”. Ê Đam tỏ ý đồng tình và đến người quen mượn một cây súng CKC. Vài hôm sau Y Liêng quay lại nhà Ê Đam.
Thấy khẩu súng CKC liền nói: “Có súng rồi, nhưng ta không săn cọp nữa mà sẽ săn vàng”. Thằng anh rể của tao là Y Đăk mấy tháng nay cứ lên núi Chư Yang Sin mãi. Khi về nó mang những gùi nặng, phủ kín. Rồi nó giàu lên rất nhanh, nó mua đất ở Buôn Hồ hết 150 triệu đồng, mua máy cày, xe Dream...
Người ta đồn rằng nó gặp được kho báu trong núi Chư Yang Sin. Chỉ cần đi bộ một ngày, vào lấy vàng, sau đó đi một ngày về là tha hồ tiền. Nhưng mà bụng nó xấu, không chịu nói cho người trong nhà biết chỗ kho báu. Có cây súng này, thằng Y Đăk phải mở miệng thôi!”.
Nghe đến vàng thì Ê Đam rất vừa bụng. Cả hai đi rủ thêm Y Bơn (SN 1949, ngụ xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) và Y Thuột... Đầu tháng 8-1999, bộ tứ này họp lại, bàn phương án giành kho tàng của Y Đăk. Tất cả thống nhất phải bịt mặt để nếu việc vỡ lở cũng không ai biết.
Hơn nữa mỗi lần Y Đăk lên núi thường mang theo một khẩu AR15 có nhiều đạn nên phải có phương án mai phục, khống chế bất ngờ để tước súng, sau đó mới tính chuyện bắt Y Đăk chỉ chỗ kho báu. Mờ sáng 2-8-1999, Y Đăk cùng con trai, người chị và hai đứa cháu bắt đầu ra khỏi nhà, nhắm hướng núi Chư Yang Sin tiến thì bộ tứ cũng bí mật bám theo bén gót.
Ê Đam vác theo súng CKC có năm viên đạn. Y Bơn cầm một thanh kiếm và một cuộn dây nylon. Y Thuột thì thủ một cây búa, Y Liêng mang gạo, thực phẩm, rượu... Mỗi tên đội một mũ len trùm kín mặt. Khi qua khỏi các buôn làng, chúng bắt đầu trùm mũ, đi thận trọng từng bước vào rừng. Trông chúng như một nhóm "ninja" vào giờ hành động.
Qua hôm sau vào lúc mặt trời đứng bóng, chúng phát hiện Y Đăk đang nhóm bếp nấu cơm bên một bờ suối. Các ninja ra sau một tảng đá to hội ý. Y Bơn trao cho Y Thuột khẩu CKC và giao nhiệm vụ tấn công. Riêng Y Liêng chưa lâm trận mặt đã tái mét nên cả bọn chửi là “thỏ con chết nhát” và bắt chui vào một hang đá nấu cơm cho cả bọn. Ba tên còn lại mang vũ khí di chuyển nhẹ nhàng như những con báo, từ ba hướng áp sát vào chỗ Y Đăk đang ngồi nhóm lửa.
Còn cách đối thủ cỡ hai mét, Y Thuột chuyển từ tư thế bò đứng dậy, lên đạn “rốp”, chĩa súng vào người Y Đăk hô lớn: “Đứng lại!”. Y Bơn cũng xách kiếm xông vào khống chế và trói quặt hai tay Y Đăk ra sau lưng. Y Bơn, Ê Đam vừa ra đòn cảnh cáo vừa hỏi Y Đăk: “Súng AR15 và đạn mày giấu chỗ nào?”. Y Đăk chỉ vào một hốc cây lớn gần đó. Ê Đam chạy lại thu giữ súng. Tước được vũ khí, nhóm ninja lùa nhóm phụ nữ, trẻ con vào một góc, sau đó treo Y Đăk lên cây vừa đánh vừa nói: “Chúng tao là cán bộ kiểm lâm đây, ai cho phép mày vào phá hoại rừng hả?”. Y Đăk van xin: “Tôi không phá rừng, tôi không có tội, xin các ông tha cho!”.
Một tên "ninja" hét lên:
- Nãy giờ tụi tao thử mày đó. Thực ra tụi tao là băng du đãng ở Buôn Hồ đây. Tụi tao biết nhà mày có rất nhiều vàng. Mày mua đất, mua máy cày, Honda, vợ con mày ăn ngon mặc đẹp, chúng tao đều biết. Mỗi tháng mày lên núi Chư Yang Sin lấy vàng mấy lần chúng tao cũng biết. Bây giờ khôn hồn thì khai ra chỗ giấu kho báu đi!
Y Đăk cãi lại:
- Các ông đừng nghe dư luận lung tung. Tôi làm gì có vàng, làm gì có kho báu...
Y Đăk nói chưa hết câu đã bị đánh nhừ tử:
- Vàng ở đâu, nói mau!
Y Đăk bị gí gươm vào cổ, đau đớn khắp mình mẩy, thều thào trong tiếng rên:
- Cách đây hơn một cây số, có bốn người của tôi đang khai thác ở đó, các ông đừng giết họ thì tôi mới chỉ!
Nhóm "ninja" cười khoái trá. Chúng cử hai tên ở lại giữ đám con nít, phụ nữ, hai tên áp giải Y Đăk lội ngược theo suối Krông Ma. Một "ninja" tháo đôi tất đi dưới chân nhét vào miệng Y Đăk. Y Đăk nhớ gần đây có chòi của những người khai thác rừng nên cố đi về hướng đó, mong gặp người giải cứu.
Đến xế chiều thì Y Đăk dẫn các "ninja" đến một khối đá lớn. Bên dưới là dòng suối chảy xiết và có một vũng xoáy rộng cỡ vài chục mét vuông. Miệng bị nhét đôi tất nên Y Đăk ú ớ ra hiệu vàng nằm dưới vũng xoáy. Các "ninja" trói tù nhân của mình vào một gốc cây và nằm lăn ra tảng đá nghỉ ngơi. Cơn mệt giảm dần, cơn đói nổi lên, Y Bơn nói với Y Thuột:
- Mày giữ súng ở đây canh chừng nó, tao về chỗ hai thằng kia kiếm cơm lên ăn!...
DÒNG SUỐI ĐẪM MÁU
Còn lại một mình với tù nhân, Y Thuột nảy ý định hỏi xem vàng ở dưới vũng xoáy là cả khối hay từng cục lẻ. Nếu từng cục lẻ hắn có thể tranh thủ lặn xuống, kiếm trước ít cục giấu đâu đó... Nghĩ vậy nên Y Thuột rút đôi tất trong miệng Y Đăk ra. Y Đăk thở hồng hộc.
Đợi cho tù binh bình tĩnh lại, Y Thuột nhỏ nhẹ ngọt ngào: “Ở dưới đó vàng khối hay từng cục hả mày?”. Y Đăk thều thào: “Khó lắm. Nhưng tôi có kinh nghiệm. Chỉ cần... Ôi chao ôi, ông trói tay tôi chặt quá, đau quá, máu dồn lên đầu, tôi quên mất dùng cách gì rồi!”. Y Thuột hí hửng đến sát bên, nới bớt dây trói cho Y Đăk.
Y Đăk nhăn nhó: “Còn đau lắm, chưa nhớ được. Ông đưa dây trói lên khỏi khuỷu tay giúp đi, rồi tôi chỉ cho cách lấy vàng rất là dễ”.
CUỘC CHIẾN SINH TỬ
...Y Thuột biết chỉ còn một mình, sợ khó khống chế gã này nhưng nếu không chiều ý nó, nó không chỉ cách lấy vàng. Thằng Bơn đi lấy cơm có thể sắp quay về. Cơ hội ngàn vàng coi như đi tong! Nghĩ đến đó Y Thuột thấy tiếc, nhưng hắn sực nhớ trong tay còn khẩu súng và năm viên đạn. À, có thứ này thì còn sợ gì nữa, thằng tù binh lại thuộc loại nhỏ con hơn hắn (Y Đăk chỉ cao 1,5m, Y Thuột cao 1,65m, nặng gần 70 kg).
Nghĩ vậy nên hắn liền để súng trên đùi, cúi lom khom nới thêm dây trói cho Y Đăk. Đây là sai lầm cuối cùng mà một con người ham vàng như hắn có thể làm được. Y Đăk đã chuẩn bị từ trước, sợi dây trói vừa được nới lỏng, Y Đăk dồn tất cả sức mạnh của một người đang cố gắng giữ lại sự sống mong manh, lao vào người Y Thuột.
Y Thuột ngã ra, khẩu súng văng qua một bên, Y Đăk dùng hai tay bóp cổ Y Thuột, dìm y xuống suối. Y Thuột đấm một quả cực mạnh vào mặt Y Đăk, Y Đăk chịu đau, không buông tay. Y Thuột cắn vào mũi Y Đăk rồi rút một chiếc búa giắt dọc theo bắp chân ra chém nhiều nhát vào đầu, mặt đối thủ.
Dù rất đau, máu ra nhiều, nhưng ý chí giành sự sinh tồn trong người Y Đăk vẫn dâng lên rất mãnh liệt nên ông ta cố dìm cho đối thủ uống nước suối. Y Thuột giã biệt cõi đời sau vài cú giãy giụa rồi ngừng hẳn.
Rừng đã tối om nên không ai thấy nước suối Krông Ma đục màu máu. Y Đăk lết lên bờ suối, nằm thở hồng hộc, cơ thể rã rời, đau nhức. Bóng đêm trùm xuống khu rừng, Y Đăk đã hồi sức phần nào, đi xuống suối vốc một ngụm nước uống và rửa mặt cho tỉnh. Trở lại tảng đá, Y Đăk lấy sợi dây thừng nylon hồi nãy các "ninja" đã trói mình để cột xác Y Thuột neo lại giữa dòng chảy của suối.
Sau đó ông lấy súng của Y Thuột đi tìm một hang đá nằm ngủ. Trong hang tối om, ẩm ướt và lạnh. Y Đăk thèm một chút lửa sưởi, thèm lửa đốt một điếu thuốc, nhưng lại sợ ánh lửa có thể làm đám "ninja" quay lại tìm sẽ phát hiện ra mình. Hơn nữa cuộc tử chiến với Y Thuột đã làm rơi mất hết quẹt gas với thuốc. Y Đăk đành co ro chịu lạnh. Cũng may là cơ thể đã kiệt sức, rã rời nên Y Đăk dễ tìm được giấc ngủ giữa rừng rậm đầy đe dọa.
Y Đăk mở mắt ra đã thấy trong hang có ánh sáng mờ mờ. Bò ra cửa hang, ngước mắt lên là mặt trời đã lên khá cao trên các tán cây. Bụng đói cồn cào, lại lo cho chị, con trai và mấy đứa cháu nên Y Đăk xách súng đi tìm. Y Đăk vạch rừng đi, một lát thì gặp căn chòi nằm gần một con suối.
Trong chòi vắng vẻ, chẳng có gì ăn ngoài ba trái chanh, sáu trái ớt. Y Đăk lượm luôn cả ba trái chanh cho vào miệng. Thấy có giấy bút trong chòi, Y Đăk viết một bức thư, đại ý: “Tôi là Y Đăk, trưởng thôn Buôn... Tôi bị một nhóm người xấu bắt trói, bỏ đói, đánh đập, nhưng tôi đã thoát được. Tôi có xin của các bạn ba trái chanh để cầm hơi. Các bạn cũng nên nhanh chóng đi khỏi khu rừng này. Ở đây có bọn người bịt mặt, săn vàng có thể giết các bạn... Ký tên Y Đăk..."
Trở lại với nhóm "ninja". Y Bơn giao Y Thuột ở lại canh giữ Y Đăk xong thì quay lại chỗ đồng bọn lấy cơm.
Cả bọn ăn cơm vội vàng rồi Y Liêng ở lại canh đám tù binh trẻ con, phụ nữ, Y Bơn và Ê Đam xách súng AR15 còn tám viên đạn và mang một gói cơm. Trời đã nhập nhoạng tối, nước suối lên cao không thể vượt qua được, hai tên đành đốt lửa ngủ lại bên bờ suối. Đến sáng, chúng tìm về chỗ cũ thì không thấy tù binh lẫn Y Thuột. Nghĩ mình đã xác định sai vị trí nên hai tên cố gắng đi tìm.
Đến lúc phát hiện ra Y Thuột chỉ còn là cái xác dập dềnh trên dòng suối thì hai tên thật sự hoang mang. Chúng biết chắc trên tay tên tù binh lúc này đã có khẩu CKC với năm viên đạn. Ngoài miệng chẳng tên nào nói ra nhưng ai nấy đều ngấm ngầm lo sợ. Mỗi bước chân đạp lên lá khô rôm rốp, chúng lại thấy lạnh gáy, lại nghĩ ngay đến họng súng của Y Đăk đâu đó đang chĩa vào mình!
Đến xế chiều hai tên đói quá ăn hết phần cơm dự định dành cho Y Thuột và tù binh, sau đó tiếp tục cuộc tìm kiếm. Chúng cũng không biết là đi tìm cái gì: vàng, tên tù binh xổng, hay... đường về? Từ vai trò người đi săn đuổi, chúng cảm thấy như đang bị săn đuổi, chẳng còn nhuệ khí, chẳng còn sự hăng hái, hung dữ như lúc mới lên đường! Ê Đam bỗng kéo tay Y Bơn chỉ:
- Coi kìa, có một cái chòi...
- À! Tao thấy cả hai thằng cột bao sau lưng đang dớn dác như muốn bỏ chạy kìa! Thấy mình có súng, chúng nó sẽ sợ. Nào kéo mũ xuống, trùm mặt lại rồi vào chòi xem có kiếm được thứ gì không?
TAI HỌA TỪ NHỮNG TIN ĐỒN
Cả hai tên lấy lại tính hung hăng, cầm súng, cầm kiếm ào ào tiến vào chòi. Nhưng khi còn cách chòi độ 20 bước chân, chúng không dám tin vào mắt mình nữa. Y Đăk đứng sau mô đá, quần áo, mặt mũi đầy máu đang giương súng, lạnh lùng chĩa vào chúng.
“Đoàng!” - tiếng nổ chát chúa phá tan sự yên tĩnh của rừng. Từ các tán cây, bầy chim hoảng hốt vừa bay vừa kêu inh ỏi. Hai "ninja" hồn vía lên mây, co giò tháo chạy thục mạng. Sau cái vụ đụng đầu kinh khủng đó, chúng sợ đến mức quên luôn chuyện kho tàng, quay về chỗ Y Liêng hối thu dọn xoong nồi, rút chạy. Chúng đi vội vã về hướng cửa rừng, tìm một hốc đá giấu khẩu AR15 tịch thu của Y Đăk vào một hang đá. Chúng đưa tay ra thề với nhau là quên chuyện này, sau đó ai về nhà nấy... rồi lần lượt bị cơ quan điều tra bắt.
Sau quá trình điều tra, Công an tỉnh Đăk Lăk đã làm rõ vụ việc như sau: Y Đăk thường vào núi Chư Yang Sin để bẫy thú và khai thác cây hoa lan đá về bán. Nhờ chí thú làm ăn nên cuộc sống ngày càng đỡ hơn, mua sắm được máy cày, xe máy. Vì thế nhiều người ở gần nhà Y Đăk đồn là Y Đăk phát hiện được kho báu trong núi nên giàu lên. Y Liêng là em rể Y Đăk nửa tin nửa ngờ nên có lần đã hỏi Y Đăk về “kho báu”. Y Đăk vốn vui tính nên chỉ cười, trả lời nửa kín nửa hở như muốn đùa. Y Liêng càng tin là Y Đăk biết bí mật về “kho báu”.
Y Đăk mỗi khi vào rừng sợ thú dữ nên đến gặp người bạn là Đ.T ở chung xã Hòa Sơn mượn khẩu súng AR15. Súng này là do con của T. đi rừng lượm được trong hang núi. T. đem về lau chùi, thấy súng còn tốt nên ra báo cáo với UBND xã và xin được “quản lý” cây súng đó. Thấy Y Đăk có súng, Y Liêng càng nghĩ là người bà con này của mình muốn bảo vệ kho báu.
Vì thế y đã rủ rê bạn bè tham gia vào việc bắt cóc Y Đăk, buộc Y Đăk phải khai ra chỗ kho tàng. Tin lời Y Liêng nên Ê Đam đã gặp người quen đang công tác tại Huyện đội huyện Lăk mượn một khẩu CKC. Sau đó bốn tên bịt mặt, mang vũ khí bám theo Y Đăk vào rừng. Khi bắt được Y Đăk chúng thu súng AR15 rồi trói lại đánh đập. Y Đăk đau quá nhận bừa là có kho tàng và bốn người của mình đang khai thác. Mục đích nhận như vậy để khỏi bị đánh, giết và trên đường đến chỗ “kho báu” sẽ tìm cách trốn.
Cuối năm 2000, Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã tuyên phạt Y Đăk 18 tháng tù về tội giết Y Thuột trong tình trạng phòng vệ chính đáng; 9 tháng tù về tội sử dụng vũ khí trái phép. Tổng cộng hình phạt chung là 27 tháng tù giam. Ê Đam bị tuyên phạt 15 tháng tù giam về tội “bắt giữ người trái pháp luật” và 9 tháng tù về tội sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Y Liêng, Y Bơn cùng chịu án 15 tháng tù về tội “bắt giữ người trái pháp luật”... Một lần nữa, các tin đồn vô căn cứ về “kho báu” đã làm đổ máu giữa những người anh em và gây ra thảm kịch đau lòng.