Tới đây, Hoà Bình bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường cho 5.000 giáo viên, cán bộ

16/06/2023 10:39
Mạnh Đoàn
GDVN- Từ năm 2024-2025, Sở GDĐT Hòa Bình triển khai bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường giai đoạn 1 cho 5000 cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025, Đề án dạy và học tiếng dân tộc Mường giai đoạn 2018 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, từ năm 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường giai đoạn 1 cho 2500 (50 lớp) cán bộ, công chức, viên chức (gồm giảng viên, giáo viên cốt cán dạy tiếng dân tộc Mường; cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Hòa Bình).

Cùng giai đoạn này này, Sở triển khai bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường cho 2500 (50 lớp) giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên (gồm giảng viên, giáo viên cốt cán dạy tiếng dân tộc Mường; giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên).

Ngoài ra, trong thời gian này, Sở dự kiến sẽ tổ chức hội thảo thí điểm đánh giá Tài liệu tiếng Mường cho sinh viên cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình.

Trong năm 2024-2025, 5000 giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Trong năm 2024-2025, 5000 giáo viên, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Trong năm nay (2023) Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng và thẩm định chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trường phổ thông dạy tiếng dân tộc Mường (chương trình bổ sung 450 tiết).

Theo đó, Sở sẽ thành lập 1 Tổ xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường cho các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; 01 Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường cho các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Tiến hành biên soạn và nghiệm thu chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường cho các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường cho các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thời gian thực hiện: quý II, năm 2023.

Tiếp đó, Sở sẽ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc Mường (giai đoạn 2 - 450 tiết) trong quý III, quý IV năm 2023.

Trong quý III, quý IV năm nay, Sở cũng sẽ thẩm định Tài liệu tiếng Mường các khối lớp 4, 5 , 7, 8, 9, 11, 12. Nội dung: thẩm định 07 tài liệu tiếng Mường (01 tài liệu Tiếng Mường lớp 4; 01 tài liệu Tiếng Mường lớp 5; 01 tài liệu Tiếng Mường lớp 7; 01 tài liệu Tiếng Mường lớp 8; 01 tài liệu Tiếng Mường lớp 9; 01 tài liệu Tiếng Mường lớp 11; 01 tài liệu Tiếng Mường lớp 12).

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Sở Giáo dục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị cho Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình để phục vụ triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tiếng Mường.

Mạnh Đoàn