"Tôi không thể cứu anh tôi, nhưng tôi có thể cứu ai đó cần nhóm máu hiếm"

06/05/2025 09:25
Cao Thị Mộng Chấm - Giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, TP.HCM
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tôi không thể cứu anh tôi, nhưng tôi có thể cứu ai đó khác – một người con, một người anh, một em bé đang chiến đấu vì sự sống.

Tôi là con út trong một gia đình có sáu anh chị em. Mẹ mất sớm khi tôi vừa tròn 6 tuổi. Từ đó, tuổi thơ của tôi lớn lên trong sự chở che của ba và các anh chị. Ba tôi là thương binh, từng tham gia kháng chiến, mang trong người nhiều vết thương cả thể xác lẫn tinh thần. Cuộc sống khó khăn, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ, nhưng nhờ tình thương của ba và các anh chị, tôi đã vượt qua tuổi thơ thiếu vắng tình thương của mẹ.

Trong gia đình, người anh thứ tư là người gần gũi với tôi nhất. Anh hiền lành, ít nói, nhưng luôn âm thầm quan tâm, nhường nhịn tôi từng điều nhỏ nhặt. Tình cảm anh em sâu đậm không cần nhiều lời. Tôi lớn lên trong sự yêu thương lặng lẽ ấy mà không hề biết rằng, một ngày mất mát sẽ đến quá đột ngột.

Anh phát bệnh vào một ngày tưởng chừng bình thường như bao ngày khác. Cả nhà hoảng hốt đưa anh đến bệnh viện ở quê. Sau khi thăm khám, bác sĩ bảo rằng anh cần truyền máu gấp – nhưng nhóm máu của anh quá hiếm. Không có máu để truyền. Những lời bác sĩ nói như sét đánh: “Nếu sau này tái phát thì thôi, để ở nhà… vì cũng không có máu hiếm để truyền đâu!”

Gia đình tôi lặng người, chẳng ai biết phải làm sao. Bệnh viện lớn gần nhất là bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng vấn đề về máu hiếm thì cũng không có nơi nào lưu trữ đủ, ngân hàng máu khan hiếm. Và rồi, chỉ sau đó không lâu, anh tôi ra đi mãi mãi.

Ở quê vào thời điểm đó, sự tiếp nhận thông tin chưa phát triển như bây giờ, chúng tôi không biết nhóm máu của anh là gì, chỉ biết rằng nếu có một loại nhóm máu phù hợp, có thể mọi chuyện đã khác.

Hai năm sau ngày anh mất, trong một lần tình cờ đi khám sức khỏe, tôi phát hiện mình mang nhóm máu O Rh-, một trong những nhóm máu hiếm.

Tin như sét ngang tai, tôi thất thần nhớ lại anh tư tôi, hàng loạt câu hỏi tiếc nuối: “Giá như ngày ấy....; Tại sao...?,...” cứ thế chạy quanh quẩn trong đầu tôi.

Rồi như một mảnh ghép định mệnh khác, chị gái thứ ba của tôi cũng xét nghiệm ra mang nhóm máu AB Rh-. Trong gia đình sáu anh chị em, có đến ba người mang nhóm máu hiếm – nhưng không ai biết sớm hơn. Nếu biết… có lẽ anh tôi đã không ra đi quá sớm như thế.

Tôi và chị gái đều mang trong lòng nỗi day dứt không nguôi. Từ đó, tôi bước vào hành trình sống để cho đi. Tôi tham gia Câu lạc bộ Máu hiếm ở Thành phố Hồ Chí Minh, luôn sẵn sàng bất cứ khi nào bệnh viện cần. Đến nay, tôi đã hiến máu 21 lần và 2 lần hiến tiểu cầu – mỗi lần là một sự sẻ chia, một lời hứa âm thầm với người anh đã khuất.

Trong số những lần hiến máu, hiến tiểu cầu, có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi không quên. Đó là vào mùa dịch COVID-19 căng thẳng. Đường phố vắng lặng, các chốt kiểm soát được lập dày đặc.

Hôm đó, tôi nhận được cuộc gọi từ bệnh viện: có một bé gái 9 tuổi mắc bệnh bạch cầu cấp đang cần gấp tiểu cầu nhóm máu O Rh-, và tôi là hy vọng khẩn thiết. Không chần chừ, tôi cầm theo giấy triệu tập hiến máu khẩn và thư giới thiệu của bệnh viện, lên đường.

z6479565148848-8a7b3a0c91f042d2239f58bbccb0a706-9611-2692.jpg
Tác giả Cao Thị Mộng Chấm - Giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, TP.HCM trong một lần đi hiến máu.

Tôi phải trình giấy tờ ở từng trạm – đúng 8 chốt kiểm soát. Có nơi yêu cầu xác minh, có nơi gọi điện kiểm tra lại. Trời nắng gắt, lòng tôi thấp thỏm, chỉ mong đến kịp. Mãi đến khi đặt chân vào bệnh viện, nhìn thấy ánh mắt lo lắng của gia đình em nhỏ đang chờ, tôi thầm nghĩ mình đã đi đúng con đường.

Tôi hiến tiểu cầu cho em, và đây cũng là lần đầu tiên tôi hiến tiểu cầu. Một đứa nhát gan như tôi khi nằm bên cạnh máy lọc máu tôi cũng hơi sợ nhưng nghĩ đến một sinh mệnh phải đấu tranh từng ngày với bệnh tật đang rất cần mình, tôi không còn sợ nữa. Và may mắn thay – ca truyền tiểu cầu diễn ra tốt đẹp.

Sau đó, mẹ của bé đã chủ động giữ liên lạc, bày tỏ sự biết ơn. Chúng tôi từ đó trở thành những người bạn. Đến nay, vẫn thường xuyên hỏi thăm nhau như người thân.

Đó không chỉ là một lần cho đi máu, mà là một lần kết nối những tâm hồn, những trái tim – một cách nhiệm màu.

Tôi không thấy mình làm điều gì lớn lao. Tôi chỉ thấy nhẹ lòng hơn mỗi lần được cho đi. Tôi không thể cứu anh tôi, nhưng tôi có thể cứu ai đó khác – một người con, một người anh, một em bé đang chiến đấu vì sự sống. Mỗi giọt máu cho đi là một lời xin lỗi muộn màng gửi đến anh, là sự tiếp nối cho hành trình sống mà anh chưa kịp đi trọn.

z6490531268945_f5335ba4d85e60e9661228350eb05814.jpg

Sống đẹp với tôi không phải là những điều lớn lao. Đôi khi, nó chỉ đơn giản là dám cho đi – dám biến nỗi đau thành hành động, biến mất mát thành yêu thương. Tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình này, bằng tất cả tấm lòng – vì anh, vì gia đình tôi, và vì những người tôi chưa từng gặp nhưng đang cần tôi.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát động cuộc thi viết "Sống Đẹp - Sống Xanh" với 1 giải Nhất là 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 10 triệu đồng. 2 giải Nhì: mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt. 3 giải Ba, mỗi giải 1 xe máy điện VinFast Motio (kèm pin) và suất học bổng trị giá 2 triệu đồng tiền mặt. Giải đồng hạng: 600 Voucher Sống đẹp - Sống xanh – trị giá 1 triệu đồng/ voucher để mua bất kỳ dòng xe máy điện nào của VinFast (Thời hạn sử dụng voucher: Từ 01/02/2025 - 30/9/2025) dành cho 600 tác giả có bài viết đạt chất lượng do Ban tổ chức xét qua vòng sơ loại.

Đối tượng tham gia cuộc thi viết là công dân, ưu tiên học sinh Việt Nam có tác phẩm phù hợp với nội dung cuộc thi.

Nội dung bài viết hướng tới lan tỏa, chia sẻ những câu chuyện, góc nhìn, tích cực nhằm xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam văn minh, đủ tố chất là công dân toàn cầu, giữ gìn bản sắc Việt Nam; Chia sẻ những câu chuyện, những tấm gương trong việc bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững của trái đất; Đưa các ý kiến, giải pháp, góp ý trong việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam về Sống Đẹp - Sống Xanh, đón chào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Thời gian nhận bài: đến hết ngày 31/05/2025.

Bài viết gửi về hòm thư điện tử: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc songdep@giaoduc.net.vn.

Cao Thị Mộng Chấm - Giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Lộc 2, TP.HCM