Tôi thấy bảo hiểm y tế như “bùa hộ mệnh" của gia đình

16/12/2022 06:42
Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vận động phụ huynh học sinh tham gia BHYT cho con đạt 100% khó chứ không phải dễ, vì học sinh thân yêu, các lãnh đạo cơ sở giáo dục sẽ tìm ra giải pháp.

Trở lại huyện Hương sơn, Hà Tĩnh sau sự việc phụ huynh cầm dao xông vào trường và buộc thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Lâm quỳ xin lỗi trong 6 phút ở sân chào cờ, vẫn còn đó “nốt trầm” buồn khó mà phôi phai trong ngày một ngày hai.

Giờ tôi thấy bảo hiểm y tế như “bùa hộ mệnh” của gia đình

Tôi đã gặp anh Nguyễn Hùng, một phụ huynh học sinh ở Hương Sơn, anh Hùng chia sẻ “Sự việc đáng buồn, không ai muốn cũng đã xảy ra tại Trường Tiểu học Sơn Lâm, ở góc nhìn tích cực đây là bài học không riêng gì cho nhà trường mà cả phụ huynh học sinh chúng tôi.

Nếu thấy không thỏa mãn, có thể lên xã, lên phòng giáo dục … phản ánh, nóng nảy mất khôn, từ đúng thành sai, làm gương xấu cho con trẻ, đây là bài học cho mọi người.

Dù sai đúng thế nào, cũng có pháp luật xử lý, có kênh thông tin phản ánh, mình phải làm gương cho con trẻ, tôn trọng thầy cô, tôn trọng nhà trường.

Ngay sau vụ việc, nhiều cơ quan truyền thông đưa tin, nhưng tôi thấy những bài viết về bảo hiểm y tế trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã giải thích cho chúng tôi rõ hơn về bảo hiểm y tế học sinh.

Nói thật, khi nghe nhà trường tuyên truyền, chúng tôi đã mặc định: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, đóng tiền cho xong chuyện.

Những các bài viết về bảo hiểm y tế trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã giải thích cho chúng tôi rõ bảo hiểm y tế học sinh là pháp luật bắt buộc, nhà trường thu bảo hiểm y tế học sinh là nhiệm vụ chứ không phải vì hoa hồng.

Bên cạnh đó, chúng tôi hiểu hơn, bảo hiểm y tế học sinh là pháp luật bắt buộc nhưng đầy nhân văn, mình vì mọi người, mọi người vì mình.

Phụ huynh bây giờ gần như 100% có điện thoại thông minh, tham gia mạng xã hội, tôi nghĩ nhà trường, phòng giáo dục … nên có cách truyền thông, thông qua mạng xã hội … gửi link các bài viết về bảo hiểm y tế cho phụ đọc, vừa chính xác, vừa khách quan, vừa hiệu quả và … chẳng tốn kém gì.

Anh cứ đi thăm Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu (Hà Tĩnh) xem, ở đó họ làm tốt lắm, liên tục đạt 100% học sinh tham gia bảo hiểm y tế.

Nhờ tham gia bảo hiểm y tế cho con, nên khi cháu lên lớp 2, bị bệnh tháng nào cũng đi Bệnh viện Nhi Trung ương, con tôi được chữa chạy kịp thời, bảo hiểm đã lo 80% chi phí, nên gia đình bớt khó khăn.

Giờ tôi thấy bảo hiểm y tế như “bùa hộ mệnh” không phải chỉ của con mà của gia đình tôi đó, cả nhà tôi đã tham gia bảo hiểm y tế, tôi đang tìm hiểu để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.

Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu, lá cờ đầu của giáo dục Hương Sơn trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh sinh viên

Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Gặp thầy Hồ Xuân Thông, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh, thầy chia sẻ những giải pháp để nhà đạt sự đồng thuận trong thu bảo hiểm y tế học sinh:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền phải đi đầu

Năm học nào đơn vị cũng phối hợp với tổ tuyên truyền của Bảo hiểm xã hội huyện Hương Sơn, quán triệt đầy đủ các nội dung về bảo hiểm y tế học sinh cho cán bộ, giáo viên trước, cha mẹ học sinh sau.

Cán bộ, giáo viên phải hiểu đúng, hiểu rõ, có khả năng giải thích đúng, dễ hiểu cho phụ huynh học sinh, nhờ đó tạo được sự đồng thuận rất cao trong cha mẹ các em.

Đồng thời phối hợp rà soát danh sách học sinh để tổ chức thu đúng đối tượng và đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội huyện cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời cho học sinh để đảm bảo quyền lợi cho học sinh có bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Thông qua các cuộc họp phụ huynh, qua nhóm Zalo, FB làm cho phụ huynh thấy rõ ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm y tế, mua bảo hiểm y tế cho con là mua sự may mắn, không mong muốn được hưởng, nhưng khi không may có ốm đau với con mình thì được bảo hiểm chi trả chi phí khám chữa bệnh, có những trường hợp bảo hiểm xã hội đã chi trả hàng tỉ đồng.

Còn nếu không bị đau ốm, thì tiền mình tham gia sẽ giúp bao người được chữa bệnh, nhất là người nghèo.

Phát huy tốt vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc tuyên truyền và triển khai, nếu phụ huynh nào chưa rõ, Hiệu trưởng trực tiếp hoặc gọi điện trao đổi nên nhận được sự đồng thuận rất cao.

Thứ hai, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Hàng ngày, nhà trường phối hợp với trạm y tế theo dõi sức khỏe thường xuyên cho học sinh. Làm tốt công tác khám sàng lọc sức khỏe 2 lần /năm cho học sinh. Tuyên truyền và làm tốt công tác phòng dịch Covid 19 và phòng bệnh theo mùa.

Có ý kiến với trung tâm khám chữa bệnh ưu tiên khám cho học sinh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Trong thời gian qua các đối tượng học sinh đến khám chữa bệnh của các bệnh viện đều được khám chữa bệnh chu đáo, thanh toán kịp thời nên đã góp phần tạo được niềm tin trong phụ huynh học sinh.

Thứ ba, hỗ trợ, chia sẻ với học sinh khó khăn

Bên cạnh học sinh nghèo, cận nghèo được nhà nước cấp thẻ, các hộ có thu nhập trung bình được hỗ trợ 50% thì còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn như cha mẹ ốm đau thường xuyên, hoặc nợ nần …. nhà trường đã kêu gọi các nhà hảo tâm, giáo viên, ủng hộ để mua thẻ hoặc hỗ trợ một phần cho các cháu.

Thầy Hồ Xuân Thông, hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Thầy Hồ Xuân Thông, hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Nhờ làm tốt các giải pháp trên, vì học sinh thân yêu, Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu, Hương Sơn, Hà Tĩnh luôn có số học sinh tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%.

Dạy tốt, học tốt, hiện chính sách bảo hiểm y tế học sinh sinh viên tốt, nên Trường Tiểu học thị trấn Phố Châu đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng Khen của cấp Huyện, cấp Tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vận động phụ huynh học sinh tham gia bảo hiểm y tế cho con đạt 100% khó chứ không phải dễ, vì học sinh thân yêu, các lãnh đạo cơ sở giáo dục sẽ tìm ra giải pháp phù hợp với thực tế của địa phương mình.

Bài và ảnh: Sơn Quang Huyến