Tôi thấy "nhờ Covid" nhiều thầy cô trở nên thành thạo dạy trực tuyến

02/10/2021 06:48
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những bỡ ngỡ, khó khăn lúc đầu rồi đã qua đi, thay vào đó là sự chủ động của thầy cô và các em học sinh ở các nhà trường trong việc giảng dạy, học tập trực tuyến.

Ở thời điểm hiện nay, theo Thống kê của Bộ Giáo dục thì cả nước có 25 địa phương hiện đang tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh,13 địa phương kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình, 25 tỉnh thành tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Số liệu này cho thấy số lượng những địa phương đang triển khai dạy trực tuyến là khá nhiều bởi tình hình thực tế hiện nay thì chưa thể biết chắc chắn lúc nào học sinh ở các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ có thể đi học trở lại bình thường.

Ảnh minh họa: AN/GDVN.

Ảnh minh họa: AN/GDVN.

Vì thế, việc dạy trực tuyến là điều bắt buộc đối với nhiều trường học trên cả nước.

Khó khăn thì chắc chắn sẽ có rất nhiều nhưng trong khó khăn sẽ mở ra những cơ hội mới cho toàn ngành giáo dục tiếp cận với những phương pháp, cách dạy và học mới. Những bỡ ngỡ, khó khăn lúc đầu rồi đã qua đi, thay vào đó là sự chủ động của thầy cô và các em học sinh ở các nhà trường trong việc giảng dạy, học tập trực tuyến.

Những thách thức khi dạy trực tuyến…..

Nếu như những năm học trước đây, một số địa phương triển khai việc dạy trên truyền hình hay dạy trực tuyến thì đa phần mới dừng lại ở các bài ôn tập, hệ thống kiến thức. Nhưng, ở năm học này, nhiều địa phương đã triển khai việc dạy trực tuyến tất cả những bài mới theo phân phối chương trình.

Việc các địa phương triển khai dạy trực tuyến do học sinh không thể đến trường nên các nhà trường đã có nhiều giải pháp đưa ra để giúp cho học sinh tham gia học tập được tốt hơn.

Khó khăn đương nhiên là các nhà trường phải đối mặt, đó là tình trạng nhiều thầy cô chủ nhiệm phải vất vả liên hệ học sinh, phải hướng dẫn học sinh cài đặt phần mềm và khai thác các chức năng khi học trực tuyến.

Hàng ngày, còn phải bám sát vào sĩ số lớp để báo cáo cho Ban giám hiệu nhà trường. Rồi phải thu nhiều khoản tiền trường lúc thì qua tài khoản, lúc thì phải đến trường trong điều kiện dịch bệnh.

Ngoài ra, một số giáo viên còn yếu về công nghệ thông tin nên cũng có phần vất vả trong việc triển khai việc dạy học của mình.

Đặc biệt, những môn học nhiều tiết/ tuần thì giáo viên soạn giáo án PowerPoint để trình chiếu khi dạy trực tuyến cũng khá bận rộn. Bởi, như môn Văn, Toán mà giáo viên dạy 2 khối thì mỗi tuần phải soạn đến 8-9 giáo án PowerPoint rồi cả giáo án word…

Đối với học sinh muốn học trực tuyến phải có ít nhất là một chiếc điện thoại kết nối mạng internet thì mới có thể truy cập và học được các bài giảng của thầy cô mình.

Một số em học sinh nhỏ tuổi thì khó khăn trong việc học và ghi chép bài vở của thầy cô nên nhiều khi phải có sự kèm cặp của gia đình mới học tập được.

Ngoài ra, mới từ đầu năm học đến nay đã có một số vụ việc không hay giữa thầy và trò trong dạy và học trực tuyến xảy ra nên cũng tạo ra những áp lực trong việc dạy và học trực tuyến.

Nhưng cũng có rất nhiều những cơ hội sẽ được mở ra

Người Việt ta có câu: “Cái khó bó cái khôn” nhưng lại cũng có câu “Cái khó ló cái khôn” nên dù trong khó khăn nào cũng có thể tìm được hướng giải quyết, hướng đi phù hợp. Nhất là đối với ngành giáo dục, nơi đang có hơn một triệu giáo viên trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường và đa phần họ đã được đào tạo khá cơ bản.

Điều thuận lợi nhất là các phần mềm dạy trực tuyến hiện nay tương đối nhiều, các clip hướng dẫn xây dựng bài, học tập cho thầy và trò miễn phí được đưa trên mạng internet, trong các nhóm giáo viên nên ai cũng có thể học tập, trau dồi những kỹ năng mà mình còn hạn chế.

Nhiều giáo viên lúc đầu còn bỡ ngỡ, khó khăn nhưng rồi dần dần cũng chủ động trong việc dạy trực tuyến của mình. Vì vậy, thời gian qua đã có nhiều bài viết được phản ánh về những thầy cô tiên phong trong việc dạy trực tuyến ở các trường học trên cả nước.

Họ không kể già hay trẻ, không kể thành thị hay nông thôn đều đang thực hiện khá tốt công việc của mình. Bởi thực tế thì gần như giáo viên nào bây giờ cũng có máy tính bàn, laptop và điện thoại thông minh nên việc tiếp cận các phần mềm dạy trực tuyến cũng không phải là điều quá khó khăn.

Các trường triển khai đồng bộ và Ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn cũng thường xuyên kiểm tra việc dạy và học trực tuyến của đơn vị mình để có thể hỗ trợ, tư vấn cho những giáo viên còn hạn chế trong việc sử dụng phần mềm trực tuyến.

Vì thế, trình độ công nghệ thông tin của mỗi giáo viên cũng được nâng lên, giúp cho các thầy cô giáo ở các nhà trường chủ động tiếp cận với cách dạy học mới. Dù buổi đầu còn lúng túng nhưng dâng dần thì tay nghề đã được nâng lên rõ rệt.

Đối với học sinh cũng đã bắt đầu thay đổi việc học của mình. Trước đây, nhiều em còn ngại ngần khi học trực tuyến vì đó là những bài ôn tập và chưa có những ràng buộc cụ thể thì giờ đây đã chủ động hơn khi thầy cô giảng dạy các bài học mới, có những công cụ giám sát học trò trong quá trình học tập.

Các em không có máy tính, không có điện thoại thì có thể mượn của người thân mình để học tập. Nhiều nhà trường đứng ra vận động, kêu gọi các cá nhân, tổ chức quyên góp, ủng hộ mua điện thoại để tặng cho học trò nghèo.

Đặc biệt, các địa phương đang triển khai mạnh mẽ chương trình “sóng và máy tính cho em” nên việc học của học trò cũng được thuận lợi hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội nên phụ huynh luôn ở nhà nên đã quan tâm, giám sát việc học của con em của mình tương đối. Vì thế, việc dạy trực tuyến của các nhà trường cũng diễn ra khá suôn sẻ và thuận lợi.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thầy cô trong trường với học sinh và phụ huynh bước đầu đã và đang tạo một tiền đề tốt cho cách dạy và học trực tuyến đại trà ở nhiều tỉnh trong năm học này.

Dịch bệnh dù khó khăn nhưng rồi sẽ được kiểm soát trong một ngày gần nhất và chúng ta tin sau sự cố dịch bệnh này thì ngành giáo dục sẽ chủ động hơn với mọi sự cố có thể sẽ xảy ra sau này.

Điều quan trọng là ngành giáo dục đã đang hướng tới cho hàng chục triệu học sinh trên cả nước tiếp cận với cách học tập mới, tiếp cận với công nghệ thông tin. Và, đây sẽ là tiền đề tốt cho các em chủ động học tập, trau dồi thêm kiến thức trong mọi hoàn cảnh đối với những năm tiếp theo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH