Tổng Chủ biên nhận xét tiết dạy minh họa Âm nhạc lớp 6 của giáo viên Hải Phòng

31/10/2021 06:48
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Hai tiết dạy minh họa theo hai cuốn sách khác nhau nhưng đều thể hiện được sự công phu, sáng tạo và thể hiện rất sinh động” Nhạc sĩ Hoàng Long đưa ra nhận xét.

Ngày 23/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tổ chức Chuyên đề “Dạy học môn Nghệ thuật lớp 6 nội dung Âm nhạc theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018” năm học 2021-2022.

Tham dự trực tuyến có Nhạc sĩ Hoàng Long – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên Sách giáo khoa môn Âm nhạc 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, tác giả Đỗ Thanh Hiên – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên Sách giáo khoa môn Âm nhạc 6, bộ sách Cánh diều.

Chuyên đề môn Nghệ thuật lớp 6 nội dung Âm nhạc năm học 2021 - 2022 (Ảnh: Phương Linh)

Chuyên đề môn Nghệ thuật lớp 6 nội dung Âm nhạc năm học 2021 - 2022 (Ảnh: Phương Linh)

Tại chuyên đề, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà và học sinh trường Trung học cơ sở Đà Nẵng (quận Ngô Quyền) lên lớp tiết dạy với chủ đề “Biết ơn thầy cô” trong bộ sách Cánh Diều.

Cô giáo Lê Thị Hà và học sinh trường Trung học cơ sở Võ Thị Sáu (quận Lê Chân) với tiết dạy nội dung tìm hiểu bài hát “Những ước mơ” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.

Tổ chức hoạt động dạy học sáng tạo và sinh động

Nhận xét về hai tiết dạy minh họa, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Lãng cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng với hai tiết dạy thuộc hai bộ sách giáo khoa của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà và cô giáo Lê Thị Hà.

Xuyên suốt tiết dạy, mạch kiến thức khác nhau nhưng các cô đã rất tự tin, khéo léo, linh hoạt vận dụng kiến thức, hướng học sinh giữ gìn văn hóa và các loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.

Nhờ biện pháp khéo léo và khoa học của giáo viên mà học sinh thực hiện các hình thức dạy học rất chủ động.

Tất cả các em đều có cơ hội trình bày hoặc biểu diễn thông qua các hoạt động với sự hướng dẫn dễ hiểu, sáng tạo của các cô.

Tôi ấn tượng nhất với phương pháp giáo viên đã sử dụng trong giờ dạy như phương pháp giúp học sinh thực hiện tốt nhất yêu cầu của bài học, phương pháp trò chơi, dạy học thông qua hình thức trải nghiệm,…

Học sinh được tự trải nghiệm lớp học, trực tiếp biểu diễn và cảm nhận, hình thành các kỹ năng rất tốt.

Tôi tin chắc rằng qua tiết học hôm nay, chúng tôi sẽ mở mang, học hỏi được rất nhiều và rút kinh nghiệm trong các tiết học sau”.

Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đưa ra nhận xét về tiết dạy minh họa (Ảnh: Phương Linh)

Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đưa ra nhận xét về tiết dạy minh họa (Ảnh: Phương Linh)

Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng đưa ra nhận xét: “Tiết dạy minh họa của hai giáo viên rất thành công, các bước lên lớp được tiến hành trơn tru, mượt mà thể hiện sự chuẩn bị công phu của giáo viên, tổ chuyên môn.

Các em học sinh đã phần nào thể hiện được sự tích cực, chủ động trong việc tìm hiểu trước các nội dung kiến thức và tiến hành các hoạt động ở lớp hết sức nhịp nhàng.

Qua đó, gợi mở cho các giáo viên môn giáo dục nghệ thuật nói chung và môn âm nhạc nói riêng những hướng mới trong cách chuẩn bị kế hoạch bài dạy, cách truyền tải nội dung bài học”.

Tiết dạy minh họa được đánh giá có sự chuẩn bị công phu, sáng tạo và thể hiện rất sinh động (Ảnh: Phương Linh)

Tiết dạy minh họa được đánh giá có sự chuẩn bị công phu, sáng tạo và thể hiện rất sinh động (Ảnh: Phương Linh)

Phát biểu tại Hội nghị, Nhạc sĩ Hoàng Long – Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên Sách giáo khoa môn Âm nhạc 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết: “Hội thảo và các cô giáo tham gia dạy tiết minh họa có sự chuẩn bị rất công phu, sáng tạo, tập trung vào các phương pháp mới để tổ chức dạy học.

Về tiết dạy của cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà và cô giáo Lê Thị Hà, hai tiết dạy minh họa theo hai cuốn sách khác nhau nhưng đều thể hiện được sự công phu, sáng tạo và thể hiện rất sinh động.

Phát huy được tính chủ động, tích cực, qua đó phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo quy định của chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Chúng tôi thấy được, các cô giáo thể được mạch kiến thức của chương trình một cách đầy đủ.

Tiết học rất tươi vui, nhiều lĩnh vực sáng tạo cho nên chúng ta có thể học được những tinh túy, cái hay, cái tốt của tiết dạy này.

Tuy nhiên, sự chuẩn bị, sáng tạo ấy không có nghĩa là hoàn hảo.

Điều không tránh được việc tổ chức dạy học có những hạt sạn nho nhỏ nhưng đây là điều dễ hiểu vì không tiết học nào hoàn thiện 100%.

Tôi cảm thấy hai tiết dạy minh họa trên đã thực hiện rất đầy đủ, có nhiều sáng tạo”.

Nhạc sĩ Hoàng Long nhấn mạnh: “Tôi rất hoan nghênh Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tổ chức được những chuyên đề có ý nghĩa như thế này.

Việc làm này cần phát huy và là điều kiện giúp cho các thầy, cô giáo dạy môn nghệ thuật phần âm nhạc tham khảo”.

Điều kiện giảng dạy môn nghệ thuật còn nhiều hạn chế

Sau khi đưa ra những nhận xét, góp ý với hai tiết dạy minh họa, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện ở Hải Phòng đã gửi nhiều ý kiến, băn khoăn về thực trạng điều kiện cơ sở vật chất, nội dung giảng dạy môn Nghệ thuật lớp 6 nội dung Âm nhạc.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Lãng phát biểu: “Thực trạng hiện nay các nhà trường phần lớn chưa có đầy đủ phòng chức năng cho bộ môn, nhu cầu tối thiểu của giáo viên và học sinh trong giờ dạy.

Ví dụ đơn giản như các thiết bị dạy học, trang bị đàn không có.

Các nhà trường đã trang bị sách giáo khoa, sách hướng dẫn đầy đủ nhưng phòng chức năng lại không có.

Khi giảng dạy, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn như trước khi bắt đầu tiết học, vào giờ ra chơi học sinh phải đi mang đàn về lớp.

Không chỉ vậy, khi học sinh học động tác dậm chân, hát rồi đàn rất ồn, ảnh hưởng đến phòng học bên cạnh.

Bên cạnh đó, trong phần học nghệ thuật mới có rất nhiều dụng cụ chức năng cần thiết nhưng hiện tại vẫn chưa có.

Theo đó, chúng tôi tha thiết yêu cầu các cấp lãnh đạo quan tâm đến bộ môn để chúng tôi triển khai dạy được tốt hơn”.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải An cho rằng: “Chúng tôi rất mong thầy cô tạo điều kiện chia sẻ và giảm nhẹ nội dung trong sách phù hợp hơn với học lực của học sinh lớp 6 khi các em vừa bước vào cấp trung học cơ sở. Ba nội dung trong một tiết có hơi nặng với học sinh”.

“Về thuận lợi, khó khăn của các nhà trường trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối 6.

Thuận lợi ở chỗ ban giám hiệu các nhà trường đã sớm được tiếp cận với các công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, sự vào cuộc sớm của Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố giúp các nhà trường hình dung ra các công việc phải làm trong việc xây dựng kế hoạch dạy học của tổ chuyên môn, kiểm tra đánh giá.

Tuy nhiên, khó khăn đối với các đơn vị trong đó có trường chúng tôi, trước kia là một quyển sách hai phân môn bây giờ lại một phân môn giáo dục nghệ thuật nhưng hai quyển sách, hai giáo viên giảng dạy nhưng đánh giá lại phải kết hợp với nhau, chồng chéo thời gian thực hiện” đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thủy Nguyên đưa ra ý kiến.

Nhạc sĩ Hoàng Long - Tổng Chủ biên môn Âm nhạc 6, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống giải đáp ý kiến của giáo viên (Ảnh: Phương Linh)

Nhạc sĩ Hoàng Long - Tổng Chủ biên môn Âm nhạc 6, bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống giải đáp ý kiến của giáo viên (Ảnh: Phương Linh)

Giải đáp những băn khoăn, thắc mắc trên, Nhạc sĩ Hoàng Long phát biểu: “Về ý kiến giảm nhẹ nội dung các bài học để phù hợp với học sinh, trong một chủ đề, thường chúng tôi bố trí dạy trong 4 tiết nhưng kiến thức được phân ra.

Trong việc tổ chức dạy học, hiện nay điều kiện về phòng chức năng có thể thiếu, cái đó chúng ta sẽ khắc phục dần.

Còn với thiết bị dạy học, về tài liệu các thầy cô có thể khai thác trên mạng, khai các nhạc liệu điện tử của các sách khác.

Vấn đề nhạc cụ, chúng ta có thể huy động nhạc cụ tự làm như nhạc cụ gõ từ phế thải rất tiện sử dụng và các em có thể sáng tạo thông qua hoạt động trên.

Nhiều nơi, giáo viên và học sinh tạo rất nhiều nhạc cụ gõ sinh động. Từ đó, khắc phục tình trạng thiếu thiết bị dạy học”.

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phương Linh)

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Phương Linh)

Ông Đỗ Văn Lợi – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng nhấn mạnh: “Chúng ta phải xác định, chương trình là pháp lệnh còn sách giáo là tài liệu hỗ trợ cho thầy cô giảng dạy.

Vì vậy, việc giáo viên đưa ra ý kiến về nội dung nặng quá, nhiều quá, cái này phụ thuộc vào hoàn cảnh thực tế các trường học và năng lực của học sinh để chúng ta tổ chức truyền tải cái nào nhiều, cái nào ít.

Một chủ đề có thể 3 tiết, có thể 4 tiết, các thầy cô chủ động phân phối, truyền tải kiến thức.

Hôm nay, tổ chức chuyên đề với công tác chuẩn bị mới có nhiều nội dung như thế chứ trong giờ dạy bình thường không thể có nhiều như vậy được.

Trong chương trình mới, môn nghệ thuật có hai phân môn mĩ thuật và âm nhạc. Sau này lên trung học phổ thông thì thành hai môn riêng biệt.

Về phía Sở sẽ tích cực tổ chức các chuyên đề cấp thành phố để chúng ta kết nối các điểm cầu, các nhà xuất bản.

Còn về phía Phòng Giáo dục và Đào tạo, tôi đề nghị tổ chức chỉ đạo các nhà trường trong việc tổ chức nhiều chuyên đề mới, dự giờ rút kinh nghiệm trong các tổ nhóm chuyên môn các nhà trường.

Tổ chức các chuyên đề cấp Phòng để dự giờ sinh hoạt cho bộ môn này bởi các môn âm nhạc, mĩ thuật các thầy cô trong nhà trường không nhiều.

Tôi đề nghị các Phòng tham mưu với lãnh đạo quận, huyện để đầu tư cơ sở vật chất cho bộ môn nói riêng và các thiết bị môn khác nói chung.

Các phòng chức năng rất quan trọng. Ví dụ, mỗi trường học nếu có đầy đủ phòng như phòng Âm nhạc thì đến giờ thầy cô và học trò chỉ việc đến phòng đó là có đầy đủ sẵn các thiết bị, nhạc cụ có thể di chuyển dễ dàng.

Phòng chức năng nằm cách xa các phòng học bộ môn văn hóa khác sẽ đỡ ảnh hưởng về âm thanh”.

PHẠM LINH