Tốt nghiệp 2 bằng Xuất sắc, nữ sinh xứ Nghệ được UTT trao học bổng Ths toàn phần

09/07/2024 06:22
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Tốt nghiệp song bằng loại Xuất sắc, nữ sinh “đất học” Thanh Chương được nhà trường trao tặng học bổng thạc sĩ toàn phần, tiếp bước trên hành trình mới.

Cùng lúc học hai ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán (Khoa Kinh tế vận tải, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải), sinh viên Phan Thị Ngọc Ánh đã “học ngày, học đêm” để giữ vững phong độ và tốt nghiệp với hai tấm bằng Xuất sắc.

Bí kíp học tốt nghiệp song bằng loại Xuất sắc

Sinh ra và lớn lên tại vùng “đất học” Thanh Chương (Nghệ An), nữ sinh Phan Thị Ngọc Ánh (sinh năm 2002) vừa hoàn thành chương trình học song bằng đại học và xuất sắc giành học bổng thạc sĩ toàn phần tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải.

z5604897694967_2ee2694b284f86f27a5577fbb3d2fd42.jpg
Nữ sinh Phan Thị Ngọc Ánh - sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và ngành Kế toán (Khoa Kinh tế vận tải, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải). Ảnh: NVCC.

Nữ sinh xứ Nghệ chia sẻ, khi còn nhỏ, cô vẫn luôn nghĩ mình sẽ theo đuổi một công việc mang tính sáng tạo và có thiên hướng bay bổng nhiều hơn, do có năng khiếu về môn Văn. Từ rất sớm, cô đã nghĩ đến những công việc tự do sáng tạo và linh động về mặt thời gian như tổ chức sự kiện... Tuy nhiên, đến năm 2020, khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, được sự động viên và truyền cảm hứng từ chị gái - vốn là “thần tượng” trong lòng Ngọc Ánh, nữ sinh đã quyết định lựa chọn ngành Quản trị kinh doanh.

Sau đó, cuối năm 2022, Ngọc Ánh nhận thấy ngành học của mình có cơ duyên được học nhiều môn chuyên ngành liên quan đến ngành Kế toán, nên đã quyết định học song bằng, vừa để bổ trợ thêm kiến thức, vừa có thêm cho mình một tấm bằng đại học.

“Học song bằng, với những môn cơ sở ngành, tôi không cần phải học lại, nhưng những môn chuyên ngành thì lại nhiều gấp đôi. Những ngày đầu chập chững đối với tôi trở nên khá khó khăn, phải sau hơn một tháng, tôi mới bắt đầu “bắt nhịp” và cân đối được thời gian. Có những hôm, tôi sẽ học gần như “full” tiết - 11 tiết trong ngày.

Bên cạnh giờ học trên lớp, tôi chủ động tìm tòi thêm nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Không chỉ nắm bắt thông tin qua bài giảng trên lớp, tôi phải đọc rất nhiều sách, giáo trình hoặc tra cứu trên thư viện, cũng như tìm kiếm trên mạng xã hội. Nếu gặp bất kỳ một vấn đề “hóc búa” nào, tôi sẽ dành thời gian tự nghiên cứu cách giải quyết, sau đó, nhờ đến sự hỗ trợ của thầy cô. Thật may mắn, khi các thầy cô nhà trường đều sẵn sàng giải đáp, kể cả ngoài giờ lên lớp” - Ánh chia sẻ.

z5604897698037_b3003e067df8ffccc004f9a079cb86e3.jpg
Ngọc Ánh bảo vệ khóa luận tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh vào tháng 12/2023. Ảnh: NVCC.

Lịch học kín mít đã là một thử thách với nữ sinh Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, song, có lẽ vẫn chưa thấm vào đâu với lịch thi dày đặc của cùng lúc hai ngành: Quản trị kinh doanh và Kế toán (Khoa Kinh tế vận tải).

Cô nhớ lại: “Do theo học cả hai ngành cùng một lúc, nên số lượng môn học của tôi cũng tăng lên nhiều. Cái khó nhất giữa hai ngành này là bản chất của các môn chuyên ngành cũng có sự khác biệt lớn. Chẳng hạn, đối với ngành Quản trị kinh doanh, hướng tiếp cận khá là sáng tạo, linh động, đi sâu vào quản trị doanh nghiệp; còn đối với ngành Kế toán, hướng tiếp cận hoàn toàn đi theo khung khổ của luật pháp, những điều lệ, thông tư nhất định.

Đến giai đoạn ôn thi thường rất căng thẳng và áp lực, bởi tôi luôn muốn cố gắng để giữ phong độ ổn định nhất cho tất cả các môn… Ngoài những lúc tập trung cho bài tập của mình, nếu trong lớp, có bạn học nào cần sự hỗ trợ, tôi cũng luôn sẵn sàng, bởi khi đó, tôi cũng được ôn tập thêm kiến thức cho bản thân”.

Không chỉ cùng lúc “chạy đua” với lịch học, lịch thi của cả hai ngành học, cô sinh viên Phan Thị Ngọc Ánh còn chăm chỉ đi làm thêm mỗi tối để vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa kiếm thêm thu nhập.

“Hằng ngày, tôi thường lên lớp vào hai buổi sáng chiều, sau đó dành thời gian lên thư viện nghiên cứu tài liệu. Nếu các ca học gối tiếp nhau, buổi trưa tôi cũng không về nhà mà sẽ nghỉ lại ở trường. Tối đến là thời gian dành cho bài tập về nhà, nếu trống lịch, tôi sẽ tranh thủ đi làm thêm, công việc này khá linh động về thời gian, nên tôi hoàn toàn có thể làm việc vào thứ Bảy, Chủ nhật…

Giai đoạn thi cử có lẽ là giai đoạn vất vả nhất trong hành trình của tôi, gần như ngày nào cũng phải thức khuya, dậy sớm hơn so với bình thường” - Ánh chia sẻ về lịch trình thường nhật để đạt bằng Xuất sắc ở cả hai ngành học.

z5604897706941_a9352bfb6c1a82031f09d77d68dc7a62.jpg
Ngọc Ánh trong buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp ngành Kế toán. Ảnh: NVCC.

Học bổng thạc sĩ toàn phần là “món quà” tiếp thêm nhiều động lực

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân trong suốt 4 năm học, nữ sinh Phan Thị Ngọc Ánh đã hoàn thành chương trình đào tạo của cả hai ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán. Đặc biệt, nữ sinh tốt nghiệp với cả hai tấm bằng loại Xuất sắc.

Trước thành tích đáng ghi nhận này của nữ sinh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã quyết định trao tặng học bổng toàn phần thạc sĩ, để tiếp bước cho cô trong chặng đường mới.

z5604897423393_bcee2f8e64049b9bf397ed3a3c160edb.jpg
Ngọc Ánh chia sẻ: “Tôi cảm nhận rằng, những điều mình biết quả thực rất ít ỏi, càng tiếp xúc với thực tế, thấy càng có nhiều điều mình phải học hỏi, phải nâng cao”. Ảnh: NVCC.

Không giấu được niềm vui trên gương mặt rạng rỡ, Phan Thị Ngọc Ánh chia sẻ: “Khi biết tin được nhà trường trao học bổng thạc sĩ phần, tôi thực sự rất vui và phấn khởi. Học bổng này giống như một “món quà” rất ý nghĩa mà nhà trường trao tặng cho tôi, tiếp thêm nguồn sức mạnh để tôi tiếp tục theo đuổi con đường học vấn phía trước. Bởi, sau khi hoàn thành bậc cử nhân và bắt đầu đi làm thêm, tôi cảm nhận rằng, những điều mình biết quả thực rất ít ỏi, càng tiếp xúc với thực tế, thấy càng có nhiều điều mình phải học hỏi, phải nâng cao.

Đồng thời, tôi cho rằng, việc nhà trường cấp học bổng thạc sĩ như vậy cũng sẽ trở thành động lực để rất nhiều sinh viên cố gắng phấn đấu tốt nghiệp Xuất sắc và mở ra cơ hội cho các bạn sinh viên cũng có khả năng giành được học bổng sau này. Điều này sẽ khích lệ tinh thần học tập của các thế hệ sinh viên”.

Chia sẻ thêm về dự định tương lai, Ngọc Ánh bật mí, cô sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học vấn để “nâng cấp” bản thân hơn nữa, tích lũy thêm nhiều kiến thức hơn, phục vụ tốt hơn cho công việc sau này.

Nhận xét về sinh viên Phan Thị Ngọc Ánh, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Cường - Phó Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế vận tải (Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải) cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, tôi thấy Ánh là một sinh viên rất chăm ngoan, chịu khó, chủ động và hăng hái tham gia các hoạt động giáo dục. Không chỉ siêng năng trong học tập, em còn rất năng động khi chăm chỉ đi làm thêm. Vì Ánh cũng là một học sinh tiêu biểu trên lớp, nên các thầy cô đều quý mến, kết nối và giới thiệu giúp em có một công việc làm thêm vừa phù hợp vừa giúp em tích lũy thêm kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp”.

z5604891948652_15708546006d61cfc83acde96bdca124.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Hùng Cường - Phó Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh, Khoa Kinh tế vận tải (Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải). Ảnh: NVCC.

“Việc nhà trường trao học bổng toàn phần cho Ngọc Ánh, không chỉ có tác động đến một mình em, mà cũng có hiệu quả tạo động lực cho cả những sinh viên khác. Các em sinh viên sẽ cùng nhìn vào “tấm gương” ấy để có sự phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn. Chúng tôi cũng rất hy vọng, sẽ ngày có nhiều những suất học bổng như vậy được trao cho các em tân cử nhân Xuất sắc” - Tiến sĩ Nguyễn Hùng Cường cho biết thêm.

Mộc Trà