TP.HCM: Được mở cửa lại, trung tâm ngoại ngữ có lớp chỉ 3-4 học viên

26/03/2022 06:36
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- So với lúc chưa có dịch Covid-19, số học viên đi học trở lại tại các cơ sở của Trung tâm ngoại ngữ Dương Minh chỉ đạt chưa đến 50%.

Từ đầu năm 2022, các trung tâm ngoại ngữ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu được mở cửa hoạt động trở lại, sau khoảng thời gian rất lâu phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng học viên đi học trở lại vẫn đạt tỷ lệ thấp.

80% trung tâm ngoại ngữ giải thể, ngưng hoạt động

Theo ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, sau đợt dịch vừa qua, có khoảng 80% các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố giải thể, ngưng hoạt động.

Phần lớn các nhà đầu tư trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đều nói rằng, không ai muốn dẹp bỏ đi những thành quả lao động mà họ đã rất nhọc công gây dựng bấy lâu nay.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng, khi dịch xảy ra với thời gian phải đóng cửa hoạt động quá lâu, các nhà đầu tư đã không còn chịu nổi tiền thuê mặt bằng, tiền trả lương cho giáo viên, nhân viên của trung tâm.

Nói với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục có yếu tố nước ngoài (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, sau đợt dịch vừa qua, trung tâm ngoại ngữ do có chi phí duy trì hoạt động quá lớn thì đều buộc phải trả lại mặt bằng, giáo viên bỏ đi nơi khác do bị nợ lương.

Trung tâm ngoại ngữ SAS từ lâu cũng không ai liên hệ được với chủ đầu tư (ảnh: P.L)

Trung tâm ngoại ngữ SAS từ lâu cũng không ai liên hệ được với chủ đầu tư (ảnh: P.L)

Giáo viên nước ngoài thì nhiều người cũng đã bỏ trung tâm ngoại ngữ, chuyển sang các trường quốc tế, do họ nhận thấy hệ thống giáo dục ngoài giờ không thể bền vững. Bởi thế, trung tâm ngoại ngữ sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Một ví dụ cụ thể nhất là trung tâm ngoại ngữ SAS, Pixar trong thời gian gần đây đã bị phụ huynh, giáo viên liên tục có những động thái đòi nợ lương, học phí.

Trước đợt dịch lần thứ 4 (năm 2021), trung tâm ngoại ngữ SAS đã phát triển, phủ cơ sở tại rất nhiều địa phương ở miền Tây, Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trong và sau đợt dịch vừa qua, những cơ sở này bỗng nhiên biến mất. Chủ đầu tư của trung tâm này cũng không ai liên hệ được. Học viên hoang mang vì bị mất tiền học phí, còn người lao động thì bị nợ lương mà cũng chẳng biết xoay sở ra sao.

Các cơ sở của trung tâm ngoại ngữ Pixar đã đóng cửa, tháo bảng hiệu (ảnh: P.L)

Các cơ sở của trung tâm ngoại ngữ Pixar đã đóng cửa, tháo bảng hiệu (ảnh: P.L)

Tương tự như vậy, vài cơ sở của trung tâm ngoại ngữ Pixar sau đợt dịch vừa qua cũng bỗng nhiên biến mất. Mặt bằng ở những nơi này thì treo bảng cho thuê. Theo các phụ huynh, chủ đầu tư của trung tâm ngoại ngữ này đã không cung cấp đủ dịch vụ giáo dục cho người học như cam kết. Hiện phụ huynh cũng đã làm đơn khởi kiện trung tâm ra tòa để đòi lại học phí.

Chưa đến 50% học viên đi học lại

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Long – Hiệu trưởng Trung tâm ngoại ngữ Dương Minh, trung tâm với hàng chục cơ sở tại thành phố cho hay, dù thành phố đã cho phép các trung tâm ngoại ngữ hoạt động trở lại, nhưng lượng học viên đăng ký học lại vẫn còn ít.

Nguyên nhân, theo ông Long thì có thể là phụ huynh còn nhiều e dè, lo xử lý các vướng mắc ca F0 ở các trường phổ thông trước đã.

“Nếu so với thời gian lúc chưa có dịch, thì hiện số học viên đi học trở lại đạt chưa đến 50%. Có những lớp chỉ có 3 hay 4 học viên nhưng vẫn phải giữ học viên, vì nếu không giữ thì sẽ mất, mà đã mất thì không hoạt động được nữa” – ông Nguyễn Long cho biết.

Trung tâm vẫn phải bù lỗ suốt từ tháng 5 năm ngoái cho đến tháng 3 của năm nay mới có thu, nhưng cũng vẫn chưa đủ để bù chi. Lương của giáo viên, nhân viên thì vẫn được trung tâm Dương Minh đảm bảo, còn trong thời gian dịch thì được nhận hỗ trợ tiền để duy trì cuộc sống.

Cũng theo ông Long, cho đến nay, Dương Minh phải đóng cửa bớt 1 cơ sở (ở đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú) trên tổng số 16 cơ sở. Học viên ở đây sẽ chuyển sang các cơ sở lân cận để học.

Một cơ sở của Trung tâm ngoại ngữ Dương Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Một cơ sở của Trung tâm ngoại ngữ Dương Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Hiện nay, Dương Minh vẫn chưa thể bố trí giáo viên người nước ngoài giảng dạy, do thù lao phải trả cao, còn sĩ số của các lớp học lại quá ít, phải bù lỗ. Khi nào sĩ số ổn định hơn, trung tâm mới có thể bố trí giáo viên nước ngoài đứng lớp dạy.

Trong vài tháng trở lại đây, số ca nhiễm Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp, nên hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ ở thành phố vì thế vẫn rất èo uột. Nhiều phụ huynh vẫn chọn phương án là chờ, chưa thể cho con tham gia vào các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường,

Là một hệ thống có đến 43 cơ sở dạy ngoại ngữ, đại diện hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) cho biết, phía trung tâm cũng gặp không ít khó khăn do phụ huynh phần đông vẫn chưa sẵn sàng cho con đi học trở lại, do số ca F0 trong trường học hiện nay cũng còn nhiều.

Việt Dũng