TPP mạnh bằng 10 hàng không mẫu hạm ngăn Trung Quốc bành trướng Biển Đông

22/07/2015 11:00
Hồng Thủy
(GDVN) - John McCain nhận định, Trung Quốc không có một sách lược dài hạn trong vấn đề Biển Đông. Mặc dù trước mắt Hoa Kỳ khó có thể chặn đứng dã tâm bành trướng...
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ. Ảnh: history.howstuffworks.com
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ. Ảnh: history.howstuffworks.com

Đài VOA Hoa Kỳ bản tiếng Trung Quốc ngày 22/7 đưa tin, Chủ tịch Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain cho rằng đằng sau hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông, Trung Quốc đang chuẩn bị tiến tới đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở vùng biển quan trọng này hòng củng cố tham vọng bành trướng lãnh thổ.

Ngày 21/7 phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS, Thượng nghị sĩ John McCain nhận định, Trung Quốc không có một sách lược dài hạn trong vấn đề Biển Đông. Mặc dù trước mắt Hoa Kỳ khó có thể chặn đứng dã tâm bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhưng về lâu dài Mỹ đã có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông McCain cho rằng, TPP mạnh hơn 10 hàng không mẫu hạm, khi đàm phán thành công TPP Mỹ sẽ nâng cao đáng kể khả năng đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Hiện tại hoạt động đàm phán TPP giữa Mỹ và Nhật Bản đã chuẩn bị bước vào giai đoạn cuối, tuy nhiên TPP vẫn đang vấp phải trở lực không nhỏ từ phía Quốc hội Hoa Kỳ. 

Trong một động thái có liên quan, The Diplomat ngày 22/7 cho biết, ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải (Biển Đông) do Trung Quốc thành lập đang công du Hoa Kỳ nói rằng, Bắc Kinh nên cố gắng tránh đơn phương tuyên bố áp đặt ADIZ (bất hợp pháp) ở Biển Đông. Đây sẽ là một giải pháp thể hiện sự kiềm chế và giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Hai ý tưởng khác nữa cũng được ông Tồn đề xuất khi phát biểu tại CSIS là Trung Quốc nên bảo vệ tự do hàng hải và tăng tốc công việc đàm phán bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông COC với ASEAN. Hoạt động xây dựng, bồi lấp và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp mà Trung Quốc tiến hành ở Trường Sa cùng với việc dây dưa kéo dài tiến trình đàm phán COC đã dấy lên lo ngại trong khu vực.

Về phía Hoa Kỳ, Ngô Sĩ Tồn nói rằng Washington không nên cố gắng để "kiềm chế" Trung Quốc và nên có lập trường thật sự trung lập trong vấn đề này. Ông Tồn cho rằng người Mỹ nên tiếp cận với vấn đề Biển Đông một cách "tôn trọng lẫn nhau" trong quan hệ với Trung Quốc. Hai bên cần tiến lên phía trước và tăng cường hợp tác quân sự trong tinh thần ấy.

Ông Tồn cũng kiên quyết chống đối những gì ông coi là sự can thiệp của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông với lập luận rằng sự tham gia ấy "chỉ làm mọi chuyện xấu đi"?!

Hồng Thủy