Trà Vinh: Đa dạng mã hàng khiến đơn vị mua sắm thiết bị dạy học khó giải trình

21/12/2022 06:44
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đối với thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới, việc tổ chức mua sắm còn chậm so lộ trình triển khai năm học 2022 - 2023.

Bên cạnh đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình trang thiết bị dạy và học phục vụ cho chương trình này tại một số địa phương vẫn đang gặp khó khăn.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, toàn tỉnh hiện có 431 cơ sở giáo dục và đào tạo. Trong đó, 6.777 lớp, 215.389 học sinh (mầm non có 1.320 nhóm, lớp với 36.115 trẻ; tiểu học có 3.006 lớp với 89.314 học sinh; trung học cơ sở có 1.637 lớp với 59.585 học sinh; trung học phổ thông có 814 lớp với 30.375 học sinh).

Nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục và đào tạo để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, các cơ sở cần xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường), đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Căn cứ vào danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các cấp quản lý đã chỉ đạo cơ sở giáo dục rà soát thiết bị hiện có, xác định nhu cầu mua sắm, khuyến khích tự làm, sưu tầm thiết bị phục vụ dạy học tại các cơ sở giáo dục.

Cụ thể, năm học 2020-2021, ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh đã tổ chức mua sắm tập trung. Trong đó, trang bị 1.494 bộ sách giáo khoa lớp 1 cho 166 trường tiểu học, có sách để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn sử dụng; thiết bị dạy học tối thiểu cho 166 trường tiểu học, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1 theo lộ trình.

Năm học 2021-2022, trang bị 11.584 quyển sách giáo khoa lớp 2 cho 164 trường tiểu học; 6.509 quyển sách giáo khoa lớp 6 cho 105 trường trung học cơ sở; thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 cho 164 trường tiểu học; thiết bị dạy học môn Ngoại ngữ (37 phòng bộ môn cho 37 trường trung học cơ sở); thiết bị dạy học môn Tin học (35 phòng bộ môn cho 35 trường trung học cơ sở).

Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư dự án (các Ban Quản lý dự án khu vực và chuyên ngành) có tổ chức mua sắm nhiều trang thiết bị trường học bằng hình thức lồng ghép trong đầu tư các công trình xây dựng.

Về cơ bản, thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho khối lớp 1, 2 và thiết bị phòng bộ môn Ngoại ngữ, Tin học cấp trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu giáo dục. Trong năm 2023, tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức lập dự án mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp còn lại của cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

“Tuy đã được quan tâm đầu tư, nhưng nhìn chung cơ sở vật chất trường học chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản theo quy định, vẫn còn thiếu nhiều phòng học bộ môn, khu hỗ trợ học tập, hành chính quản trị và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu khác.

Riêng thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông mới, việc tổ chức mua sắm còn chậm so lộ trình triển khai năm học 2022 - 2023”, bà Nguyễn Thị Bạch Vân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bạch Vân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Nguồn: Báo Trà Vinh

Bà Nguyễn Thị Bạch Vân - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Nguồn: Báo Trà Vinh

Lý giải nguyên nhân việc cung cấp trang thiết bị chậm so với lộ trình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh cho biết:

Thứ nhất, thông tư quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho các lớp ban hành theo từng năm. Thời điểm ban hành thông tư quy định danh mục thiết bị dạy học gần thời gian bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới (đối với lớp 1 là năm học 2020-2021; đối với lớp 2, 6 là năm học 2021-2022).

Thứ hai, việc tổ chức, rà soát lựa chọn danh mục và khảo sát thiết bị gặp khó khăn (thị trường chưa có nhiều hàng hóa được sản xuất và đăng ký tiêu chuẩn).

Thứ ba, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, thời gian thực hiện dự toán trùng với thời gian cao điểm thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng.

Thứ tư, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ bị ngưng trệ, việc xác định giá hàng hóa để lập hồ sơ dự toán làm cơ sở thẩm định giá gặp khó khăn. Do đó, tiến độ thực hiện có chậm hơn so lộ trình áp dục chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đặc biệt, khó khăn chủ yếu hiện nay đối với cơ quan được giao nhiệm vụ mua sắm công là, mặc dù đã thực hiện thẩm định giá và đấu thầu rộng rãi qua mạng, nhưng việc xác định giá cả hàng hóa mua sắm phù hợp giá thị trường vẫn còn bất cập. Một số mã hàng hóa thuộc danh mục mua sắm chưa đạt giá thấp nhất so với mặt bằng chung của thị trường. Nhiều tổ chức tư vấn không nhận hợp đồng thẩm định giá đối với mua sắm thiết bị giáo dục bằng ngân sách nhà nước.

“Thiết bị dạy học là “hàng hoá chuyên dùng” vì vậy trên thị trường có rất nhiều nguồn, chủng loại, giá cả khác nhau (do chất liệu, tiêu chuẩn an toàn lý - hoá, do bản quyền đối với kiểu dáng, tính năng hàng hoá,…).

Đối với cơ quan được giao nhiệm vụ mua sắm công, việc xác định giá phù hợp chủ yếu thông qua thẩm định giá và đấu thầu rộng rãi để thực hiện hợp đồng mua sắm. Việc xảy ra chênh lệch giá cụ thể của từng mã hàng trong danh mục mua sắm với các báo giá riêng từng tên loại khiến cho đơn vị mua sắm rất khó khăn trong việc giải trình, cũng như tìm cách khắc phục triệt để.

Tình hình hiện nay, hầu như việc tìm kiếm tổ chức nhận thẩm định giá mua sắm công rất khó. Mặc dù trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã gửi trực tiếp thông báo mời chào giá cho nhiều đơn vị, đăng tin trên website của Sở và thuê đăng tin trên Báo Đấu thầu, nhưng vẫn không có tổ chức tư vấn chủ động liên hệ.

Đối với hoạt động mua sắm công và đầu tư công hầu hết các tổ chức tư vấn, nhất là thẩm định giá từ chối nhận hợp đồng”, bà Nguyễn Thị Bạch Vân cho hay.

Nhận thức được tầm quan trọng của cơ sở vật chất trường học đối với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh đã có những chỉ đạo để các cấp quản lý và cơ sở giáo dục chủ động trong tổ chức các hoạt động dạy và học.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng chậm cung cấp thiết bị dạy học, ngành giáo dục tỉnh Trà Vinh cũng đã tham mưu cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền, tổ chức lập dự án mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho các khối lớp còn lại của cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong trong năm 2023 bằng nguồn vốn đầu tư.

Ngành đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, sử dụng thiết bị hiện có, xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

“Nhằm đảm bảo chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về giáo dục, ngành cũng đã tham mưu cho cơ quan chức năng và cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ thực hiện mua sắm công và đầu tư công theo phân cấp quản lý để tăng tính hiệu quả và trách nhiệm.

Với chức năng, nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh đã có văn bản triển khai, hướng dẫn, thực hiện và sẽ hỗ trợ đầy đủ về chuyên môn để Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức thực hiện”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.

Anh Trang