LTS: Mới đây, Chủ tịch UBND xã Tam An (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) bất ngờ xin từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ và cảm thấy mất uy tín với người dân.
Từ câu chuyện của ông Chủ tịch xã trên, tác giả Trương Khắc Trà cho rằng hành động của ông là biểu hiện của những người có tự trọng và lương tri biết xấu hổ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Thời buổi này, khi đang yên đang lành bỗng dưng viết đơn xin thôi chức vụ Chủ tịch xã quả là chuyện hiếm. Càng quý hơn nữa vì nguyên nhân khiến vị lãnh đạo xã này từ bỏ chức vụ là “không hoàn thành lời hứa với dân”!
Từ chức khi chiếc ghế chưa hề bị lung lay, không phải tin khó tin, cũng chẳng phải chuyện cổ tích mà đó là trường hợp của ông Bùi Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
“Ông Toàn có đơn xin thôi chức chủ tịch xã vào ngày 17/11 vì hai lý do chính là không hoàn thành nhiệm vụ và cảm thấy mất uy tín với người dân”[1].
Ông Bùi Văn Toàn đã gửi đơn xin từ chức Chủ tịch UBND xã Tam An do không hoàn thành nhiệm vụ. (Ảnh: nld.com.vn) |
Nguyên nhân trực tiếp khiến ông Toàn “không còn mặt mũi nào làm việc” là số nợ đọng 5 tỷ đồng chưa trả hết do xây dựng nông thôn mới, mặc dù địa phương đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu 12 tháng.
Số tiền 5 tỷ đồng nợ đọng để thực hiện một chương trình mục tiêu quốc gia tầm cỡ như xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở một xã quả thật không lớn, nói về nợ do thực hiện chương trình này nhiều địa phương còn ác liệt hơn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2016 số nợ đọng xây dựng nông thôn mới là hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực nợ cao nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc.
Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng...[2].
Ông Toàn không làm Chủ tịch chắc chắn có nhiều người mừng, xem đây là cơ hội để ngoi lên.
Dù chức vụ ông đang nắm giữ không phải “một tay che cả bầu trời” hay “hô phong hoán vũ” nhưng động thái đầy tính văn hóa này khiến nhiều người nghĩ về sự manh nha của "văn hóa từ chức", một phạm trù chỉ thường thấy ở Nhật Bản hoặc Châu Âu, Châu Mỹ… những quốc gia giàu có văn minh.
Ở đây, làm thử một phép tính cơ học, chỉ là thất hứa với dân và nợ 5 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần phải nói thêm ở thời điểm này nhiệm vụ ấy đã hoàn thành nhưng ông Toàn vẫn tự thấy xấu hổ, “muối mặt” mà từ chức.
Vậy thì thử hỏi những nơi khác thất thoát hàng chục ngàn tỷ, những vụ việc vỡ lỡ phơi bày sự thật trơ trẽn, sống sượng nhưng tại sao chẳng thấy một ai dũng cảm tự nhận thấy mình mất uy tín, có lỗi với nhân dân mà từ bỏ chức vụ!?
Phải chăng cái gọi là văn hóa từ chức của các vị ấy hoàn toàn khác với văn hóa từ chức kiểu các nước văn minh, là rút kinh nghiệm, rồi rút kinh nghiệm sâu sắc, là phê bình và nghiêm khắc phê bình rồi mọi thứ lại được cất vào ngăn tủ!
Không hiếm nơi sai phạm chồng chất, nhưng nhiều “công bộc” vẫn “tích cực” bám ghế và áp dụng xuất sắc nguyên lý ngàn đời, phản ánh sự khôn ranh vặt vãnh nhiều hơn trí tuệ: “để lâu… hóa mùn”.
Bởi vậy, không hiếm sự việc làm xôn xao dư luận một thời nhưng lại “chìm xuồng” một cách “đúng quy trình”
Dư luận chưa nguôi vụ một Sở ở Hải Dương có 44/46 cán bộ làm lãnh đạo, khi báo chí vào cuộc, Trung ương yêu cầu làm rõ thì vị lãnh đạo cao nhất của Sở này phân bua “tôi bổ nhiệm cán bộ là vì nhân dân”[3].
Xưa nay chỉ nghe nói vì nhân dân hy sinh, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ và có thể vì nhân dân mà từ chức… chứ khái niệm vì nhân dân bổ nhiệm chắc mới… rơi xuống từ sao Hỏa! Từ điển tiếng Việt chắc phải bổ sung khái niệm mới toanh này.
Tại nhiều nước, những nhân vật có tiềm năng kinh tế sau đó mới đi vào con đường chính trị, ví dụ Thủ tướng Italy, Thủ tướng Thái Lan, Tổng thống Mỹ...
Với họ việc làm chính trị như một sự thôi thúc chứ không phải lẽ kiếm sống.
Còn ở Việt Nam, nhiều người lợi dụng chính trị vì mục đích kinh tế, đục khoét, vơ vét cho bản thân và gia đình. Điều đó dẫn tới tệ tham nhũng.
Ban đầu có thể là lãnh đạo tốt nhưng quyền lực và lợi ích mang lại từ chức tước khiến không ít người mất đi lòng tự trọng, sượng sùng trước trách nhiệm với nhân dân.
Nước Việt ta từ xưa, các nhà nho, những người có tri thức, phẩm giá treo ấn từ quan không phải hiếm, như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Tất nhiên việc từ chức ấy phần nhiều là do không đồng ý với quan điểm của vua.
Nhưng dù lý do gì thì rõ ràng Việt Nam cũng đã có lịch sử về văn hoá từ chức. Bởi vậy, từ chức là câu chuyện văn hóa hơn là pháp lý, mới thấy rằng, “chế tài” ở đây chính là lương tri.
Chức vụ ông Toàn nắm giữ không lớn, nhưng rõ ràng lòng tự trọng của ông rất lớn; có ai đó đã nói vui rằng, nếu vị “công bộc” nào cũng cảm thấy chột dạ khi thất hứa với nhân dân mà từ chức thì không khéo… chẳng còn ai để làm!
Vụ ống nước Sông Đà vỡ lui vỡ tới… 19 lần nhưng chẳng mảy may làm ai chột dạ… kiểu ông Toàn, những dự án nhà nước lỗ hàng trăm ngàn tỷ đồng, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng vì các dự án kinh tế thông qua những bút phê, những vụ xả lũ “đúng quy trình” gieo tang tóc lên hàng triệu người dân… nếu đặt lên bàn cân với 5 tỷ đồng và lời hứa của ông Toàn liệu rằng có công bằng!?
Khi lương tri con người không còn xung động trước nỗi đau và sự mất mát của đồng loại, không còn thấy xấu hổ với chính mình thì đó cũng là một biểu hiện suy thoái, chuyển hóa như Nghị quyết TW4 Khóa XII chỉ rõ.
Làm trì trệ đất nước đã là có tội với tiền bối với nhân dân, thiếu năng lực trình độ, chẳng những thất hứa mà còn phản bội lại nhân dân nhưng không chịu rời ghế cũng là một cái tội.
Dĩ nhiên, pháp luật chưa có quy định buộc phải từ chức trong những trường hợp ấy, song tòa án lương tâm sẽ tự vấn chính bản thân mình, đừng vì ích lợi cá nhân mà bán rẻ phẩm giá, phương hại đến cộng đồng. Người Việt có câu “trăm năm bia đá vẫn mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.
Tài liệu tham khảo:
[2] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/no-dong-xay-dung-nong-thon-moi-toi-15-000-ty-dong-3479019.html
[3] http://plo.vn/thoi-su/toi-bo-nhiem-lanh-dao-la-vi-nhan-dan-662198.html