Chúng tôi gặp nhau trên một chuyến thiện nguyện xây trường cho trẻ vùng cao, lúc đó Trần Văn Vũ (sinh năm 1989, Thanh Sơn, Thanh Hà, Hải Dương) mới về nước sau những năm tháng làm việc tại Haiti.
Vũ để lại ấn tượng cho những thành viên trong đoàn bởi sự nhiệt tình, hiểu biết qua những câu chuyện về các vùng đất nơi Vũ từng đi qua và trải nghiệm.
Bẵng đi một thời gian, tôi nghe tin Vũ trở thành sinh viên năm nhất ở tuổi…32.
Liên lạc với Trần Văn Vũ mới biết, tại kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021, Vũ đã dự thi khối B00 và đạt 25,5 điểm, với số điểm này Vũ trúng tuyển Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng. Vũ sẽ tiếp tục con đường trở thành bác sĩ y học cổ truyền.
Chia sẻ về câu chuyện về hành trình viết tiếp ước mơ thành bác sĩ ở tuổi 32, Vũ bảo: "chuyện của em nó hơi dở hơi”…
Trần Văn Vũ với những người dân ở Haiti. Ảnh: nhân vật cung cấp |
“Ngày xưa nhà em nghèo, em thích ngành y lắm nhưng không có điều kiện học thêm để thi khối B.
Mà lúc ấy, xác định là muốn đỗ ngành y lúc đó phải đạt 25-27 điểm mới đỗ được. Học sinh nhà quê mà không vào lò thì không mơ gì ngành y dược cả.
Bố mẹ cũng khuyên phải học ngành gì tự xin việc được, tự kiếm tiền được chứ xác định là bố mẹ không lo được đâu", Vũ mở đầu câu chuyện.
"Sẵn có chút năng khiếu tiếng Anh em học khối D. Thế nhưng, điều quan trọng nhất là cô giáo chủ nhiệm hồi cấp 2 của em là giáo viên dạy tiếng Anh, thương em lắm.
Cô nhận dạy kèm miễn phí, cho sách, cho vở thậm chí cô giáo còn ứng cả học phí cho em.
Chính vì thế, năm 2007, em tạm gác ước mơ ngành y để theo học ngành ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Hải Phòng.
Năm 2011, với tấm bằng cử nhân Tiếng Anh, em tiếp tục vừa làm và vừa học thêm tấm bằng cử nhân của Trường Đại học Ngoại thương.
Rồi sau đó, em cũng thu được một phần thành công khi làm trong lĩnh vực thương mại”, Vũ nói.
Vũ bảo, những năm tháng đi làm thương mại tích cóp được, Vũ dành phần lớn thu nhập cho sở thích đi đó đây của mình.
Về sau, cũng vì sở thích đó, Vũ bỏ công việc toàn thời gian chuyển sang đi làm freelancer (công việc tự do bán thời gian) cho một số công ty bên Trung Quốc giao thương với Châu Âu.
Đó cũng là quãng thời gian Vũ đi nhiều nhất.
“Đến năm 2016 em nhận lời mời của Viettel qua Haiti làm việc. Mục đích ban đầu của em là có cơ hội tiếp cận visa Mỹ.
Tuy nhiên, khi sang Haiti, khác với những hình ảnh tuyệt đẹp của vùng Caribe, em lại chứng kiến sự cùng khổ của người nghèo không được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế.
Trước đó, trong những ngày lang thang khắp đây đó, em cũng đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều thành phần người.
Có nhiều người họ khổ lắm, đau bệnh không có tiền đi khám. Những số phận lang thang, bụi đời phải sống trong khổ đau, bệnh tật vì thiếu chăm sóc y tế.
Ở nước ngoài, khi em chỉ hắt hơi sổ mũi thì bệnh viện Quốc tế chăm sóc đến "tận răng", còn những người nghèo, những người mắc bệnh, không có tiền, họ phải đau đớn ngoài đường phố.
Những thứ đó cứ ám ảnh em mãi. Đến lúc em xin được Visa Mỹ rồi thì em đã dành ra 2 tuần suy nghĩ là sang Mỹ làm gì? Cuối cùng, em thấy nó không còn ý nghĩa với em”, Vũ kể.
Sau khi suy nghĩ, cuối năm 2017, Trần Văn Vũ quyết định quay về Việt Nam để thực hiện lại ước mơ.
Trần Văn Vũ ở tuổi 32, độc thân vui vẻ và chuẩn bị làm sinh viên năm nhất. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Thế nhưng câu chuyện ám ảnh nhất với Trần Văn Vũ và đó cũng là động lực và quyết tâm để Vũ tiếp tục theo đuổi nghề y đó chính là việc Vũ đã liều lĩnh chữa bệnh cho một bệnh nhân đặc biệt và trong một hoàn cảnh cũng rất đặc biệt.
Bạn trẻ trong hoàn cảnh đó vô cùng bế tắc do căn bệnh xã hội gây ra, bạn ấy đã mất hoàn toàn vào niềm tin trong cuộc sống và nhất quyết đòi tự tử.
Vì ngăn bạn trẻ có ý định tự tử Vũ đã phải nói dối rằng mình là bác sĩ và có thể giúp bạn ấy.
Sau 3 ngày đêm tự tìm tòi kiến thức bệnh này, Vũ tư vấn cho bạn trẻ và may mắn bạn trẻ ấy đã khá hơn, không còn có ý định tử tự nữa.
Nhưng sau vụ việc ấy, Vũ nhận ra vấn đề và dự dặn lòng mình sẽ không bao giờ lặp lại và quyết tâm nhiều hơn đến ngành y và trở thành 1 bác sĩ thực thụ. Một bác sĩ không chỉ chữa bệnh mà còn phải tư vấn tâm lý tốt cho bệnh nhân.
Cũng từ ngày trở lại Việt Nam, Trần Văn Vũ tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội.
Qua những hoạt động xã hội, Vũ nhận thấy người dân nghèo rất cần sự trợ giúp về y tế.
Từ những hoạt động ấy, Trần Văn Vũ quyết định đi học Y sĩ cổ truyền vì muốn dùng những phương thuốc từ nguyên liệu có sẵn để giúp người dân.
Nghĩ là làm, Vũ ghi danh và theo học tại một trường cao đẳng y về y học cổ truyền, nhưng khi gần ra trường, Vũ lại một lần nữa nhận ra rằng nếu chỉ dừng lại ở đó, Vũ chẳng giúp được ai nhiều.
“Qua thực tiễn về nghề y, em nhận thấy cần có lâm sàng bệnh viện, cần có môi trường học hành chuyên sâu để sau này có thể giải quyết, tư vấn bệnh tốt hơn”, Trần Văn Vũ tâm sự.
Vũ bảo: “Em không muốn sau này chứng kiến sự việc diễn ra rồi mà mình không giải quyết được vì thiếu chuyên môn, để sau cứ phải canh cánh trong lòng”.
Nghĩ vậy, Vũ quyết tâm chọn con đường thi lại vào ngành y của Trường Đại học Y dược Hải Phòng.
Vũ quyết định ôn thi khối B từ tháng 12/2020 bắt đầu từ con số 0 vì trước đây Vũ theo học khối D và chuyên về Văn và Ngoại ngữ.
Ngày đêm cắm mặt vào sách, bắt đầu lại từng công thức hóa học, kiến thức cơ bản của Hóa học, Sinh học và Toán học ở tuổi 32. Sau 6 tháng ôn thi Vũ sụt mất 5kg, hốc hác.
Vũ bảo: “May mắn cho em khi gặp những thầy cô tâm huyết, tận tụy. Với một người bắt đầu lại ở tuổi 32, thi khối B đạt 25,5 điểm, số điểm này là số điểm của các thầy cô. Em không phải thông minh gì”.
Khi được hỏi tại sao không chọn con đường học liên thông từ Cao đẳng y lên Đại học, Vũ bảo em sẽ chọn cho mình con đường thử thách như một bạn sinh viên bắt đầu từ năm nhất.
“Việc học hành “có đầu, có đũa” sẽ vững hơn về mặt chuyên môn và cũng là thử thách của bản thân mình”, Trần Văn Vũ chiêm nghiệm.