Tranh luận có nên quy định “ai là người đứng đầu" cơ sở giáo dục đại học

14/08/2022 07:59
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại diện nhiều trường đại học có ý kiến đóng góp về việc sửa đổi Nghị định 99/2019/NĐ-CP trong đó có liên quan đến việc quy định người đứng đầu.

Ngày 13/8, hội thảo lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh có sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các trường từ Đà Nẵng trở vào.

Đại diện nhiều trường đại học có ý kiến đóng góp liên quan đến việc sửa đổi nghị định này trong đó gồm những quy định về người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học; vị trí pháp lý của hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của trường đại học; về thành phần tập thể lãnh đạo và người chủ trì các cuộc họp tập thể lãnh đạo; về thành viên hội đồng trường (nhân sự chủ tịch, bổ nhiệm, thay thế thành viên, tuổi thành viên,…); về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình,…

Đông lãnh đạo nhiều trường đại học từ Đà Nẵng trở vào tham dự hội thảo lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP (Ảnh: L.P)
Đông lãnh đạo nhiều trường đại học từ Đà Nẵng trở vào tham dự hội thảo lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2019/NĐ-CP (Ảnh: L.P)

Phát biểu tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn-Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Luật Giáo dục đại học 2018 ban hành cách đây 4 năm, sau đó Nghị định 992019/NĐ-CP được ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học. Hai văn bản này có tác động vô cùng lớn với hệ thống giáo dục đại học.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, sau 4 năm thực hiện Luật Giáo dục đại học 2018 và gần 3 năm thực hiện Nghị định 99, kiểm nghiệm trên thực tế có những sự thay đổi rất thuận lợi. Tuy nhiên, có những quy định còn có vướng mắc hay còn có cách hiểu chưa được thống nhất. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện rà soát, lấy ý kiến các cơ sở giáo dục đại học để đề xuất ban soạn thảo trong xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 99 thời gian tới.

Cần chú ý đến tính đặc thù của đại học vùng, đại học lớn

Phát biểu tại hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Công Pháp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt – Hàn (thuộc Đại học Đà Nẵng) cho rằng đối với đại học vùng, cần xem xét có nên có hội đồng đại học như hội đồng trường của các trường bên ngoài không?

Theo ông Pháp, đại học vùng là một đại học chứ không phải là một cơ quan chủ quản. Các trường thành viên được sự chỉ đạo, giám sát, thông qua các chủ trương lớn của đại học vùng. Nhưng trường thành viên còn thêm chỉ đạo của đảng uỷ trường, thông qua hội đồng trường của chính cơ sở giáo dục đại học đó nữa. Như vậy, khi ra một quyết định gì đó nếu qua các trình tự trên thì sẽ quá vòng vèo, tạo cơ chế không nhanh được.

Vì thế, ông Pháp kiến nghị nên xem xét có cơ chế đối với đại học vùng cũng như xem xét lại hội đồng trường của các trường thành viên.

Còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết hiện nay ngày càng nhiều trường đại học muốn trở thành đại học nhưng trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP có một số vấn đề chưa rõ, chưa mang tính đặc thù, như việc bầu hội đồng đại học.

Trong quy định này, hoặc là người lao động hoặc đại biểu cần ít nhất ½ thành viên tham gia bầu trên tổng số người lao động. Nhưng với đại học vùng với quy mô khoảng 3.000 hoặc 4.000 người lao động thì bầu 1 hội đồng phải có gần 2.000 người, vậy tập trung kiểu gì?”, ông Vũ đặt câu hỏi.

“Vừa qua, khi bầu Hội đồng đại học của Đại học Đà Nẵng, theo quy định cần trên 50% và chúng tôi đáp ứng được khoảng 1.700 người, tổ chức bầu ở tất cả hội trường của các trường thành viên.

Với các trường đơn lẻ, việc quy định hơn 50% là hợp lý nhưng với các đại học vùng, đại học quốc gia thì thành phần bầu cần phải khác vì đông quá cũng không giải quyết được việc gì. Đây là một ví dụ cho tính đặc thù cần tính thêm trong nghị định”, ông Vũ nêu.

Có nên để hiệu trưởng kỷ luật phó hiệu trưởng?

Cũng tại hội thảo góp ý Nghị định 99, nhiều ý kiến tập trung bàn luận về thủ tục thay thế thành viên hội đồng trường, thẩm quyền kỷ luật phó hiệu trưởng.

Theo Giáo sư Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, về việc bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường mặc dù tại nhà trường chưa gặp phải nhưng theo thủ tục thì đây là việc rất phức tạp. Ông kiến nghị trong nghị định cần thay đổi để làm thế nào việc này thực hiện gọn hơn.

“Trước khi bổ sung hoặc thay thế một thành viên thì phải họp tập thể lãnh đạo, sau đó trình qua hội đồng trường để biểu quyết và trình lên cấp có thẩm quyền quyết định”, ông Phong nêu.

Bên cạnh đó, trong vấn đề kỷ luật ông Phong cho rằng cấp nào bổ nhiệm thì sẽ ra quyết định kỷ luật. “Ai là người được kỷ luật phó hiệu trưởng nếu người này vi phạm? Riêng trường tôi, hội đồng trường mà thay mặt là chủ tịch hội đồng trường sẽ ký quyết định bổ nhiệm phó hiệu trưởng. Nếu người này vi phạm thì chính hội đồng trường quyết định và chủ tịch hội đồng trường là người ký quyết định kỷ luật”, ông Phong chia sẻ.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thuỷ Tiên- Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Tài chính – Marketing cũng đồng tình với ý kiến của ông Phong trong quy trình bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường.

“Khi khuyết một thành viên hội đồng trường thì tập thể lãnh đạo nhà trường sẽ xem xét, đề cử một thành viên thay thế để trình ra hội đồng trường biểu quyết chứ không nhất thiết phải triệu tập hội nghị toàn thể trường để bỏ phiếu bổ sung thành viên đó”, Tiến sĩ Thuỷ Tiên nêu ý kiến.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Y dược Cần Thơ thì cho rằng: “Khoản 2 của Điều 7a nêu hiệu trưởng thực hiện trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu trong đó có phần kỷ luật với phó hiệu trưởng. Khoản này tôi không đồng ý. Bởi vì phó hiệu trưởng là do hội đồng trường bầu và chủ tịch hội đồng trường ký nghị quyết bầu, người nào bầu sẽ có thẩm quyền kỷ luật. Do đó, nên bỏ nội dung hiệu trưởng có quyền kỷ luật đối với phó hiệu trưởng”.

Ai là “người đứng đầu” trường đại học

Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Vũ, dù Bộ Tư pháp nói rằng không cần người đứng đầu một trường đại học nhưng ông kiến nghị cần phải có người đứng đầu.

“Bất cứ tập thể nào cũng cần có người đứng đầu, trong điều kiện bình thường không có gì nhưng khi xảy ra việc gì thì ai là người giải quyết, cần phải rõ. Trong tập thể lãnh đạo của Đại học Đà Nẵng, đương nhiên khi họp Đảng ủy thì bí thư Đảng ủy, họp Hội đồng thì Chủ tịch Hội đồng, họp Ban giám đốc thì Giám đốc đại học chủ trì nhưng có những cuộc họp mà trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thủ trưởng đơn vị chủ trì, nếu không có quy định cụ thể rất lúng túng”, Phó giáo sư Ngọc Vũ phân tích.

Đồng quan điểm, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Người đứng đầu trường đại học không nên né tránh mà cần được xác định rõ”.

Ông Tuấn lý giải: “Dù có ý kiến cho rằng nên “để trống” nhưng từ góc độ quản trị một tổ chức mà không có người đứng đầu là không thể. Chủ trương và hành động phải nhất quán mà muốn vậy thì ít nhất phải có người đứng đầu và sự phân quyền, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta mới đang giai đoạn bước đầu chập chững với mô hình hội đồng trường mà không tạo sự ổn định thì sẽ tạo ra sự không ổn định”.

Bên cạnh đó, ông Tuấn nhấn mạnh vấn đề phân quyền trong các cơ sở giáo dục đại học. “Bí thư đảng ủy và chủ tịch hội đồng trường phải là người đứng đầu đơn vị. Bộ chủ quản sẽ “nắm” hội đồng trường, hội đồng trường sẽ tìm hiểu, phát hiện và bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu trưởng sẽ bổ nhiệm phó hiệu trưởng. Nếu phân quyền rõ như thế thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề như bãi nhiệm, miễn nhiệm, hệ số phụ cấp, ai kỷ luật ai, ai chủ trì cuộc họp…”, Giáo sư Tuấn nói.

Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang lại có quan điểm khác về điều này. “Trường công rất quan tâm đến vai trò người đứng đầu nhưng trường tư không ai thắc mắc vì đã rất rõ. Nhưng trường công có những quy định rất khó khăn nên tôi thống nhất quan điểm người đứng đầu trong từng lĩnh vực, công việc gì mới quan trọng. Nghị định 99/2021/NĐ-CP có thể xử lý theo hướng có sự tham chiếu của mô hình nhà nước để có sự đồng thuận”, Tiến sĩ Trí nói.

Lê Phương