Tranh luận nảy lửa động cơ, mục đích của cựu giám đốc Hoàng Tiến Đức

26/05/2020 13:24
Vũ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều câu hỏi tranh luận giữa đại diện viện kiểm sát và luật sư về vai trò, trách nhiệm, động cơ của ông Đức nhờ nâng hay xem điểm chưa được làm rõ.

Sáng ngày 26/5, phiên tòa xét xử vụ án nâng điểm cho 44 thí sinh xảy ra tại tỉnh Sơn La trong kỳ thi Quốc gia năm 2018 tiếp tục phần đối đáp giữa luật sư bào chữa và đại diện viện kiểm sát.

Đáng chú ý, phần tranh luận, đối đáp giữa những luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến và đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La tại phiên tòa.

Đại diện viện kiểm sát đưa ra căn cứ kết tội bị cáo Trần Xuân Yến trước đề nghị của phía luật sư bào chữa cho bị cáo Yến cũng như bị cáo Yến đặt câu hỏi.

Theo đó đại diện Viện kiểm sát nêu rõ: “Bị cáo Yến đã Lợi dụng chức vụ quyền hạn đã nhận 13 thí sinh để nhờ nâng điểm.

Bị cáo Yến không thực hiện niêm phong để các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội tức sửa điểm, nâng điểm bài thi.

Bị cáo Yến chỉ đạo bị cáo Nga tải phần mềm xóa dữ liệu, tiêu hủy đĩa CD nhằm mục đích xóa chứng cứ, tài liệu nhằm che giấu hành vi phạm tội”.

Đại diện viện kiểm sát không tranh luận về nội dung luật sư đề nghị làm rõ vai trò của ông Hoàng Tiến Đức. Ảnh: Vũ Phương.

Đại diện viện kiểm sát không tranh luận về nội dung luật sư đề nghị làm rõ vai trò của ông Hoàng Tiến Đức. Ảnh: Vũ Phương.

Tranh luận về phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến là luật sư Nguyễn Kim Thanh và Phạm Văn Hiển cho rằng đại diện Viện kiểm sát trong phiên xét xử ngày hôm trước và hôm nay có sự bất nhất.

Luật sư Phạm Văn Hiển chỉ rõ: “Ngày xét xử hôm 25/5, đại diện viện kiểm sát cho rằng tình tiết bị cáo Yến đưa 13 thí sinh cho bị cáo Nga, đó chỉ là tình tiết để xem xét chứ không phải là căn cứ buộc tội.

Nhưng hôm nay đại điện Viện kiểm sát lại cho rằng đó là tình tiết căn cứ để buộc tội bị cáo Yến”.

Luật sư Nguyễn Kim Thanh đề nghị hội đồng xét xử cho công bố nội dung thư ký phiên tòa ngày 25/5 đã ghi lại.

Đại diện viện kiểm sát biện luận rằng, luật sư có quan điểm của luật sư, viện kiểm sát có quan điểm của viện kiểm sát.

Điều khó hiểu, đại diện viện kiểm sát từ chối tranh luận, trả lời nội dung liên quan đến vai trò của ông Hoàng Tiến Đức và việc ông Đức đưa danh sách 8 thí sinh cho bị cáo Yến nhờ xem hay nâng điểm.

Luật sư Phạm Văn Hiển đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc ông Yến bị truy tố vì sao ông Đức thì không? Ảnh: Vũ Phương.

Luật sư Phạm Văn Hiển đặt nhiều câu hỏi xoay quanh việc ông Yến bị truy tố vì sao ông Đức thì không? Ảnh: Vũ Phương.

Tranh luận với đại điện viện kiểm sát, luật sư Phạm Văn Hiển cho rằng: “Trong lời khai ông Đức thừa nhận đưa danh sách 8 thí sinh cho bị cáo Yến. Ông Đức cũng cam đoan lời khai của ông Đức trước pháp luật.

Bị cáo Yến nhận danh sách 8 thí sinh của ông Đức, nhưng đại diện viện kiểm sát lại cho rằng không có căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự ông Đức, nhưng ông Yến lại bị truy cứu?".

Phần tranh luận diễn ra thẳng thắn hơn, khi luật sư Nguyễn Kim Thanh cho rằng: “Quan điểm của đại diện viện kiểm sát lại có thể thay đổi như vậy. Đó là câu chuyện có tội và không có tội.

Đưa ông Đức về nhóm trung gian, người làm chứng, luật sư bảo vệ cho bị cáo Yến không đồng ý. Nếu ông Đức về nhóm trung gian, ông Yến cũng phải về nhóm này mới công bằng, bình đẳng.

Câu hỏi của tôi về động cơ, mục đích của ông Hoàng Tiến Đức đưa 8 trường hợp thí sinh nhằm mục đích, động cơ gì, đại diện viện kiểm sát cũng chưa trả lời.

Nếu ông Đức nhờ xem điểm hoặc nhờ nâng điểm thì tính pháp lý ở đây là như thế nào cần phải làm rõ?

Thời gian đó, ông Hoàng Tiến Đức là Chủ tịch hội đồng thi, Trưởng ban chấm thi, Giám đốc sở…, ông Đức là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án này. Vậy ông Đức trách nhiệm ở đâu?

Nhiều luật sư bào chữa cho bị cáo Yến cho rằng, nếu ông Yến vì đưa danh sách 13 thí sinh mà bị truy tố, vậy ông Đức thì sao? Ảnh: Vũ Phương.

Nhiều luật sư bào chữa cho bị cáo Yến cho rằng, nếu ông Yến vì đưa danh sách 13 thí sinh mà bị truy tố, vậy ông Đức thì sao? Ảnh: Vũ Phương.

Cũng trong phiên tòa ngày 26/5, nhiều bị cáo không có luật sư bào chữa khi tranh luận với viện kiểm sát đều nhận lỗi và mong được giảm án, hưởng án treo.

Như bị cáo Hoàng Thị Thành, bị cáo Lò Thị Trường cũng trình bày trước hội đồng xét xử rằng đồng ý với bản cáo trạng, nhưng đề nghị xem xét những tình tiết giảm nhẹ theo hướng giảm án, được hưởng án treo.

Bị cáo Đỗ Khắc Hưng cũng không có ý kiến gì tranh luận chỉ đề nghị giảm mức án và hình phạt bổ sung.

Một cựu cán bộ công an khác là Đinh Hải Sơn cũng xin được giảm án và mong được hưởng án treo.

Vũ Phương