Gian lận thi Sơn La, cựu Phó phòng PA03 tự bào chữa kêu oan

25/05/2020 10:46
Vũ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều bị cáo bị truy tố tội đưa hối lộ phủ nhận đưa tiền hối lộ để nhờ nâng điểm, nhiều bị cáo cho rằng mình bị oan, chứng cứ yếu.

Ngày 25/5, phiên tòa xét xử 12 bị cáo liên quan đến vụ án gian lận thi trong kỳ thi Quốc gia 2018 tại Sơn La tiếp tục phần luật sư bào chữa cho các bị cáo, các bị cáo được quyền tự bào chữa.

Phần bào chữa cho các bị cáo đáng chú ý liên quan đến những bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về tội đưa hối lộ và nhận hối lộ như bị cáo Lò Văn Huynh, Nguyễn Minh Khoa, Cầm Thị Bun Sọn, Trần Văn Điện, Nguyễn Thị Hồng Nga...

Đáng chú ý, trường hợp bị cáo Nguyễn Minh Khoa, Trần Văn Điện đều phủ nhận việc đưa hối lộ số tiền lên đến cả tỷ đồng để nhờ nâng điểm.

Đáng chú ý, trường hợp luật sư Trần Anh Tú bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Khoa về tội đưa hối lộ và bị đề nghị mức án từ 12-13 năm tù cho rằng những chứng cứ mà Viện kiểm sát dùng để buộc tội bị cáo Khoa hoàn toàn không có căn cứ, mang tính suy diễn áp đặt.

“Thân chủ của tôi cũng là người trung gian như ông Hoàng Tiến Đức (cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La –PV) cũng chỉ đưa thông tin thí sinh nhưng lại bị truy tố trong cáo trạng”, Luật sư Phạm Văn Phất bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn nói.

Luật sư Trần Anh Tú đánh giá, sai phạm tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại Sơn La đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội là nguy hiểm cho xã hội.

Cũng theo luật sư Trần Anh Tú, vụ án này hậu quả đã xảy ra, có người thực hiện hành vi phạm tội nên việc điều tra truy tố xét xử đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo công bằng thi cử, tạo điều kiện cho các thí sinh được công bằng khi bước vào cảnh cổng các nhà trường đại học là cần thiết.

Tuy nhiên, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Khoa cho rằng, chứng cứ để xác định bị cáo Khoa có thực hiện hành vi phạm tội hay không phải được thu thập, kiểm tra và đánh giá khách quan hơn.

Tại phần xét hỏi chiều ngày 23/5 và ngày 24/5 bị cáo Lò Văn Huynh đã khai rõ trước hội đồng xét xử, ngoài việc không thỏa thuận, không nhận bất kỳ khoản tiền nào của Khoa.

Luật sư Trần Anh Tú phân tích: “Như vậy cũng không có sự việc ngày 26/7/2018, bị cáo Huynh khai không nhận cuộc gọi nào từ Khoa đến số điện thoại của vợ tôi là Lê Thị Thanh Yến để gặp tôi trao đổi về nội dung xin lại tiền để trả lại cho gia đình thí sinh như cáo buộc của cáo trạng”.

Luật sư Trần Anh Tú bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Khoa thực hiện quyền bào chữa cho bị cáo. Ảnh: Vũ Phương.

Luật sư Trần Anh Tú bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Khoa thực hiện quyền bào chữa cho bị cáo. Ảnh: Vũ Phương.

Cũng theo nội dung bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Khoa, tại cáo trạng số 52 ngày 28/4/2020 trang 9 có quy kết tối ngày 26/7/2018 Nguyễn Minh Khoa gọi điện thoại đến số máy của Lê Thị Thanh Yến để gặp Lò Văn Huynh xin nhận “lại số tiền đã đưa nhằm trả lại cho gia đình thí sinh” là tình tiết được tạo dựng không có căn cứ, mang tính suy diễn không liên quan đến chứng cứ buộc tội.

“Do chị Yến vắng mặt có lý do, tại phiên tòa trước khi kết thúc phần hỏi của viện kiểm sát, Luật sư Trần Anh Tú đề nghị viện kiểm sát công bố chứng cứ tài liệu xác định tính liên quan, giá trị chứng minh của tình tiết này; nhưng tại phần luận tội Kiểm sát viên không thể công bố mà chỉ đánh giá chung chung thiếu căn cứ”, luật sư Trần Anh Tú.

Luật sư Trần Anh Tú chỉ ra: “Tại giai đoạn điều tra bổ sung, chị Thanh Yến (vợ Lò Văn Huynh) đã không thừa nhận nội dung này và Cơ quan điều tra cũng không có tài liệu vật chất để xác thực, khẳng định có cuộc gọi của Khoa đến số máy của chị Yến và nội dung có liên quan đến sự việc nêu trên”.

Đáng chú ý, luật sư Trần Anh Tú cũng cho rằng, tại phiên tòa Người làm chứng (ông Lê Minh Loan, Trần Hùng Mạnh) đều khai báo khách quan, trung thực và không thừa nhận có đưa tiền cho bị cáo Khoa, không có thỏa thuận về nâng điểm mà chỉ thừa nhận nội dung nhờ Khoa “xem trước điểm thi” của thí sinh nhằm chủ động trong việc thay đổi nguyện vọng tuyển sinh Đại Học.

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa. Ảnh: Vũ Phương.

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa. Ảnh: Vũ Phương.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Minh Khoa tự bào chữa đã cho rằng: “Bị cáo không nhất trí với bản luận tội, bản cáo trạng của viện kiểm sát, kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La.

Các tài liệu chứng cứ buộc tội đối với bị cáo có tính ép buộc, không phản ánh khách quan và những chứng cứ đưa ra công khai buộc tội bị cáo.

Cựu Phó phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03, Công an tỉnh Sơn La) cũng đề nghị Viện kiểm sát công bố bằng chứng tối ngày 26/7/2018 bị cáo Khoa gọi điện cho vợ bị cáo Lò Văn Huynh xin lại số tiền 1 tỷ đồng như trong cáo trạng truy tố.

Bị cáo Nguyễn Minh Khoa khai trước phiên tòa cho rằng mình chỉ nhờ xem điểm hộ cho con em những người thân, anh em bạn bè. Người làm chứng là những phụ huynh người nhờ bị cáo xem điểm đều khẳng định không đưa tiền cho bị cáo.

“Bị cáo không thể lấy tiền của nhà để đưa tiền cho bị cáo Huynh để nhờ nâng điểm như cáo trạng quy kết tội danh đưa hối lộ đối với bị cáo”, bị cáo Khoa nói.

Bị cáo Trần Văn Điện không nhận tội. Ảnh: Vũ Phương.

Bị cáo Trần Văn Điện không nhận tội. Ảnh: Vũ Phương.

Trong khi đó, luật sư Vũ Đức Thuận bào chữa cho bị cáo Trần Văn Điện bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 12-13 năm tù về tội Đưa hối lộ cũng cho rằng thân chủ của mình chỉ nhờ xem điểm và không đưa 1 tỷ 40 triệu đồng cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga.

Luật sư Vũ Đức Thuận cho rằng việc viện kiểm sát buộc tội bị cáo Trần Văn Điện thiếu căn cứ, không khách quan.

Bị cáo Trần Văn Điện thực hiện quyền tự bào chữa cũng khẳng định không đưa 1 tỷ 40 triệu đồng cho Nguyễn Thị Hồng Nga.

Bị cáo Trần Văn Điện cũng cho rằng mình chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm trước hội đồng xét xử.

Vũ Phương