Sáng nay 6/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng khẳng định ngành giáo dục có liên quan đến mọi người, mọi nhà và tương lai đất nước.
Theo Bộ trưởng Nhạ, đến nay giáo dục mầm non đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, so với các nước trong khu vực được UNICEF đánh giá cao...
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Nhạ rằng: "Bộ trưởng nói, giáo dục mầm non được thế giới đánh giá cao, ai đánh giá cao thì tôi không biết, nhưng hiện nay chi cho giáo dục mầm non thì ít, sự chênh lệch của giáo dục mầm non giữa các vùng miền thì lớn, tình trạng bạo hành trẻ em diễn ra bức xúc…".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành một phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Đáp lại câu hỏi này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: “Ý kiến đại biểu chúng tôi cũng thấy rất đúng. Chúng ta cũng chia sẻ một điều là từ chính sách dân lập, tư thục sang chính sách công lập, chuyển biến rất mạnh mẽ nên công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên cũng còn bất cập.
Với trách nhiệm người đứng đầu ngành chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề cần giải quyết. Chúng tôi tham mưu Chính phủ xây dựng quy định về môi trường an toàn, thân thiện với trẻ.
Nhân dịp này tôi cũng rất mong các bộ có liên quan và địa phương cùng với chúng tôi tăng cường giám sát, đặc biệt là chính quyền cơ sở, các hội phụ nữ, đoàn thanh niên cùng với chúng tôi phòng ngừa”.
Trong khi đó, Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Long An) nêu việc có những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo như 3 tháng không giảng bài, bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng. Bộ trưởng có giải pháp gì?
Những vấn đề về đạo đức nhà giáo, những trường hợp mà báo chí đưa lên là chưa hết, thậm chí có cả những trường hợp "hành hạ trẻ em".
"Để cho một cô giáo cả học kỳ không giảng bài thì hội đồng sư phạm nhà trường ở đâu?", ông Nhạ nêu.
Bộ trưởng nói kiên quyết loại bỏ "con sâu làm rầu nồi canh", cho dù đây không phải là bản chất, không vì những trường hợp này mà có sự đánh đồng.
Trước khi nghỉ giải lao, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tham gia ý kiến về vấn đề này:
"Đây đâu chỉ là chuyện của ngành giáo dục, các trường mầm non, tiểu học, trung học đều có địa chỉ, nằm trên các địa bàn, vậy các hiệu trưởng, chính quyền địa phương, các sở ban ngành ở đâu?".
Nước mắt học trò và những góc khuất giảng đường ít người biết |
Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin:
Ngày 23/3/2018, phát biểu tại buổi gặp gỡ, bày tỏ ý kiến của mình trước mặt Ban Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng có liên quan, em Phạm Song Toàn (học sinh Trường trung học phổ thông Long Thới, huyện Nhà Bè) chia sẻ:
Với học sinh bình thường, giáo viên đến lớp chỉ giảng bài thôi đã là nhàm chán.
Tuy nhiên, đối với Toàn thì em chỉ mong được một lần như vậy. Bởi lẽ, theo Toàn, giáo viên dạy Toán của em ở trong lớp thì “không nói gì cả”.
“Con không hiểu vì sao, cô chỉ đến lớp viết bài, giao bài tập cho chúng con, mà không nói gì cả” – Toàn nêu tâm tư của mình.
Và gần đây nhất, vào khoảng 11h trưa ngày 21/5, trên mạng xã hội xuất hiện hai đoạn clip và nhiều hình ảnh ghi lại cảnh các cháu nhỏ tại nhóm trẻ Mẹ Mười (Đà Nẵng) bị bạo hành.
Cụ thể, một cháu bé cởi trần bị đè ra nằm giữa nền đất, còn cô giữ trẻ gác chân ngang người bé và liên tục đút thức ăn.
Cháu bé này khóc và vùng vẫy nhưng vẫn bị cô đè đầu và chân. Khi cháu bé khóc, cô giáo dùng khăn bịt miệng và liên tục đánh bé.
Ngoài ra, còn có một số hình ảnh cô giữ trẻ bịt miệng và nhấc bổng một cháu bé còn mặc bỉm lên khỏi mặt đất.
Đoạn clip và những hình ảnh trên khiến nhiều người bức xúc vì những hành động dã man, vô nhân tính của cô giữ trẻ...