Trẻ mầm non đi học trở lại, các trường loay hoay với bài toán nhân lực

18/04/2022 07:00
Thái Hồng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều cô giáo do trong quá trình nghỉ dịch bệnh lâu dài nên đã chuyển hướng sang các ngành nghề khác ví dụ như ngành bất động sản, kinh doanh…

Ngày 13/4/2022 các cấp Mầm non mở cửa đón trẻ đến trường, do gần một năm các trường đóng cửa, nhiều giáo viên phải tìm công việc khác để kiếm thu nhập, dẫn đến tình trạng hiện nay các trường mầm non cả công và tư thục đều loay hoay giải bài toán nhân lực vì thiếu hụt.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam,Thạc sĩ Đoàn Thị Bích Thủy, người sáng lập Hệ thống mầm non Sasuke (Thành phố Hà Nội) cho biết, hiện nay trường đã mở cửa lại đón trẻ, nhưng nhân lực không đủ, trước đây trường thiếu giáo viên nhưng sau khoảng thời gian nghỉ dịch quá dài dẫn đến tình trạng sau dịch, giáo viên nghỉ càng trầm trọng hơn trước.

Dù trước đây trường đã đăng tuyển giáo viên trên các diễn đàn giáo viên rất nhiều nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa thể đủ giáo viên theo mức dự kiến của hệ thống..

“Sau dịch giáo viên trong trường chúng tôi nghỉ mất khoảng 1/4, một số cô do trong quá trình nghỉ dịch bệnh lâu dài nên đã chuyển hướng sang các ngành nghề khác ví dụ như ngành bất động sản, kinh doanh…

Bên cạnh đó, nhìn chung, giáo viên mầm non có thu nhập mức lương thấp, thời gian làm việc nhiều, các chế độ đãi ngộ cũng không tốt bằng các ngành nghề khác, hơn nữa do nhiều giáo viên không chịu được áp lực từ phụ huynh của học sinh, quản lý, và dư luận xã hội nên đã nghỉ việc”, cô Bích Thuỷ chia sẻ.

Cô Bích Thuỷ cũng cho rằng, thời gian vừa rồi các trường mầm non tư thục đua nhau mở như nấm sau mưa, dẫn đến tình trạng các trường Công lập thiếu giáo viên về dạy một cách trầm trọng.

Thạc sĩ Đoàn Thị Bích Thủy người sáng lập Hệ thống mầm non Sasuke. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Đoàn Thị Bích Thủy người sáng lập Hệ thống mầm non Sasuke. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Hiện nay để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, hệ thống mầm non Sasuke đưa ra giải pháp tạm thời bằng cách, không nhận quá quá nhiều học sinh một cách ồ ạt sau dịch, mà trường sẽ chia lượng học sinh theo từng đợt một đến khi tuyển được giáo viên.

Các trường đồng loạt tuyển dụng giáo viên ngay sau khi dịch bệnh bớt căng thẳng dẫn đến việc khi giáo viên ứng tuyển họ đưa ra các định mức thu nhập cùng những yêu cầu cao trong công việc, theo đấy là các chế độ đãi ngộ tốt trong công việc.

Để đáp ứng với nhu cầu tuyển dụng, Hệ thống mầm non Sasuke cũng đã có giải pháp như dựa vào mong muốn thu nhập của mỗi cá nhân, trường sẽ điều chỉnh chính sách đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên, Thạc sĩ Đoàn Thị Bích Thủy cho biết.

Đồng quan điểm trên, cô Ngô Thị Ánh Tuyết Hiệu trưởng trường mầm non Mặt Trời Xanh (Từ Sơn, Bắc Ninh) cho hay việc thiếu nhân lực đã thiếu từ trước khi dịch bệnh xảy ra, nhưng sau kỳ nghỉ Covid kéo dài, nhiều các cơ sở Mầm non thiếu giáo viên trầm trọng hơn trước".

“Trong quá trình đợi trẻ quay trở lại trường học, một số cô phải tìm kiếm công việc khác cũng như đổi ngành nghề để kiếm thêm thu nhập, một số cô khi tiếp xúc với công việc mới cảm thấy môi trường làm việc tốt hơn so với làm giáo viên.

Vì nghề giáo viên cũng vất vả, phải dành nhiều thời gian cho trẻ, cũng như đòi hỏi ở giáo viên phải có sự kiên nhẫn, chịu được áp lực từ công việc, nên đây cũng là thời điểm để tìm kiếm công việc phù hợp với mình”. Cô Tuyết nói.

Đồng thời cô Tuyết cho biết, trường cũng đã gặp nhất nhiều khó khăn khi thiếu nhân lực, bởi khi thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của trẻ, cũng như việc sắp xếp lớp học sẽ khó khăn hơn.

Đối với việc thiếu nhân lực, trường cũng đã sắp xếp lại các lớp học, một số lớp học có sĩ số ít trường sẽ gộp thành một lớp để chia giáo viên cho các lớp đang thiếu, hiện tại trường cũng hạn chế nhận trẻ một cách dồn dập.

Trường sẽ xem xét nếu trẻ chưa đủ tuổi trường sẽ lùi lại cho trẻ một tuần để trong khoảng thời gian đó, trường sẽ tuyển thêm giáo viên có chuyên môn cao, cũng như đào tạo giáo viên tốt hơn.

Nhiều trường công cũng gặp khó vì giáo viên hợp đồng chuyển việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiều trường công cũng gặp khó vì giáo viên hợp đồng chuyển việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng theo Cô Nguyễn Thị Thu Hường, Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Dân (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội) cho rằng, hiện nay việc thiếu nhân lực trong các cơ sở Giáo dục là điều rất dễ xảy ra, đặc biệt là các trường tư thục, ngoài công lập, còn đối với trường công lập trường hợp có thể sẽ có vì giáo viên làm hợp đồng ngắn hạn nên họ cũng tìm công việc khác.

“Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nhân lực là do các trường tư thục, ngoài công lập trong thời gian nghỉ dịch kéo dài, trẻ con không được đến lớp dẫn đến việc các nguồn thu chi không thể trả cho giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở, nhiều giáo viên phải bỏ nghề.

Còn đối với các trường công lập là trường hợp, hợp đồng giữa giáo viên và nhà trường là hợp đồng ngắn hạn nên chỉ được trả được trả lương theo thời gian làm việc thực tế”. Cô Thu Hường cho hay.

Trong thời gian chờ nhân lực ứng tuyển vào các vị trí còn thiếu, hầu hết các nhà trường sẽ có giải pháp khắc phục trước mắt bằng cách các cơ sở Giáo dục mầm non sẽ bố trí 3 giáo viên trên hai lớp, như vậy sẽ có một cô giáo phải hỗ trợ cho cả hai lớp cùng một lúc.

Còn nếu trường có nhân viên phục vụ thì sẽ có thể huy động nhân viên đấy lên hỗ trợ lớp…

Ngoài ra cô cho biết thêm hiện nay các cơ sở Giáo dục đều bị thiếu nguồn nhân lực ngay khi trẻ được quay trở lại đến lớp, do ảnh hưởng của dịch, Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Dân cho biết.

Thái Hồng