Triển khai CTGDPT mới: Sau giờ ăn, trường Nậm Ngà biến nhà ăn thành phòng học

26/03/2023 06:35
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau giờ ăn, nhà ăn ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nậm Ngà lại biến thành phòng học Ngoại ngữ, Âm nhạc do thiếu phòng học.

Nằm trên địa bàn vùng khó khăn, trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) đang trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất trầm trọng.

Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, các thầy cô giáo tại trường đang phải tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có.

Hình ảnh thầy trò trường Nậm Ngà khai giảng bên bờ suối năm học 2018 từng khiến không ít người ngậm ngùi.

Khu vực nhà ăn ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà. Ảnh: Thầy cô giáo cung cấp

Khu vực nhà ăn ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Nậm Ngà. Ảnh: Thầy cô giáo cung cấp

Những năm trước, học sinh của Nậm Ngà vẫn phải học trong những nhà học tạm nằm ven suối sâu trong bản Nậm Ngà, cách điểm bản hiện tại 17 km đường núi.

Bằng nhiều nỗ lực, điểm trường Nậm Ngà mới đã được xây dựng và tiếp tục hoàn thiện các hạng mục khác nhau.

Tháng 4/2020, công trình nhà bán trú đã được bàn giao và hoàn thiện các em học sinh từ trong điểm bản bên suối Nậm Ngà được đưa ra điểm bản Cao Chải để học tập.

Tuy nhiên, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhà ăn của nhà trường đã phải tận dụng làm phòng học Ngoại ngữ và Âm nhạc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Công Thương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Hiện nay, học sinh của nhà trường được dồn từ bản Nậm Ngà ra cơ sở chính ở bản Cao Chải nên có đông hơn. Hiện số học sinh học tại trường chính là 713 em.

So với quy định, trường hiện còn thiếu 4 – 6 phòng học. Trong đó phòng học tiếng Anh, Âm nhạc còn thiếu. Do vậy, nhà trường phải tận dụng nhà ăn để các em lớp 3 và lớp 6 học tạm.

Lý do phải học ở nhà ăn bởi ở đây không gian rộng, học được 2 lớp gộp, đồng thời cũng có ti vi để học”.

Được tận dụng thành lớp học Âm nhạc.

Được tận dụng thành lớp học Âm nhạc.

Nói thêm về cơ sở vật chất, Hiệu trưởng trường trường Phổ thông Dân tộc bán trú – Trung học cơ sở Nậm Ngà cho biết:

“Hiện tại cơ sở vật chất nhà trường cũng đã được các cơ quan chức năng đầu tư đầy đủ, tuy còn thiếu một số phòng nhưng cũng đã có phê duyệt dự án và chuẩn bị thi công.

Trước mắt cho đến hết năm học 2022- 2023, học sinh học Tiếng Anh, Tin học sẽ học tạm tại đây. Trong năm học tới việc này cũng sẽ kết thúc”.

Nói thêm về việc giáo viên phải vào các bản Nậm Ngà và bản Tia A Mủ (cách điểm trường chính 15 km đường núi) dạy tiếng Anh, thầy Thương thừa nhận, hiện giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc của nhà trường vẫn phải di chuyển đến bản dạy mà không có công tác phí thêm.

“Các điểm bản vẫn còn khoảng gần 100 học sinh. Trong đó có một số điểm bản có học sinh lớp 3 như Tia A Mủ, Nậm Ngà. Hiện nhà trường vẫn chỉ tính thêm giờ cho các thầy cô chứ chưa có hướng dẫn cụ thể nào”, thầy Thương cho biết.

Nói về khó khăn cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục ở Mường Tè, ông Tống Anh Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết: “Khó khăn hiện tại mà ngành giáo dục và các thầy cô giáo ở nhiều trường trên địa bàn huyện Mường Tè đang phải khắc phục chính là việc còn thiếu các phòng học chức năng, phòng học bộ môn Tin học, Ngoại ngữ; trang thiết bị dạy học trực tuyến chưa đáp ứng được đầy đủ so với nhu cầu sử dụng.

Nhiều đơn vị trường thiếu máy tính để triển khai dạy môn Tin học; điều kiện điện, mạng internet phủ sóng các điểm bản xa xôi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ảnh: thầy cô cung cấp

Ảnh: thầy cô cung cấp

“Trước mắt, với những phòng học không đủ diện tích theo quy định sẽ bố trí, sắp xếp những lớp có số lượng học sinh ít hơn để đảm bảo không gian lớp học. Hoặc tận dụng cơ sở vật chất hiện có”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết thêm.

Cũng nói thêm tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên, ông Tống Anh Sơn cho biết, với cấp tiểu học, thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học đang là rào cản cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở cấp học này, huyện Mường Tè đang thiếu 3 giáo viên Tin học, 4 giáo viên Tiếng Anh.

Ở cấp trung học cơ sở, một số trường đang thiếu giáo viên các môn: Nghệ thuật, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ, Giáo dục công dân. Đa số trường chưa có giáo viên đảm nhiệm dạy các môn tích hợp: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nên bố trí một môn tích hợp nhiều giáo viên cùng tham gia giảng dạy. Điều này gây khó khăn trong sắp xếp nhân sự, bố trí giờ dạy.

Trần Phương