CNN ngày 7/5 đã cho đăng tải nội dung cuộc phỏng vấn đặc biệt, hiếm hoi được thực hiện với Park Yong-chol - Phó Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình thống nhất Triều Tiên tại Bình Nhưỡng và là một trong những quan chức hàng đầu của nước này.
Việc phỏng vấn các quan chức cấp cao của Triều Tiên là rất khó, đặc biệt là đối với các hãng tin nước ngoài và nói không giới hạn về các chủ đề.
Park Yong-chol trong cuộc phỏng vấn với phóng viên CNN tại Bình Nhưỡng. |
"Tôi không thích nói chuyện với truyền thông nước ngoài vì họ thường đưa thông tin bịa đặt về đất nước chúng tôi", ông Park Yong-chol nói với phóng viên CNN.
Khi được hỏi về thông tin cho rằng lãnh đạo Kim Jong-un đã cho tử hình 15 quan chức cấp cao trong năm nay, Park Yong-chol khẳng định đó là những lời "vu khống độc ác" nhằm mục đích làm tổn hại uy tín nhà lãnh đạo của mình.
Tuy nhiên, ông Park Yong-chol không phủ nhận về việc đã có các vụ tử hình những người cố gắng lật đổ chính phủ hoặc phá hoại.
Quan chức Triều Tiên cũng phủ nhận sự tồn tại của các nhà tù chính trị, hành động giết người, tra tấn và bỏ đói tù nhân được nhắc tới trong báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc.
"Xã hội của chúng tôi là một xã hội không có xung đột chính trị hoặc phe phái hay chia rẽ chính trị. Do đó, chúng tôi không có thuật ngữ tù nhân chính trị", ông Park Yong-chol nói thêm.
Quan chức này còn cho rằng việc người dân Triều Tiên bỏ trốn khỏi đất nước là do bị Mỹ và Hàn Quốc dụ dỗ lôi kéo chứ không phải do chính phủ bỏ rơi. Hơn nữa một số những người bỏ trốn là tội phạm.
Cũng theo ông, nước Mỹ không có tư cách "dạy dỗ" Triều Tiên về nhân quyền khi mà bạo loạn sắc tộc đang bùng nổ ở quốc gia này và Washington cũng có đầy những nhà tù, trong đó họ sử dụng các biện pháp tra tấn.
Theo Park Yong-chol, Triều Tiên bị buộc phải theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh rằng chính quyền Bình Nhưỡng thực sự không muốn phát triển tên lửa đạn đạo tấn công lục địa Mỹ, nhưng sẽ không loại trừ khả năng có hành động như vậy nếu bị Washington "ép". Park Yong-chol thừa nhận rằng đây là một chiến lược tốn kém, nhưng cần thiết.
"Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền của vào các chương trình phòng thủ hạt nhân để chống lại các mối đe dọa Mỹ. Khoản tiền rất lớn này lẽ ra đã có thể được chi vào những lĩnh vực khác để cải thiện nền kinh tế", ông nói.
Theo quan điểm của quan chức này, Triều Tiên hiện đã đạt được quyền lực lớn về chính trị, tư tưởng và quân sự. Mục tiêu còn lại của họ là biến Triều Tiên thành một cường quốc kinh tế. Nhưng để làm được điều đó, Bình Nhưỡng cần phải cải thiện hình ảnh của mình với cộng đồng quốc tế.
Những quan điểm trên cho thấy, sự mất lòng tin lẫn nhau và sự từ chối giải giáp vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã khiến tương lai của Triều Tiên dường như vẫn còn rất mờ mịt, CNN kết luận.