Trình độ Ngoại ngữ SV VN chỉ đạt mức trung bình của Châu âu

23/12/2011 14:04
Xuân Trung
(GDVN) - TT Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá: Theo mức chuẩn ngôn ngữ năng lực Châu Âu  về Ngoại ngữ (sáu bậc) thì SV tốt nghiệp ở VN chỉ đạt mức ba. 
Sáng nay 23/12, Bộ Giáo dục tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và tìm giải  pháp củng cố trình độ Ngoại ngữ trong khuân khổ Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 trong các trường đại học, được tổ chức tại đại  học Hà Nội. 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, tầm quan trọng và vị trí của Ngoại ngữ đối với sinh viên, học sinh và sức hội nhập là không cần bàn cãi. Quan trọng chúng ta phấn đấu đến năm  2020 sẽ thực hiện được ở mức độ như thế nào. Đối với nước ta, vì sao lâu nay sinh viên chúng ta thường yếu kém về Ngoại ngữ, dạy  mãi vẫn không sử dụng được.

“Nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 là cố gắng áp dụng ngôn  ngữ năng lực chuẩn Ngoại ngữ Châu Âu làm thang đánh giá chuẩn. Cố gắng đến năm 2020 chúng ta không tự ti về trình độ Ngoại ngữ, lúc đó những  học sinh tốt nghiệp THPT sẽ dùng được ít nhất một ngoại ngữ”. Thứ  trưởng cho biết.
Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet
Hai năm vừa qua, Đề án Ngoại ngữ tập trung vào khối phổ thông. Theo đánh  giá của Bộ Giáo dục, trình độ ngoại ngữ của bậc học này đã yếu nhưng cũng  không thể hình dung là yếu hơn mức tưởng tượng. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, trình độ ngoại ngữ yếu cũng lỗi một phần do các trường đại học, là nơi đào tạo ra lớp giáo viên sư phạm, phương pháp dạy học hạn chế và đây cũng là yếu kém chung, đó chính là thách thức lớn nhất hiện nay: “Muốn thành công trước hết phải giải quyết được khâu  giáo viên, tập trung vào năng lực ngoại ngữ và phương pháp sư phạm” ông Hiển nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực, Ban quản lí Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cũng đồng  ý khi cho rằng, năng lực giáo viên dạy tiếng Anh của chúng ta rất thấp, giáo viên tiếng Anh tiểu học thì chưa được đào tạo về phương pháp dạy tiếng Anh tiểu học, hơn nữa giáo viên lại từ nhiều nguồn và nhiều người không có nghiệp vụ sư phạm cũng tham gia giảng dạy làm cho chất lượng không cao.

“Vấn đề ngoại ngữ thời gian qua không được như mong muốn cũng một phần do tính tự học của HSSV chúng ta chưa cao,  học nhiều mà hiệu quả lại không tương xứng với thời  gian, nỗ lực đầu tư của xã hội. Hiện nay ngoại ngữ dạy chỉ là như một môn học kiến thức chứ không được coi là một kỹ năng, đối tượng vẫn coi giáo viên là trung  tâm. Chúng ta thường quan niệm, dạy học vẫn phục vụ cho thi, trong khi thi cuối cấp và thi vào đại học vẫn chỉ tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch” TS Hùng thẳng thắn nhìn nhận. 
Chia sẻ với chúng tôi, TS Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, mục tiêu chung của Đề án phấn đấu đến năm 2015-2016 sẽ triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ cho sinh viên cao đẳng, đại học lên 60% só với hiện nay và 100% vào năm 2019-2020.

Đến năm 2015, 100% đội ngũ giảng viên ngoại ngữ được đào tạo, bồi dưỡng cả về trình độ chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm. Cũng năm đó, tất cả các cơ sở giáo dục đều có các phòng học tiếng nước ngoài.

Theo bà Hương, để triển khai được chương trình này cần chú trọng và có kế hoạch  hỗ trợ phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên ngoại ngữ trình độ cao đẳng, đại học ở các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nam Bộ.
Đề án Ngoại ngữ trong các trường đại học dược thực hiện theo ba giai đoạn:
Giai đoạn một từ 2008-2010: Chuẩn bị điều kiện triển khai Đề án cho các cấp phổ thông:
Giai đoạn  hai từ 2011-2015: Triển khai từng bước chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông và chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường với các bậc, trình độ đào tạo.
Giai đoạn ba từ 2016-2020: Triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm trên quy  mô cả nước và triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường  đối với tất cả các trường dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học. Tổng kinh phí dự toán để thực hiện dự án  trong ba giai đoạn là 9.738 tỷ đồng
.
Xuân Trung