Trong kỷ nguyên số, học sinh cần đọc sách như thế nào cho hiệu quả?

15/04/2023 06:54
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hơn 500 học sinh, giáo viên được lắng nghe diễn giả chia sẻ về mục đích, phương pháp và cách đọc sách trong kỷ nguyên số một cách hiệu quả.

Chiều ngày 14/4, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn Hải Phòng tổ chức tọa đàm về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trên địa bàn thành phố với chủ đề: “Đọc sách trong kỷ nguyên số”.

Tới dự toạ đàm có ông Đào Văn Hoàn - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hải Phòng; ông Lê Văn Kiên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; đại diện Thành đoàn Hải Phòng, Hội Khuyến học thành phố, Uỷ ban nhân dân quận Dương Kinh cùng hơn 500 học sinh, giáo viên.

Diễn giả tham gia toạ đàm có Đại tá, Nhà văn Nguyễn Đình Tú – Trưởng ban sáng tác của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Các đại biểu tham sự tọa đàm về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trên địa bàn thành phố với chủ đề: “Đọc sách trong kỷ nguyên số” (Ảnh: Phạm Linh)

Các đại biểu tham sự tọa đàm về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 trên địa bàn thành phố với chủ đề: “Đọc sách trong kỷ nguyên số” (Ảnh: Phạm Linh)

Chương trình tọa đàm là một sự kiện trọng tâm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn thành phố Hải Phòng năm 2023. Qua đó góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, một nét đẹp trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh và toàn xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc, phát huy sức mạnh, sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh, tạo động lực góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc.

Hơn 500 học sinh, giáo viên tham gia toạ đàm về văn hoá đọc sách (Ảnh: Phạm Linh)

Hơn 500 học sinh, giáo viên tham gia toạ đàm về văn hoá đọc sách (Ảnh: Phạm Linh)

Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Lê Văn Kiên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho biết, năm 2023 là năm thứ 2 thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây là một sự kiện văn hóa hết sức ý nghĩa, tiếp nối truyền thống hiếu học, trọng tri thức của dân tộc ta.

Hệ thống trường học, hệ thống thư viện, lực lượng an ninh quốc phòng, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: trưng bày, giới thiệu sách; giao lưu tác giả - tác phẩm; tổ chức quyên góp và trao tặng sách...

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay là chương trình tọa đàm về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với chủ đề “Đọc sách trong kỷ nguyên số” tại Trường Trung học cơ sở Hoà Nghĩa.

Ông Lê Văn Kiên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc toạ đàm (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Lê Văn Kiên – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc toạ đàm (Ảnh: Phạm Linh)

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2023, thầy giáo Nguyễn Đức Nam – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoà Nghĩa nhấn mạnh về sự cần thiết của việc lan toả văn hoá đọc trong môi trường học đường.

Thầy giáo Nguyễn Đức Nam chia sẻ: “Lấy sách là điểm xuất phát chúng ta có thể tự tin hơn trong con đường chinh phục tri thức mới. Thế nhưng một số bạn trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với việc đọc sách.

Văn hóa đọc đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ trên môi trường không gian mạng Internet.

Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc những cuốn sách in hàm chứa trong đó tri thức và những giá trị văn hóa, ngôn ngữ to lớn của nhân loại trước sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn hiện đại, quá hấp dẫn như ngày nay.

Trên mạng Internet có khối lượng thông tin phong phú, nhanh và cập nhật nhưng liệu đọc xong các em còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu, hay chỉ như cơn gió thoảng qua? Các em có thể nghiên cứu, “nhâm nhi” từng câu, từng chữ mà tác giả gửi gắm vào đó không?

Đối với học sinh chúng ta đọc sách vẫn là một công việc bắt buộc và thường xuyên mà nếu thiếu nó sẽ rất khó có kiến thức đầy đủ để các em làm hành trang vững bước cho tương lai”.

Học sinh hào hứng trải nghiệm xe thư viện lưu động (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh hào hứng trải nghiệm xe thư viện lưu động (Ảnh: Phạm Linh)

Xe thư viện lưu động có hàng trăm đầu sách với thể loại phong phú (Ảnh: Phạm Linh)

Xe thư viện lưu động có hàng trăm đầu sách với thể loại phong phú (Ảnh: Phạm Linh)

Trước thực trạng trên, Ngày Sách và Văn hóa đọc được tổ chức thường xuyên ở khắp các địa phương trên cả nước vào mỗi dịp tháng 4 hàng năm sẽ là cơ hội quý cho tất cả mọi người đặc biệt là các em học sinh được tiếp cận với nhiều sách quý góp phần trau dồi kiến thức và kỹ năng của mình.

Lan toả văn hoá đọc sách góp phần xây dựng xã hội học tập (Ảnh: Phạm Linh)

Lan toả văn hoá đọc sách góp phần xây dựng xã hội học tập (Ảnh: Phạm Linh)

Tại chương trình toạ đàm, đại diện học sinh Trường Tiểu học Hải Thành và Trung học cơ sở Hoà Nghĩa đã có những chia sẻ ngắn về cảm nhận, ý nghĩa và những bài học rút ra được khi đọc những tác phẩm về tấm gương thanh niên du kích anh dũng, mưu trí Phạm Ngọc Đa hay cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh.

Học sinh chia sẻ cảm nhận về tác phẩm yêu thích (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh chia sẻ cảm nhận về tác phẩm yêu thích (Ảnh: Phạm Linh)

Đặc biệt, hơn 500 học sinh, giáo viên có mặt tại toạ đàm đã được lắng nghe những chia sẻ thú vị, bổ ích của Đại tá, Nhà văn Nguyễn Đình Tú – Trưởng ban sáng tác của Tạp chí Văn nghệ quân đội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam một nhà văn quân đội khá thành công với những tác phẩm đề cập đời sống đương đại.

Đại tá, Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ cùng học sinh và giáo viên về văn hoá đọc (Ảnh: Phạm Linh)

Đại tá, Nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ cùng học sinh và giáo viên về văn hoá đọc (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh đặt câu hỏi cho diễn giả (Ảnh: Phạm Linh)

Học sinh đặt câu hỏi cho diễn giả (Ảnh: Phạm Linh)

Nổi bật trong đó có những chia sẻ về mục đích của việc đọc sách trong kỷ nguyên số; phương pháp chọn sách in và sách online; cách đọc sách hiệu quả; phương pháp ghi chép, lưu trữ thông tin từ sách; phương pháp sử dụng kiến thức từ sách vào việc làm bài thi, vào hoạt động thực tiễn; cách tìm kiếm, sử dụng nguồn tài nguyên sách online vào việc học tập; đọc sách như thế nào để hỗ trợ hiệu quả cho việc học trực tuyến.

Phạm Linh