Nỗ lực thu hút học sinh đọc sách bằng cách "mưa dầm, thấm lâu"

09/12/2022 06:50
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Em thấy đọc sách thật là bổ ích. Vì thế, mỗi giờ ra chơi, chúng em vẫn thường tìm tới thư viện để tìm sách đọc.

Công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ, khiến cho nhiều người, đặc biệt là học sinh không còn hứng thú với việc đọc sách như nhiều năm về trước. Giáo dục và hướng các em đến với những trang sách hay, bổ ích phù hợp với lứa tuổi cũng là cách nuôi dưỡng nên những tâm hồn đẹp.

Thư viện xanh trên sân trường (Ảnh nhà trường)

Thư viện xanh trên sân trường (Ảnh nhà trường)

Tuy nhiên, để học sinh tham gia vào quá trình đọc sách, yêu quý sách và biết tìm kiếm những cuốn sách hay để đọc lại không hề đơn giản. Cô Huỳnh Thuý An, cán bộ thư viện Trường Trung học cơ sở Phước Hội 2 thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận nói rằng, không thể nóng vội mà cần phải kiên trì thực hiện kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Tạo hứng thú cho các em bằng những lời giới thiệu hấp dẫn

Như thường lệ, cứ mỗi tháng một lần thư viện Trường Trung học cơ sở Phước Hội 2, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận lại tổ chức một tiết giới thiệu sách dưới cờ cho học sinh.

Để các em hứng thú lắng nghe, giao lưu với cán bộ thư viện về nội dung sách và hào hứng tìm sách để đọc, cô Thuý An cho biết mình đã phải dành khá nhiều thời gian để chuẩn bị.

Sách được giới thiệu không chỉ hợp chủ điểm của tháng, còn phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi. Ngoài ra, văn phong đẹp và mang tính giáo dục cao.

Cô Thuý An cho biết: “Bài giới thiệu sách phải chạm được tới cảm xúc của người nghe mới cuốn hút được sự chú ý của các em (lứa tuổi vốn ít tập trung trong những giờ ngoại khoá).

Muốn vậy thì người nhân viên thư viện phải đọc kỹ tác phẩm, phải hiểu rõ nội dung cũng như tính giáo dục. Người viết phải biết chọn ngôn từ sao cho phù hợp với từng thể loại của sách.

Tùy từng tác phẩm mà để viết cho hợp lý. Cách nhập đề cũng vô cùng quan trọng, ngay từ đầu phải cuốn hút được các em. Vì thế, khi thì dẫn bằng đoạn thơ, lúc dẫn theo tên tác giả, hoặc kể một mẫu chuyện phù hợp”.

Bài học giáo dục thông qua những câu chuyện kể

Cô Thuý An kể rằng, cuốn sách: Phút Dành Cho Mẹ của tác giả Spencer Johnson đã làm nhiều học sinh thật sự xúc động.

Chuyện được kể về 1 cậu bé đang học ở 1 trường tiểu học. Một hôm, cô giáo của cậu gọi cậu lại và đưa cho cậu 1 bức thư và nói phải đưa về cho mẹ của mình. Sau khi đưa thư cho mẹ, cậu bé hỏi bà về nội dung, ngập ngừng một lát, bà đọc to lá thư cho con trai mình:

“Con trai của ông bà là một Thiên Tài! Nhưng ngôi trường này quá nhỏ, các giáo viên của chúng tôi cũng không có đủ năng lực để dạy dỗ cậu bé. Bởi vậy, xin ông bà hãy tự kèm cặp con trai mình”.

Rất nhiều năm sau, khi mẹ đã qua đời và cậu bé ấy đã trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ, ông ngồi xem lại những vật dụng cũ trong gia đình. Đột nhiên, ông tìm thấy tờ giấy gấp lại trong góc ngăn kéo bàn.

Ông mở ra và nhìn thấy dòng chữ được viết trên đó: "Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa".

Cậu bé đã khóc trong nhiều giờ liền, sau đó viết vào nhật ký: "Tôi là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ".

Bài học lớn nhất là tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con. Tình yêu ấy không chỉ nâng đỡ, che chở cho con, mà còn có thể thay đổi số phận một con người.

Cô Thuý An chia sẻ, sau phần giới thiệu cô đã trực tiếp giao lưu với các em bằng những câu hỏi: Trong những em học sinh đang ngồi dưới kia, có bao nhiêu em tự tin khẳng định và dám đưa tay thật cao rằng mình thật sự yêu mẹ, và không làm mẹ buồn?

Học sinh đến thư viện xanh để đọc sách (Ảnh nhà trường cung cấp)

Học sinh đến thư viện xanh để đọc sách (Ảnh nhà trường cung cấp)

Nhưng cũng chưa muộn đâu các em ạ nếu như khoảng thời gian qua chúng ta chưa thể hiện được tình cảm ấy thì ngay ngày hôm nay, khi đi học về: chúng ta hãy hỏi thăm rằng mẹ hôm nay có mệt lắm không?

Hay đơn giản chỉ là khen món ăn mẹ nấu rất ngon, cô tin chắc chắn rằng, mẹ các em sẽ rất vui, rất hạnh phúc với những điều vô cùng bình dị ấy. Những điều tưởng giản dị thôi nhưng mà cũng sẽ làm cho mẹ rất vui và hạnh phúc.

Hay như câu chuyện “10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc” của tác giả Nghiêm Văn Tân đã dựng lại cuộc sống đời thường của 10 Anh hùng liệt nữ được mô tả thật kỹ càng thật xúc động. Những cô gái thanh niên xung phong đã dũng cảm xả thân quên mình “quyết sống bám cầu, bám đường”.

Họ đã luôn chiến đấu với khẩu hiệu “máu có thể chạy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắt”.

Thông qua câu chuyện, đã giáo dục học sinh lòng biết ơn sâu sắc đến cha ông, những người đã xả thân vì nước. Từ đó, các em biết trân quý cuộc sống bằng cách sống có ích. Noi gương ông cha phải cố gắng học hành.

Để thay đổi không gian đọc sách thân thiện, gần gũi nhằm thu hút học sinh đến với thư viện sách nhiều hơn. Cô thủ thư đã xây dựng thêm một thư viện xanh ngoài sân trường.

Sách được mang ra tận sân, học sinh được ngồi đọc sách trên những chiếc bàn tự chế trông vừa linh động, lại vừa đẹp mắt.

Học sinh đã tìm đến thư viện nhiều hơn

Sau những tiết giới thiệu sách, học sinh đã đến thư viện tìm sách đọc nhiều hơn. Nhiều em còn có nhu cầu được mượn sách về nhà đọc thêm. Có em còn hỏi địa chỉ để tìm mua bằng được những cuốn sách mới được giới thiệu.

Em Phạm Ngô Khánh Quỳnh, học sinh lớp 8E, liên đội trường của trường đã chia sẻ rằng, nhiều bạn yêu sách vì những bài giới thiệu của cô thư viện rất hay, rất truyền cảm. Chúng em luôn mong đến ngày được nghe những bài giới thiệu trước cờ rồi lại tiếc nuối sao vì hết giờ.

Cô như truyền cảm hứng đọc sách cho chúng em. Em thấy hứng thú hơn với việc đọc sách. Có nhiều câu chuyện giáo dục chúng em trong cuộc sống, tạo động lực cho chúng em vươn lên trong học tập, biết yêu thương mẹ nhiều hơn. Em thấy đọc sách thật là bổ ích. Vì thế, mỗi giờ ra chơi, chúng em vẫn thường tìm tới thư viện để tìm sách đọc.

Phan Tuyết